05/01/2017 08:04 GMT+7

TP.HCM: vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt nghiêm

SƠN BÌNH - THU DUNG
SƠN BÌNH - THU DUNG

TTO - Theo Công an TP.HCM, hơn 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, trong năm 2016 trên địa bàn TP xảy ra 3.852 vụ tai nạn giao thông đường bộ (tăng 114 vụ so với năm 2015), làm chết 798 người (tăng 100 người so với năm 2015), bị thương 3.241 người (giảm 102 người so với năm 2015).

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung, phó đội trưởng đội tuyên truyền (PC67 Công an TP.HCM), cho biết: hơn 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Các lỗi vi phạm phổ biến là chạy ngược chiều, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lấn làn…

Đáng chú ý, theo đại úy Nhung, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa được nâng cao rõ rệt nhưng có tín hiệu tốt. Một bộ phận người dân tính tự giác chưa cao, còn mang tính đối phó.

Tại sao tai nạn giao thông do ý thức của người đi đường luôn chiếm tỉ lệ cao? Đại úy Nhung chia sẻ: nguyên nhân sâu xa có thể là do cơ sở hạ tầng kém.

Ví dụ: đường sá kém nên tắc đường, khi đó người dân sẽ lấn làn, chạy lên vỉa hè... Riết rồi thành thói quen. Hoặc có thể do một số cán bộ chiến sĩ CSGT chưa xử phạt nghiêm đối với những lỗi vi phạm của người dân.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP.HCM - cũng cho rằng trong thời gian tới, Ban an toàn giao thông TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức chấp hành giao thông; yêu cầu các quận huyện tăng cường tập huấn, giáo dục ý thức giao thông cho người dân.

Bên cạnh đó, các lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần tăng cường xử lý các lỗi vi phạm do ý thức như vượt đèn đỏ, chạy xe ngược chiều, lái xe trong trạng thái say xỉn…

Những trường hợp này phải bị xử phạt nghiêm khắc mới đủ tính răn đe, khiến người dân tự giác điều chỉnh ý thức khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, nên đưa việc giáo dục về Luật giao thông, an toàn giao thông vào chương trình học ở cấp tiểu học.

Trả lời về việc cần thiết phải xử phạt nghiêm mới nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, trung tướng Lê Đông Phong - giám đốc Công an TP.HCM - cho rằng xử phạt nghiêm cũng cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông và cũng là một đòi hỏi của việc thực thi pháp luật.

SƠN BÌNH - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên