23/05/2018 10:46 GMT+7

TP.HCM có 20 tuyến xe buýt mẫu

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Các đơn vị vận tải tại TP.HCM đã ký kết nhân rộng mô hình xe buýt mẫu từ 3 tuyến lên 20 tuyến, đồng thời cam kết duy trì chất lượng xe, thái độ phục vụ trên các tuyến xe buýt này.

TP.HCM có 20 tuyến xe buýt mẫu - Ảnh 1.

Sinh viên đi xe buýt tuyến 33 tại làng đại học Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cam kết trên được đưa ra tại lễ sơ kết diễn đàn "Phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân", do báo Tuổi Trẻ và Sở GTVT TP tổ chức ngày 22-5. Diễn đàn này có sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp).

Nếu không khẩn trương hạn chế xe cá nhân ngay từ bây giờ, đến một lúc nào đó ôtô phát triển gần như xe máy thì có thể hạn chế xe máy không được mà hạn chế ôtô cũng không xong vì đụng chạm quyền lợi của quá nhiều người

TS HUỲNH THẾ DU

Xe tốt và phục vụ tốt, khách sẽ tăng

Theo ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, việc đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt mẫu (tuyến 03, 10 và 33) từ tháng 12-2017 là một trong những nội dung tham gia diễn đàn "Phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân".

So với trước, lượng hành khách đi trên 3 tuyến xe buýt mẫu này tăng hơn 10%. Ngoài ra, các phản ảnh về việc xe bỏ trạm, thái độ của tài xế, tiếp viên không chuẩn mực trên các tuyến xe buýt mẫu này giảm hẳn, có tháng không có phản ảnh nào. Tuy vậy, ông Trung nhìn nhận cần tiếp tục khắc phục một số tồn tại như nạn móc túi trên một số tuyến xe khi lực lượng chức năng ít tuần tra, kiểm soát.

Chia sẻ sự thành công bước đầu khi đưa 3 tuyến xe buýt mẫu vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Triệu (Hợp tác xã 19-5, đơn vị vận hành 3 tuyến xe này) khẳng định đó là nhờ chất lượng xe và thái độ phục vụ của tiếp viên, tài xế nâng lên đáng kể.

Từ chia sẻ của ông Triệu, đại diện 13 hợp tác xã ký kết mở rộng thêm 17 tuyến xe buýt mẫu và cam kết sẽ duy trì, nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt này. 

Bên cạnh đó, ông Trần Chí Trung cho biết sẽ từng bước nâng cao hạ tầng phục vụ xe buýt như: đầu tư lắp đặt các trạm dừng, nhà chờ mới tích hợp thông tin online để hành khách dễ dàng tiếp cận, lựa chọn hành trình như trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi. 

Trước mắt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã vận hành trung tâm điều hành dành riêng cho xe buýt. Đây là kênh kiểm soát, xử lý nhanh các sự cố kỹ thuật hay phản ảnh từ hành khách đi xe buýt.

Đối với việc sử dụng thẻ thanh toán thông minh khi đi phương tiện công cộng, ông Trung cho biết đang triển khai đề án này và hi vọng sẽ đưa vào hoạt động kịp giai đoạn 2020.

Đang xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân

Thượng tá Trần Văn Thương, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho hay số lượng xe cá nhân ở TP vẫn tiếp tục tăng từng ngày.

TS Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cảnh báo với hạ tầng dành cho giao thông công cộng quá ít và xe cá nhân tăng như vậy, nếu không có chính sách hạn chế xe cá nhân thì trong 5 năm tới giao thông TP sẽ tệ đi rất nhiều. 

"Năm 2020 TP sẽ có metro, nhưng quan trọng là bao nhiêu người sẽ đi? Với đà này, trong 10 năm tới, đường sá ở TP sẽ trở thành những bãi đậu xe khổng lồ" - ông Du cảnh báo.

Ông Du còn nhấn mạnh việc hạn chế xe cá nhân không phải chỉ tập trung vào xe máy, mà phải hạn chế cả ôtô. Và việc hạn chế xe cá nhân không phải là cấm đoán, mà bằng các chính sách đánh vào kinh tế như: tăng thuế phí, thu phí vào trung tâm...

Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết thông qua diễn đàn "Phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân", thời gian qua sở đã nhận rất nhiều góp ý của người dân, chuyên gia... Nội dung góp ý ở nhiều vấn đề, lĩnh vực, không chỉ đối với phát triển giao thông công cộng mà cả các giải pháp kiểm soát xe cá nhân. Sở GTVT TP đã phối hợp với một đơn vị của Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân.

Ông Cường cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến góp ý và tổng hợp trình lên UBND TP những giải pháp mang tính tổng thể về vấn đề này. Còn những việc thiết thực có thể triển khai mang lại hiệu quả cao như nhân rộng mô hình xe buýt mẫu sẽ tổ chức thực hiện ngay.

Về hướng phát triển giao thông công cộng, ông Cường thông tin trong thời gian tới sẽ tăng lên hơn 200 tuyến xe buýt (thay vì khoảng 145 tuyến như hiện nay), tăng lượng xe buýt lên hơn 5.000 xe. Trong đó những xe đầu tư sau này đều là xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên, thân thiện môi trường. 

Cũng theo ông Cường, từ nay đến năm 2020 ngành giao thông cần khoảng 1.200 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng cho xe buýt như nâng cấp trạm dừng, nhà chờ và 8.200 tỉ đồng dành cho việc trợ giá xe buýt.

Cẩm nang ứng xử văn minh khi đi xe công cộng

Tại lễ sơ kết, báo Tuổi Trẻ đã ra mắt cẩm nang "Ứng xử văn minh khi tham gia phương tiện giao thông công cộng". Nội dung cẩm nang ngoài cung cấp lộ trình 3 tuyến buýt mẫu, cách thức để hành khách tiếp cận xe buýt còn liệt kê 13 hành vi không nên làm khi đi xe buýt thể hiện qua những bức tranh, hình ảnh sinh động.

TP.HCM có 20 tuyến xe buýt mẫu - Ảnh 4.
QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên