29/08/2019 19:14 GMT+7

TP.HCM kiến nghị cấm các dịch vụ đòi nợ thuê

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến mới đây đã ký báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình, kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Theo đó, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Lý do trên thực tế, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa để tòa giải quyết.

Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án.

Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

Bên cạnh đó, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẽ hở để một số đối tượng núp bóng đầu tư hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng ổ tại địa phương gây phức tạp về an ninh trật tự.

Trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục cấm kinh doanh, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ.

Tính đến cuối năm 2018, TPHCM có 75 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục đăng ký, được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp trên hơn 394 tỉ đồng.

Theo UBND TP.HCM, hoạt động kinh doanh đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây mất an ninh trật tự. Có công ty đòi nợ sử dụng các đối tượng có tiền án tiền sự, băng nhóm tội phạm đến nhà khách nợ, giở các chiêu trò đe dọa, gây hoang mang.

Các công ty đòi nợ còn yêu cầu khách nợ lên công ty để xác nhận nợ. Khi đến nơi, khách nợ bị đe dọa, ép buộc xác nhận nợ, gây áp lực bằng cách treo băngrôn đòi nợ tại nơi con nợ sinh sống, làm việc…

Thêm một vấn đề nữa là phí dịch vụ thực hiện hợp đồng đòi nợ chưa được quy định cụ thể, mà chỉ là thỏa thuận với khách hàng - dao động từ 10% - 50% số nợ đòi được.

Phí dịch vụ cao từ đó kích thích lòng tham khiến doanh nghiệp tìm mọi cách đòi được nợ, thực hiện các chiêu trò như tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà con nợ để uy hiếp tinh thần.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên