12/11/2020 09:01 GMT+7

TP.HCM thu phí hạ tầng, thông đường vào cảng

ĐỨC PHÚ - CHÂU TUẤN
ĐỨC PHÚ - CHÂU TUẤN

TTO - Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu xây dựng đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình tiện ích, dịch vụ khu vực cửa khẩu biển. Đây là mô hình mà Hải Phòng đã làm.

TP.HCM thu phí hạ tầng, thông đường vào cảng - Ảnh 1.

Kẹt xe kéo dài từ vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2) về cảng Cát Lái xảy ra mỗi ngày - Ảnh: CHÂU TUẤN

TP.HCM là địa phương có cảng biển lớn nhất nước, trong đó cảng Cát Lái nằm trong top 30 cảng biển lớn nhất thế giới. Thế nhưng vấn nạn kẹt xe đã níu đà tăng trưởng của cảng biển, doanh nghiệp đội chi phí.

Thu phí, mở đường

Vậy nguồn vốn ở đâu để giải quyết? Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho hay hiện nguồn vốn đầu tư giao thông trông chờ vào vốn PPP hoặc ngân sách. Tuy nhiên, hình thức PPP hiện không thể áp dụng cho các tuyến đường vào cảng vì đây là đường hiện hữu, không thể thu phí theo hình thức BOT. 

Còn về vốn đầu tư công, 5 năm qua ngân sách đầu tư cho giao thông TP chỉ đạt 30% so với nhu cầu. "PPP không thể thực hiện được, còn ngân sách không đáp ứng đủ. Do đó cần nguồn lực khác để đẩy nhanh công trình kết nối các đường vào cảng" - ông Lâm nói.

Trước tình hình kẹt xe gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hạn chế khả năng khai thác cảng, Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu xây dựng đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình tiện ích, dịch vụ khu vực cửa khẩu biển (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển - PV). 

Đây là mô hình mà Hải Phòng đã làm thành công. Mục tiêu đề án là tạo ra nguồn thu hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc, tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp. Khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm sẽ đóng góp thêm cho TP khoảng 3.000 tỉ đồng phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng cảng biển.

Về nguyên tắc xây dựng mức phí, sẽ sử dụng phương pháp so sánh mức phí các địa phương có điều kiện tương tự TP như Hải Phòng để lựa chọn mức phí phù hợp. Trong đó, ưu tiên xây dựng mức thu phí cho hàng xuất nhập khẩu do hiện nay tỉ trọng hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng gửi kho ngoại quan trong tổng số hàng hóa thông qua cụm cảng biển chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Hiện TP đã gửi văn bản cho tất cả các hiệp hội, doanh nghiệp, sở ngành để góp ý và phản biện.

Khi đầu tư mở rộng ngay đường vào cảng thì năng lực cảng, số chuyến hàng cảng sẽ tăng lên. Đường thông thoáng, doanh nghiệp rút ngắn thời gian chạy xe, giảm chi phí vận hành, tạo đà cho tăng trưởng hàng hóa.
Ông TRẦN QUANG LÂM (giám đốc Sở GTVT TP.HCM)

Thiệt hại lớn nếu tắc đường vào cảng

Tại phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 9-11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) đã đưa vấn nạn kẹt xe tại cảng Cát Lái ra chất vấn: "Trung bình gần 20.000 lượt xe container ra vào cảng một ngày đêm, gây nên tình trạng ùn tắc và nguy cơ tai nạn...". 

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể công nhận có tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là trên tuyến đường dẫn các xe container đi vào cảng Cát Lái. Để giải quyết việc này, Chính phủ đã có những chủ trương liên quan đến việc di dời một số cảng và một số giải pháp để giảm tải cho cảng Cát Lái.

Ngay trong đêm 9-11, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy tại đường Võ Chí Công (Q.2), chỉ vài kilômet nhưng dòng xe hướng về cảng Cát Lái xếp hàng chờ cả giờ. "Tôi đã quá quen với cảnh này. Hôm kẹt nhẹ, chờ 30 phút đến 1 giờ, còn nặng phải nằm chờ mấy giờ" - tài xế Bùi Văn Dũng nói.

Chủ một doanh nghiệp vận tải tại TP cũng cho biết nếu đường không kẹt thì xe có thể ra vào cảng từ 3-4 chuyến/ngày, còn kẹt xe thì chỉ chạy được 1 chuyến, chưa kể phải đối diện với chuyện bị phạt vì lấy hàng chậm từ 500.000 - 1 triệu đồng/container.

Ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cũng đánh giá chuyện này bàn nhiều rồi nhưng bế tắc, hiện một đầu xe dù không chạy doanh nghiệp phải tốn chi phí "chết" khoảng 1 triệu đồng/ngày. 

"Doanh nghiệp chỉ trông vào quay đầu nhanh hoặc rút ngắn thời gian chạy để thu hồi vốn. Nhưng với tình hình giao thông hiện tại, tài xế khó có thể chạy thêm chuyến. Không chỉ Cát Lái mà đi cảng nào cũng vậy" - ông Quản nói.

TP.HCM thu phí hạ tầng, thông đường vào cảng - Ảnh 3.

Nguồn: Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Cảng chờ đường, đường chờ vốn

Theo Sở GTVT TP.HCM, hàng hóa thông qua cảng biển tại TP.HCM đã 170 triệu tấn/năm, trong khi theo quy hoạch chỉ 116 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa tăng lên 236,9 triệu tấn. 

Riêng cảng Cát Lái đã áp dụng công nghệ giúp cho việc lưu thông hàng hóa rất tốt, khả năng khai thác 6,4 triệu teu/năm nhưng hiện nay chỉ khai thác được 5,6 triệu TEU/năm, tương đương với 81 chuyến tàu/tuần.

Dự báo thời gian tới sẽ rất căng thẳng bởi lưu lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một tăng. Các tuyến đường chính ra vào cảng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đã kéo giảm tốc độ, hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa. 

Chính vì thế thời gian quay vòng xe ra vào cảng khá thấp, đối với xe tải 2 chuyến ngày và xe container 1,5 chuyến/ngày - con số quay vòng khá thấp so với kỳ vọng mà doanh nghiệp đã bỏ ra chi phí đầu tư xe chở hàng hóa.

Bài toán bức bách là cần nguồn vốn để thực hiện ngay các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển TP. Cụ thể, tại khu cảng Cát Lái (Q.2), Phú Hữu (Q.9) cần phải mở rộng đường Nguyễn Thị Định theo lộ giới 60m, mở rộng đường Vành đai 2 hiện hữu (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến cầu Phú Hữu) lên 8 làn xe, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9) theo lộ giới 30m, hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy (Q.2).

Tại cảng Sài Gòn (Q.4) cần phải xây ngay cầu Thủ Thiêm 4, mở rộng đường Lưu Trọng Lư để kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh và mở rộng ngay đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ nút giao thông khu A đến đường Huỳnh Tấn Phát. 

Ngoài ra, tại các cảng ở Q.7, H.Nhà Bè cần nghiên cứu bổ sung tuyến đường ven sông để kết nối các cảng dọc sông Soài Rạp, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát, đầu tư đường kết nối Huỳnh Tấn Phát sang Nguyễn Hữu Thọ...

Để có thêm vốn đầu tư, dự kiến đề án thu phí vào cảng sẽ được trình HĐND TP xem xét thông qua vào kỳ họp tháng

12-2020. Nếu được thông qua, dự kiến TP sẽ triển khai thu trong quý 2-2021. Trước mắt, TP.HCM sẽ thí điểm trước tại cảng Cát Lái trong vòng 1 tháng, sau đó đánh giá tổng kết để thực hiện các bước tiếp theo.

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Sẽ lợi cho doanh nghiệp vận tải

ong bui van quan

Ông Bùi Văn Quản

Về phía hiệp hội, chúng tôi ủng hộ chủ trương thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển với điều kiện nguồn thu sẽ được tái đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Về cơ bản, thu phí đầu tư hạ tầng đường vào cảng, doanh nghiệp vận tải sẽ có lợi khi có đường rộng hơn để lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, TP cũng cần lưu ý về việc thu xong sẽ đầu tư vào đâu, cụ thể lộ trình rõ ràng. Thứ hai, phải đánh giá kỹ tác động giá thành logistics, ảnh hưởng tới các chủ hàng. Ngoài ra, khi TP thu thì cần có giải pháp đồng bộ ở các địa phương khu vực như Đồng Nai, Long An…

TP.HCM cam kết đầu tư những công trình nào từ tiền thu phí?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết nếu đề án được triển khai, số thu dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng/năm. Chỉ cần trong vòng 5 năm là có 15.000 tỉ đồng, kết hợp với nguồn vốn từ ngân sách, lúc đó sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến đường kết nối cảng biển tại TP.

TP.HCM sẽ cam kết sử dụng số tiền từ thu phí này như thế nào? Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Lâm khẳng định tiền thu phí sẽ được đầu tư trực tiếp cho đường vào cảng chứ không đưa đi đầu tư chỗ khác.

Cụ thể, TP sẽ có lộ trình chi tiết về việc đầu tư, thời điểm hoàn thành các công trình được cho là sẽ gỡ nút thắt đường vào cảng. Đó là lộ trình hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy; hoàn thành mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ; khép kín đường Vành đai 2... Ngoài ra, nguồn thu còn đầu tư nạo vét, nâng cầu có tĩnh không thấp, thiết kế lại năng lực luồng lạch cho tàu thuyền, xe ra vào cảng.

"Khi đầu tư mở rộng ngay đường vào cảng thì năng lực cảng, số chuyến hàng cảng sẽ tăng lên. Đường thông thoáng, doanh nghiệp rút ngắn thời gian chạy xe, giảm chi phí vận hành, tạo đà cho tăng trưởng hàng hóa" - ông Trần Quang Lâm nói.

Kêu trời vì phí... kẹt cảng Kêu trời vì phí... kẹt cảng

TT - Lấy lý do ùn ứ hàng hóa tại cảng, nhiều hãng tàu vừa đồng loạt áp dụng phí kẹt cảng (PCS) ở một số cảng tại TP.HCM, bất chấp sự phản ứng mạnh từ phía các doanh nghiệp.

ĐỨC PHÚ - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên