21/08/2019 08:25 GMT+7

Đòi nợ thuê, nghĩ đến là khiếp!

ĐỊNH DƯƠNG
ĐỊNH DƯƠNG

TTO - Sau một hợp đồng dân sự khó thực hiện, tôi thành con nợ. Tiếp sau đó là những ngày tháng thấp thỏm, hoang mang vì những người đòi nợ thuê.

Đòi nợ thuê, nghĩ đến là khiếp! - Ảnh 1.

Tôi kể lại câu chuyện này mong cơ quan chức năng xem xét có nên duy trì dịch vụ này.

Trấn áp công khai

Tôi và anh V. có một giao dịch dân sự, đôi bên cùng góp vốn mua đất dự án tại Bình Phước. Lúc mua, đất đang sốt giá, mỗi bên góp 250 triệu đồng, anh V. ủy quyền cho tôi đứng tên giao dịch. Tuy nhiên, dự án chậm trễ, quá hạn không ra sổ đỏ được cũng chưa thể bán được.

Anh V. yêu cầu được lấy lại tiền đã góp, tôi không có khả năng hoàn trả ngay. Sau nhiều lần thương lượng, tôi đã đồng ý và hẹn trả chậm.

Công việc gặp khó khăn, tôi đã không thanh toán đúng hẹn cho anh V.. Tôi đồng ý đóng lãi cho anh V. để đảm bảo anh đầu tư có lời... Rồi một ngày tôi nhận được thông báo của hai người lạ mặt đến từ một công ty đòi nợ thuê rằng anh V. đã ủy quyền cho họ thu số tiền này. Tính luôn cả tiền lãi là hơn 300 triệu đồng.

Kể từ đó tôi bắt đầu sống trong chuỗi ngày thấp thỏm lo sợ và phải dùng mọi cách để kiếm tiền trả nợ cho dứt điểm. Thật sự tôi rơi vào khủng hoảng tột độ và không còn tinh thần để làm việc với những cuộc điện thoại hỏi tiền.

Người được công ty đòi nợ thuê ủy quyền gặp tôi và trao đổi khá thẳng thắn, họ không đụng chạm gì tôi nhưng những lời hăm dọa sẵn sàng dùng mọi cách để lấy tiền cũng đã khiến tôi khiếp sợ. Mỗi khi đọc thấy tin tức ở đâu đó xảy ra đòi nợ thuê đánh, bôi nhọ, vứt chất bẩn, ném sơn... là tôi lại sống trong lo sợ không biết khi nào sẽ tới gia đình mình.

Với những tờ giấy ủy quyền được pháp luật công nhận thì tôi phải làm việc với họ, nhưng trên thực tế tôi chẳng thiếu họ đồng nào. Mỗi khi tôi trao đổi với anh V. tôi đều phải báo cáo qua họ như một trách nhiệm, anh V. cũng vậy.

Khi tôi và anh V. trao đổi về phương thức thanh toán cũng phải được sự đồng ý của họ thì anh V. mới dám đưa ra quyết định đồng ý hay không!

Chủ nợ và con nợ đều khổ

Trong câu chuyện của tôi, con nợ sống trong lo sợ và kiếm cách trả tiền, chủ nợ cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ngay trong lúc hợp đồng ủy quyền của anh V. cho công ty đòi nợ thuê còn hiệu lực, cũng là lúc tôi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất mà tôi và anh V. góp vốn mua.

Dĩ nhiên khi thực hiện giao dịch thì anh V. muốn sở hữu bất động sản, do không đủ tiền mới góp vốn với tôi. Khi đất có giấy tờ hợp pháp, anh V. có ý muốn tiếp tục hợp tác.

Nhưng không đơn giản như thế! Trong hợp đồng ủy quyền với công ty đòi nợ thì anh V. phải chấp nhận một khoản phí không hề thấp, phía đòi nợ thuê phải dùng mọi cách để lấy được phần tiền đó. Nếu anh V. hủy hợp đồng, anh V. cũng sẽ mất một khoản tiền dịch vụ. Tiến thoái lưỡng nan.

Khi hai bên có tranh chấp liên quan đến tiền, không khởi kiện nhau ra tòa án dân sự, đã thỏa thuận được phương thức hợp tác hoặc tiếp tục duy trì hợp tác thì đó là điều đáng được hoan nghênh. Nhưng bây giờ chủ nợ lẫn con nợ đành "ngậm bồ hòn" không biết phải thế nào.

Sao không kiện ra tòa?

Trong xã hội với một nhà nước pháp quyền, Bộ luật dân sự có đủ mọi quy định, mọi công dân khi thực hiện giao dịch phải tuân thủ đúng pháp luật. Nếu xảy ra tranh chấp sẽ tiến hành khởi kiện theo cam kết trong hợp đồng. Thi hành án hoặc thừa phát lại sẽ thực thi bản án của tòa và tất cả công dân phải tuân theo.

Tuy nhiên, khi ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê được cấp phép, nhiều người dân đã không nghĩ đến tòa án vì mất thời gian và rườm rà mà nghĩ ngay đến loại hình này. Chỉ cần làm một hợp đồng ủy quyền cho công ty đòi nợ thuê rồi đợi thời gian lấy tiền, không cần quan tâm mọi chuyện tiếp sau.

Tôi mong rằng khi đã có thi hành án và thừa phát lại thì đừng sinh ra thêm công ty đòi nợ thuê. Dĩ nhiên, khi các công ty đòi nợ thuê không còn được cấp phép thì hình thức đòi nợ thuê vẫn tồn tại, nhưng khi đó pháp luật có thể điều chỉnh hành vi này bằng những quy định khác.

Tôi là người từng bị công ty đòi nợ thuê đòi nợ. Tôi không phủ nhận việc này do tôi chậm trả nợ. Thực tế cũng có nhiều người mắc nợ chây ì, không có khả năng chi trả, không có thiện chí trả nợ. Nhưng tôi hiểu khoản tiền phải trả cho dịch vụ này không hề nhỏ.

Giao dịch dân sự, vay trả cần được thực hiện theo khuôn khổ quy định pháp luật, có vậy xã hội văn minh hơn thay cho kiểu chi tiền để đòi tiền, làm dịch vụ (hay nói khác đi là dùng đủ chiêu) đòi tiền vì tiền, những khoản tiền rất béo bở. Kèm theo những hành vi gây bất an xã hội và nhiều kiểu lợi ích khó có thể kiểm soát của các công ty làm dịch vụ đòi nợ thuê.

Nên cấm ngành nghề đòi nợ thuê

Cụm từ "đòi nợ thuê" luôn gây bất an cho bất cứ ai. Nhìn thấy bảng hiệu công ty đòi nợ thuê hoặc cái ôtô có quảng cáo dịch vụ này chạy trên đường tự nhiên tôi thấy khiếp!

Họ đòi nợ bằng cách nào? Báo chí đã phản ánh nhiều: xông vào nhà đánh chém người, cẩu container chắn lối ra vào nhà "con nợ", bắt cóc con nợ ép người thân trả tiền, điện thoại đòi nợ bất chấp ngày đêm...

Những người từng đòi nợ thuê (nay đã "rửa tay gác kiếm") gọi đó là chiêu vặt. Đây là những cách làm rất dễ lộ mình, biết ngay ai làm nếu người mắc nợ và cơ quan công an cùng phối hợp truy tìm kẻ chủ mưu.

Nhiều công ty đòi nợ thuê không chứng minh được hợp đồng lao động với nhân viên của mình. Việc xin giấy phép mở công ty đòi nợ thuê hầu hết đúng quy định pháp luật nhưng ai đang làm việc ở những công ty này?

Giờ không ít công ty làm dịch vụ đòi nợ thuê không chứng minh được hợp đồng lao động, trình độ chuyên môn của nhân viên. Có thể thấy kiểm soát hành vi của những người làm công việc này không dễ.

Trong khi cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hay chấn chỉnh hoạt động của những người này thì thực tế nhiều công ty đòi nợ thuê có hẳn đội ngũ cố vấn pháp luật chuyên nghiệp.

Điều này cần cho việc đòi nợ đúng pháp luật nhưng sẽ nguy hại nếu họ chọn cách hiểu luật để lách luật, cơ quan công an rất khó xử lý hình sự khi xảy ra tình huống gây mất an ninh trật tự có liên quan đến đòi nợ thuê và các kiểu khủng bố tinh thần người mắc nợ và thân nhân của họ.

Vậy nên, luật pháp cần cấm hoặc hạn chế sự phát triển dịch vụ này. Khó cũng phải làm nếu không muốn thấy "đòi nợ thuê" sẽ có những biến tướng phức tạp hơn nữa.

NAM GIAO

Nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê kiểu Quang Nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê kiểu Quang 'Rambo'

TTO - Tuổi Trẻ ngày 14-8 đưa tin Công an Hà Nội đã tạm giữ Quang "Rambo" và đồng bọn lập băng nhóm đòi nợ thuê để làm rõ hành vi "cưỡng đoạt tài sản".

ĐỊNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đòi nợ thuê