01/09/2011 02:04 GMT+7

TP.HCM đề xuất thành lập trung tâm quản lý không gian ngầm

BÍCH TRÂN - BÁ SƠN
BÍCH TRÂN - BÁ SƠN

TT - Từ khi “hố tử thần” đầu tiên xuất hiện cuối năm 2010, tới nay đã có 139 “hố tử thần” trải khắp các quận huyện của TP.HCM. Trong đó các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận... có số “hố tử thần” dày đặc nhất.

* Xây dựng quy trình thi công công trình ngầm

Tính trung bình mỗi tháng có 10 “hố tử thần” xuất hiện. Đó là thống kê của Sở Giao thông vận tải TP và nhóm nghiên cứu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM tại hội thảo “Quản lý công trình ngầm tại TP.HCM - thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 31-8 do Hội Cầu đường cảng TP tổ chức.

Qua nghiên cứu thực địa, nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần” đã được các nhà khoa học xác định rõ ràng hơn, không còn bị các cơ quan chức năng đổ lỗi cho yếu tố khách quan như trước đây.

Dù nhận định 60% công trình giao thông ở TP.HCM nằm dưới mức thủy triều nên thường xuyên xảy ra ngập là nguyên nhân dẫn tới “hố tử thần”, nhưng kỹ sư Hà Ngọc Trường - đại diện nhóm nghiên cứu - cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do thi công không đúng quy trình làm hư hại trực tiếp công trình ngầm (chiếm 18%), hoặc thi công làm ảnh hưởng khiến đường ống cấp thoát nước bị xì, bể (chiếm 50%)...

Ông Vương Hoàng Thanh - phó trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM - cho rằng những bất hợp lý trong việc quản lý công trình ngầm tại TP.HCM cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới “hố tử thần”.

Theo ông Thanh: “Các công trình ngầm hiện có quá nhiều đầu mối quản lý (công ty điện, nước, viễn thông, trung tâm chống ngập...) nhưng khi gặp sự cố lại không xác định được đơn vị quản lý công trình ngầm là ai”. Ví dụ trên đại lộ Đông - Tây, khi lực lượng chức năng đào đường phát hiện đường dây cáp, hỏi điện lực thì điện lực bảo không, hỏi bưu điện thì họ cũng chối. Đến khi đường dây cáp bị cắt thì phía bưu điện mới thừa nhận vì khách hàng của họ bị mất tín hiệu.

Hiện TP.HCM chưa có trung tâm dữ liệu các công trình ngầm chung, dẫn tới khó khăn rất lớn cho cả đơn vị quản lý và các nhà thầu. Việc mỗi ngành điện, nước, bưu điện, chống ngập... sở hữu một sơ đồ riêng dẫn tới cát cứ thông tin, khi thi công một công trình ngầm nhà thầu phải chạy khắp nơi để xin thông tin. Có khi sơ đồ của các bên “vênh” nhau nên dù thi công theo sơ đồ vẫn đụng phải công trình của đơn vị khác.

Các nhà khoa học đề xuất cần thành lập một cơ quan đặc biệt để quản lý chung không gian ngầm của TP. Cơ quan này có chức năng tiếp nhận và cung cấp thông tin các công trình ngầm trong toàn TP. Ông Vương Hoàng Thanh đề xuất các đơn vị sử dụng công trình ngầm phải trả một khoản phí sử dụng đất cho ngân sách, lấy đó làm kinh phí để xây dựng hệ thống dữ liệu và quản lý không gian ngầm của TP.

Ông Thanh lấy ví dụ hệ thống hào kỹ thuật trên tuyến đại lộ Đông - Tây, Nhà nước đã phải bỏ ra 600.000 USD cho mỗi kilômet. Nếu chuyển giao hệ thống hào kỹ thuật này cho một đơn vị nào đó, khi họ cho thuê lại phải có biện pháp để số tiền thu được bổ sung ngân sách nhà nước.

Đồng thời các đại biểu tham dự hội thảo đề nghị Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP sớm xây dựng quy trình thi công các công trình ngầm trong khu vực đô thị để trình UBND TP xem xét ban hành, giải quyết hiệu quả sự xuất hiện tràn lan của “hố tử thần” hiện nay.

BÍCH TRÂN - BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên