Phóng to |
Hàng hóa đang ùn ứ tại cảng Sài Gòn (ảnh chụp chiều 12-5) - Ảnh: Thanh Đạm |
Bà Lê Nguyễn Anh Thư, trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần hóa chất công nghiệp Tân Long (Hà Nội) chi nhánh TP.HCM, mấy ngày qua như ngồi trên lửa khi cùng một lúc bốn tàu hàng chở bã đậu nành, cám cọ, cám gạo và cám dừa nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia đến VN nhưng vẫn chưa cập được cảng.
Thiệt hại quá lớn
Theo bà Thư, tàu chở 2.300 tấn cám cọ nhập từ Indonesia xin cập cảng Khánh Hội gần 10 ngày qua nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Doanh nghiệp đang phải chịu phạt phí lưu tàu 3.000 USD/ngày.
Với những tàu buộc phải neo vì không vào được cảng, chi phí để thuê sà lan bốc dỡ hàng hóa đã bị “đội” lên thêm ít nhất 200-300 đồng/kg. Theo bà Thư, nếu tính thêm chi phí lưu tàu quá hạn và số tiền bị phạt do chậm trễ giao hàng, cộng với chi phí phải thuê sà lan chở hàng vào cảng, thiệt hại của doanh nghiệp sẽ rất lớn.
Hàng tăng gấp bốn lần Theo cảng Sài Gòn, trong bốn tháng đầu năm 2009, có hơn 3,6 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu được xếp dỡ, tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước. Cảng Bến Nghé số lượng hàng hóa cũng tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng các cảng khác như Lotus, Rau Quả chỉ có thể tiếp nhận vài tàu cập cảng nên phần lớn các tàu chở hàng rời đều dồn về cảng Sài Gòn dẫn đến tình trạng quá tải. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, giám đốc kinh doanh Công ty CP Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết một tàu chở dầu cọ trên 3.000 tấn của công ty về cảng Sài Gòn từ ngày 17-4 đến nay vẫn còn phải đợi bên ngoài, chưa biết bao giờ mới vào được bến để dỡ hàng. Chuyến hàng trước đó công ty cũng phải đợi hơn một tháng mới được cập cảng. Theo đăng ký, tàu chỉ được cập cảng hai ngày để dỡ hàng nhưng do thiếu công nhân cộng với trời mưa nên sau thời hạn trên hàng vẫn chưa lấy hết. Theo yêu cầu của ban quản lý cảng, tàu buộc phải quay trở ra để dành chỗ cho các tàu khác.
Bà Huyền cho biết: “Phải 10 ngày sau chúng tôi mới được đưa tàu trở lại để lấy nốt số hàng còn lại”. Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu bã đậu nành cho biết do thời gian chờ đợi quá lâu nên bã đậu nành bị ẩm và mất màu rất khó tiêu thụ.
Trước đây thời gian đợi cập cảng chỉ mất khoảng 3-5 ngày, nay lên tới gần một tháng mà vẫn “không thấy gì”. Ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty Thanh Bình, cho biết do hàng về chậm nên công ty buộc phải mua nguyên liệu bên ngoài với giá “cắt cổ” để đảm bảo tiến độ sản xuất.
Điều đáng nói là phần lớn các cảng ở TP.HCM hiện không cho tàu cập cảng rồi vô hàng đóng bao như trước, mà buộc doanh nghiệp phải nhận hàng rời (hàng xá) để giảm bớt thời gian làm hàng, trong khi thiết bị chuyên dụng không đủ để doanh nghiệp tự giải phóng hàng. Nhiều doanh nghiệp cho biết các cảng đều biết hàng đã đầy từ gần một tháng nay nhưng không hề thông báo cụ thể, vẫn để cho các chủ hàng làm thủ tục đưa hàng về.
Phóng to |
Giải quyết ra sao?
Chiều 12-5, theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực cầu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thuộc cảng Sài Gòn vẫn đầy kín các tàu trọng tải 25.000-27.000 tấn. Tình trạng tương tự ở cảng Tân Thuận (cũng thuộc cảng Sài Gòn). Hầu hết các tàu đang bốc xếp hàng hóa để xuất khẩu là mì lát (khoai mì xắt lát), cát nhập khẩu từ Campuchia về VN trung chuyển xuất đi Singapore. Còn tàu bốc xếp hàng hóa nhập khẩu phần lớn là phân bón và thức ăn gia súc.
Theo một cán bộ cảng Sài Gòn, hiện có 29 tàu đang bốc xếp hàng hóa và 13 tàu neo đậu ở các phao trên sông Sài Gòn - đối diện với bến cảng Sài Gòn để chờ cập cảng bốc hàng. Trong khi đó, năng lực của cảng chỉ có khả năng tiếp nhận 25 tàu (loại lớn) xếp dỡ hàng hóa nên cảng đang trong tình trạng quá tải. Và hầu hết các tàu đến cảng Sài Gòn đều chở hàng xá do các cảng khác từ chối xếp dỡ loại hàng này. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xá xuất khẩu tăng đột biến từ đầu năm 2009 đến nay. Chỉ riêng mặt hàng mì xắt lát từ đầu năm đến nay xuất khẩu 289.000 tấn và gần 3 triệu tấn cát, trong khi năm trước cảng chưa từng xuất khẩu mặt hàng này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Công Minh - tổng giám đốc Cảng Sài Gòn - thừa nhận: hiện nay không những đang quá tải về số lượng tàu cập cảng mà còn thiếu hụt nhân công xếp dỡ.
Để giải tỏa tàu nằm chờ bến cập cảng, ông Minh cho biết đã huy động thêm khoảng 1.000 công nhân bốc xếp, nâng tổng số lên hơn 2.600 công nhân và làm việc 24/24 giờ. Ngoài ra, sắp tới sẽ tiếp xúc với các chủ hàng, chủ tàu, đại lý đang có tàu làm hàng để bàn biện pháp đẩy nhanh năng suất giải phóng tàu. Cảng cũng đưa ra phương án là các chủ hàng cần phải chấp nhận một phần hàng đóng bao tại cảng, một phần hàng đưa vào kho của cảng. Nếu áp dụng biện pháp này thì sẽ rút ngắn được 1/3 thời gian tàu chờ bốc xếp hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận