* Không thể xóa hệ tại chức * Không thể dùng cách dạy của chính quy
Phóng to |
Một lớp học của sinh viên năm 3 ngành điện công nghiệp hệ tại chức tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Trong khi thực tế, theo học dưới các hình thức phi truyền thống là một lựa chọn của sinh viên (SV) khi họ không có điều kiện vào ĐH ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bởi ở nhiều nơi, chi phí học ĐH là khá đáng kể và đang không ngừng tăng. Đó là chưa nói tới nguy cơ mất thu nhập có thể có trong những năm đi học theo lối truyền thống, nếu họ đi làm thay vì đi học.
Hơn thế nữa, nhiều người sau một vài năm đi làm cảm thấy cần bổ sung kiến thức hoặc nhận ra mình không thích hợp với nghề nghiệp đang làm, muốn theo học chuyên môn khác để đổi nghề. Vì thế, học tập suốt đời là một nhu cầu ngày càng tăng và không chỉ giới hạn trong các khóa tập huấn ngắn hạn, mà cả đào tạo có cấp bằng.
Vấn đề chất lượng
Ở Hoa Kỳ, không có một dư luận chung phàn nàn về chất lượng của SV phi chính quy. Tất nhiên, các trường khác nhau có chất lượng đào tạo khác nhau, nhưng SV từ một trường thì không có sự khác nhau đáng kể về chất lượng giữa các hình thức học tập theo lối truyền thống hay phi truyền thống, toàn thời gian hay bán thời gian. GS Dennis Berg, nguyên trưởng khoa Sau ĐH của California State University, Fullerton, cho biết SV Mỹ có mức độ tự do rất cao trong việc lựa chọn phương thức học tập. SV bán thời gian có thời gian học trên lớp ít hơn SV toàn thời gian, nhưng bù lại họ phải dành nhiều thời gian hơn cho tự học. Tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra không khác nhau, dựa trên cùng một chuẩn mực kiến thức, kỹ năng. Quá trình học dựa trên cùng một chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, nguồn lực và dịch vụ.
Dùng người dựa trên tài năng Cái gốc của vấn đề vẫn là chế độ dùng người và thái độ của xã hội đối với bằng cấp. Dùng người dựa trên tài năng phẩm chất chứ không dựa trên tấm bằng, dựa trên quan hệ thân thế, dựa trên mua quan bán tước là cốt lõi của một xã hội lành mạnh. Khi người giỏi được đặt đúng chỗ xứng đáng thì tất cả mọi người trong xã hội sẽ cố gắng trở thành giỏi, thay vì cố gắng có một tấm bằng mà không có kiến thức, năng lực, phẩm chất tương xứng. Thay đổi thái độ chạy theo hư danh, coi bằng cấp là tiêu chuẩn “cơ cấu”, che đậy sự dốt nát bằng các loại bằng cấp, danh xưng, tước vị, thì các loại bằng dỏm, bằng giả, bằng thật học giả tự nó không có đất sống. Khi đó Nhà nước không cần phải kiểm soát, các trường cũng phải nghĩ ra cách để nâng cao chất lượng, vì nếu không họ sẽ trở thành con rắn tự cắn đuôi mình để sống. |
GS Martin Hayden, trưởng khoa giáo dục ĐH Southern Cross ở Úc, người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại VN, cũng cho biết ở Úc, giống như mọi quốc gia phương Tây, hoàn toàn không khác nhau chút nào về chất lượng đào tạo đối với mỗi chương trình cấp bằng: cùng một bằng cấp có nghĩa là cùng một tiêu chuẩn học tập, giảng dạy và đánh giá, dù học toàn thời gian, bán thời gian hay từ xa, tại chức. Hiện tượng bằng tại chức bị phàn nàn, thậm chí bị tẩy chay ở VN, là hiện tượng bất thường so với thông lệ của phương Tây.
Xác định đúng mục tiêu
Khi nói “hệ tại chức đã hết sứ mệnh lịch sử” là chúng ta đã mặc định “sứ mệnh lịch sử của hệ tại chức là hợp thức hóa vấn đề bằng cấp cho những người cần có bằng cấp”. Nếu có một sứ mệnh như thế, đúng là cần chấm dứt ngay sứ mệnh ấy và trả lại cho hệ tại chức sứ mệnh thật sự của nó là đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho tất cả mọi người.
Để thực hiện được sứ mệnh thật sự này, hệ tại chức cần có những tiêu chuẩn đầu vào và nhất là tiêu chuẩn đánh giá đầu ra như hệ chính quy, cần đảm bảo cùng một chuẩn mực trong quy trình đào tạo. Ở các nước tuy học bán thời gian theo lối vừa học vừa làm, SV vẫn đến trường, vào thư viện, tham gia thực nghiệm, thực tập, tiếp xúc với giáo sư ngoài giờ giảng; chỉ có thời gian học trên lớp ít hơn và linh hoạt hơn để phù hợp với điều kiện vừa học vừa làm của họ.
Phải xác định lại mục tiêu thật sự của hệ đào tạo không chính quy, vì mục tiêu khác nhau thì cách làm sẽ khác nhau, và cách làm khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Nếu xem vấn đề tại chức là vấn đề nồi cơm của các trường, thì chất lượng rất dễ bị thả nổi trong bối cảnh người học cần có bằng cấp chứ không cần kiến thức thật sự.
Nếu hệ tại chức nhằm tạo điều kiện cho người vừa làm vừa học nâng cao kiến thức thì chất lượng đào tạo là mục tiêu. Để đạt được mục tiêu đó, cần có những hình thức, phương tiện giảng dạy phù hợp, đúng như GS Lâm Quang Thiệp đã nói (Tuổi Trẻ 21-8).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận