Trà Mã Dọ là loại trà xanh, mọc tự nhiên trên các đỉnh núi cao 500 - 700m so với mặt nước biển; rải rác ở các đỉnh núi giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Bình Ðịnh. Trà ngon nhất khi được hái vào mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch).
Giống trà rừng hiếm và đắt
Ông Từ Văn Mười (thôn Long Thạnh, xã Xuân Lộc) cho hay gia đình ông có hàng chục năm leo núi hái trà Mã Dọ.
Vì đây là giống trà rừng mọc tự nhiên trên núi cao, số lượng cây còn lại không nhiều nên bình quân mỗi ngày một người đi hái trà chuyên nghiệp cũng chỉ hái được khoảng 1 - 4kg trà tươi (4kg trà tươi làm được 1kg trà khô); người không chuyên thì chỉ được phân nửa.
"Bây giờ trà vẫn đang ngủ đông, ra Tết mới hái rộ. Muốn mua trà Mã Dọ phải đặt trước cả tháng, do số lượng hái không được nhiều nên khi đặt, tôi gom đủ số lượng sẽ gọi báo lại", ông Mười nói.
Theo ông Mười, giá bán hiện tại của trà Mã Dọ là 3 triệu đồng/kg khô. Toàn bộ công đoạn phơi trà, sao trà, đóng gói đều được làm thủ công.
Trà sau khi hái về sẽ chọn những búp non, rải ra phơi cho héo và được vò, chà cho đến khi ngọn trà nhàu nát. Tiếp đó, trà được ủ trong 3 - 4 giờ rồi phơi nắng cho chín tới, có mùi thơm là đạt.
Ðiểm khác biệt của trà Mã Dọ là lá trà khô có màu đen, khi pha sẽ ra màu nâu đen rồi nhạt dần thành màu hồng. Khi uống, trà có vị chát nhẹ, hậu ngọt, hương thơm rất đặc trưng.
Bà Trần Thị Loan (53 tuổi, thôn Long Thạnh, xã Xuân Lộc) cho hay hiện nay số gốc trà tự nhiên chỉ còn rất ít sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh, nạn cháy rừng, đốt than...
"Trà Mã Dọ năm ngoái tôi vẫn còn một ít để bán cho khách quen với để lại cho nhà dùng đãi khách. Tôi cũng ươm cây đem từ rừng về trồng trong vườn nhà gần 2 năm nay rồi nhưng đưa xuống dưới này cây không phát triển bằng", bà Loan cho hay.
Cơ hội mới cho trà Mã Dọ
Ông Nguyễn Thành Sơn - chủ tịch UBND xã Xuân Lộc - nói đầu xuân trà Mã Dọ nảy mầm non nhiều nhất, các mùa còn lại thu hoạch không đạt. Người hái trà Mã Dọ vào đúng dịp này cho thu nhập rất khá vì là giống trà tự nhiên khai thác theo mùa nên giá thành luôn cao.
"Địa phương cũng đang liên kết, hỗ trợ các trung tâm khoa học tiến hành nghiên cứu, nhân giống trà Mã Dọ tiến đến sản xuất sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, cây trà Mã Dọ tự nhiên mọc ở các vùng núi cao nên công tác bảo tồn khó khăn. Tuy nhiên những người hái trà hiện nay đã hiểu và nhận thấy lợi ích kinh tế của cây trà này nên đã có ý thức bảo vệ để khai thác, không chặt phá như ngày xưa.
Vào tháng 12-2024, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã nghiệm thu đề tài Nghiên cứu ứng dụng và phát triển cây trà Mã Dọ tại thị xã Sông Cầu, do Trung tâm Khoa học và Công nghệ nông nghiệp - sinh học La Hiêng (TP Tuy Hòa) thực hiện.
Đề tài này được triển khai từ tháng 10-2020 đến nay với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng. Hiện nhóm nghiên cứu đã thành công khi nhân giống cây trà Mã Dọ để đưa ra vườn ươm, trồng thực nghiệm tại xã An Xuân (huyện Tuy An) và xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu).
Nhóm nghiên cứu cũng ươm tạo và nuôi cấy hàng ngàn mẫu mô phôi cây trà Mã Dọ để chuyển giao cho ngành nông nghiệp và người dân, đồng thời thu hoạch trà búp tươi và xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến trà thương phẩm nhằm góp phần bảo tồn, nâng cao giá trị, tiềm năng phát triển kinh tế của giống trà đặc hữu ở Phú Yên.
Vì sao gọi là trà Mã Dọ?
Tương truyền ngày xưa vua Gia Long trên đường đi đã dừng ngựa nghỉ ngơi ở khu vực đèo Cù Mông. Người dân nơi đây đã hái trà dâng vua uống và nhà vua rất thích. Từ đó, người dân đặt tên cho loại trà này là trà Mã Dọ (tức dừng ngựa).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận