15/12/2014 15:21 GMT+7

Trai giả gái, gái giả trai: đừng đầu độc trẻ thơ

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với Tuổi Trẻ về việc cần phải lên án, chấm dứt các chương trình giải trí lạm dụng việc giả trai, giả gái đang phát sóng trên truyền hình.

Nghệ sĩ Minh Thuận (phải) giả Thị Nở và giám khảo Hoài Linh trong Gương mặt thân quen nhí - Ảnh: SV

+ Sự lệch lạc về giới tính là một trào lưu đang phát triển với nhiều hậu quả khó lường về mặt xã hội, giáo dục và cả sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt đáng báo động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và giới showbiz. Rất mong các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ VH-TT& DL và Bộ GD-ĐT phải thể hiện được vai trò quản lý của mình để chúng ta có một xã hội phát triển lành mạnh với những giá trị truyền thống đã khẳng định qua hàng ngàn năm văn hiến mà không bị lai căng.

Olala (vietlinh359@...)

+ Tôi rất đồng ý với tác giả bài viết Gương mặt thân quen nhí: vui chút ít, băn khoăn quá nhiềuKhông chỉ những nhà tổ chức, khán giả mà còn cả những nhà tài trợ đã tiếp tay cho những loại hình này phát triển. Tại sao chúng ta không đầu tư vào những chương trình mang tính giáo dục cao mà lại nhắm vào những loại hình không phù hợp này? Phải chăng là đó là sự đầu tư của lòng ích kỷ?

Mai Tùng (tungmai@...)

+ Tôi cảm thấy chương trình như thế này này gặp nhiều vấn đề:

1. Như bài báo đã phân tích về vấn đề nhìn nhận giới tính của trẻ.

2. Chương trình đang phát sóng cho khán giả thực tế là ai.

3. Từ nội dung ca khúc tới phong cách biểu diễn tôi thấy chương trình đang già hóa trẻ em, trẻ em sao lại toàn hát những bài của người lớn. Chúng ta đã hết những bài cho trẻ em sao?

4. Trẻ em sẽ không học được tư duy phản biện và sáng tạo nếu cứ theo kiểu sao chép một hình tượng thành công khác.

(nguyenhatrantran11@...)

+ Liên tục hóa thân vào những vai giả gái khi lên sàn diễn, dấu hiệu cho thấy tâm lý của người diễn phần nào "có vấn đề". Đừng ngụy biện là để đáp ứng thị hiếu của người xem. Trình độ thưởng thức của công chúng không thấp đến như vậy đâu!

Khang (khangkn2014@...)

+ Biểu diễn nghệ thuật lúc nào cũng phải có màn giả gái/giả trai. Bộ không có ý tưởng sáng tạo nào khác mới mẻ hơn sao.

Hữu Nghĩa (hdanhvt@...)

+ Vui chơi giải trí trong cuộc sống là đáng phát huy nhưng cần thận trọng không thể quá dễ dãi.

Nguyễn Đình (eric_hoa6btbt@...)

+ Nam giả gái, gái giả trai, bị lạm dụng quá nhiều làm người xem ngán ngẩm và không còn cảm giác cười được nữa. Hãy hạn chế lại vì bây giờ quá nhảm rồi.

Vũ Hoàng Khánh (vhkhanhmar87@...)

+ Tâm hồn trẻ thơ đem ra giải trí là đây! Nguyễn Hữu Khoa (newhuukhoa@...)

+ Riêng tôi, đến chương trình hễ có trẻ em bắt chước người lớn hay giả trai, giả gái là tôi chuyển xem chương trình khác.

Nguyen Hùng (nguyenhungsonly@...)

+ Bài viết của Hồng Hạnh đã nói lên những bức xúc của phụ huynh khi cho con xem những chương trình giải trí, nhất là những chương trình hài kịch. Có những nghệ sĩ xem sân khấu là nơi thể hiện giới tính khác của mình.

Tôi thường cấm không cho con tôi xem kịch thiếu nhi của HTV vì tôi thường hay gặp nam nghệ sĩ đóng vai cô tiên hoặc nhân vật nữ nào đó.

Hoa Bưởi (thichxuanpham@...)

+ Phân tích có tình, có lý. BTC nên xem lại cho phù hợp: Không nên cho các cháu giả gái. Trọng tâm phục vụ cho các cháu, nên sắp xếp thời gian lên sóng để cho các cháu được xem.

Trần Lê Kha (tranlesb@...)

+ Ban lãnh đạo VTV cần xem lại các chương trình giải trí trong thời gian gần đây, rất nhiều hạt sạn cần phải lựa bỏ, nhất là các chương trình giải trí. Giờ vàng sao không phát những chương trình hay như "Đường lên đỉnh Olympia" hay những chương trình mang tính giáo dục, sáng tạo... khác. 

Trần Sơn (hongson7377@...)

+ Tôi cũng nhận thấy trong thời gian qua trong các chương trình giải trí trên TV đã quá đà trong việc giả gái của các nam ca sĩ, nghệ sĩ. Có lẽ người đầu tiên giả gái thành công là nghệ sĩ Hoài Linh nhưng rồi dần về sau, trở thành cuộc đua nhảm nhí của các nghệ sĩ khác. Vừa qua, bé trai Đức Vĩnh đã thành công trong vai Thị Mầu, nhưng đó là vì sự đam mê của bé trong các làn điệu dân ca truyền thống mà bé muốn thể hiện.

Tôi đề nghị các chương trình nên giới hạn sự quá trớn này. Theo tôi đó là một sự diễu cợt thái quá. Nhiều nhân vật giả gái xuất hiện, tôi thấy làm sao ấy, lúc đó tôi chỉ thấy ghê ghê.

Minh Thi (npnguyen1@...)

Thực hiện những hành vi trái với giới tính sẽ ảnh hưởng đến hành vi sau này của trẻ

Bản thân trẻ có khả năng nhận dạng hành vi giới tính của mình từ rất sớm, cụ thể là sau 2 tuổi.

Sau 3 tuổi, trẻ sẽ định hình được hành vi giới tính ban đầu.

Từ 3 đến 6 tuổi, trẻ có khả năng nhận dạng về hành vi giới tính của mình và điều này sẽ phát triển rõ rệt hơn ở tuổi Tiểu học.

Khi trẻ biết được đặc điểm giới tính của mình thì trẻ sẽ biết cách ứng xử. Với những trẻ nhỏ, việc chúng ta cho trẻ thực hiện những hành vi trái với giới tính của mình sẽ ảnh hưởng đến hành vi sau này của trẻ.

Còn trẻ ở giai đoạn tiểu học, dù nhận thức có rõ rệt hơn nhưng trẻ cũng sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu giới tính đối nghịch.

"Nếu thật sự trẻ muốn thể hiện một hình ảnh nghệ thuật nào đó thì nên để trẻ tự nhiên thể hiện theo ý mình. Việc can thiệp vào suy nghĩ, cảm xúc của trẻ sẽ không đảm bảo sự phát triển tự nhiên của trẻ nữa. Đây là những điều cần suy nghĩ nghiêm túc để tránh ảnh hưởng tới trẻ về sau",

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) - 

trích từ Tiêu điểm: Đừng đùa với giới tính 

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên