17/09/2024 09:46 GMT+7

TP.HCM thí điểm dạy học bằng tiếng Anh: Chọn mô hình nào?

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy học thứ hai trong nhà trường.

Chọn mô hình nào? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) trong một hoạt động học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài - Ảnh: MỸ DUNG

Nên chọn mô hình nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

Cô Trần Thúy An (hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, TP.HCM):

Nên chọn môn học rồi lan tỏa theo lộ trình

Chọn mô hình nào? - Ảnh 2.

Cô Trần Thúy An

TP.HCM không thể ngay lập tức "áp" việc dạy học bằng tiếng Anh trong nhà trường ngay cả khi chọn lọc trường để thí điểm 100% ở các lớp, các khối với tất cả các bộ môn.

Nguyên nhân vì chất lượng học sinh không đồng đều, trình độ giáo viên nói tiếng Anh chưa tốt, chưa được đào tạo chuyên ngành về tiếng Anh.

Tuy nhiên, các trường công lập tại TP.HCM có thể thực hiện việc dạy học bằng tiếng Anh theo lộ trình dựa trên các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ giáo viên của Nhà nước.

Theo đó, các trường phổ thông có thể dạy học các môn toán - khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trước theo cơ chế khuyến khích và bổ trợ của giáo viên nước ngoài thời gian đầu; hoặc thực hiện bồi dưỡng giáo viên Việt Nam dạy về trình độ tiếng Anh đối với những giáo viên hiện đã có trình độ tiếng Anh giao tiếp tốt.

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích gối đầu đối với các giáo viên bộ môn khác về hỗ trợ nâng chuẩn tiếng Anh trong giao tiếp, dạy học.

Đối với quản lý, để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường, tăng cường khả năng tương tác giữa giáo viên với nhau, tạo môi trường tốt cho việc dạy học ở trên lớp, trường cần tạo những không gian yêu cầu nói tiếng Anh đối với giáo viên và có cơ chế khuyến khích giáo viên trau dồi khả năng tiếng Anh trong dạy học.

Lộ trình thực hiện có thể là 4-5 năm để đảm bảo phủ được việc dạy học sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong các môn học.

Ông Lê Xuân Quỳnh (chủ nhiệm bộ môn ngôn ngữ, khoa truyền thông và thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam):

Bắt đầu thí điểm từ mầm non, tiểu học

Chọn mô hình nào? - Ảnh 3.

Ông Lê Xuân Quỳnh

Có thể bắt đầu một thế hệ ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh từ bậc mầm non, tiểu học trở đi. Với thực tiễn TP.HCM hiện nay, một thế hệ sử dụng ngôn ngữ thứ hai bằng tiếng Anh từ bậc mầm non, tiểu học sẽ dễ thực hiện hơn.

Tuy nhiên, mô hình này cũng cần tính toán đến lực lượng giáo viên dạy học, chương trình dạy học ra sao, yếu tố giáo viên nước ngoài như thế nào...

Cụ thể, cái khó nhất của việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học không phải đến từ người học mà đến từ lực lượng giáo viên người Việt. Làm sao để có đủ giáo viên để thực hiện việc đưa tiếng Anh vào dạy học nếu như giáo viên chỉ được bồi dưỡng và không được đào tạo bài bản về chuyên môn bằng tiếng Anh?

Vì thế, dù TP.HCM là đơn vị thực hiện thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai vào dạy học đầu tiên thì chính sách của Nhà nước là các trường đại học sư phạm cần phải đào tạo lực lượng giáo viên bằng tiếng Anh.

Các trường đại học sư phạm cần phải ngay lập tức tuyển sinh và đào tạo sinh viên sư phạm các môn, trước tiên là các môn tự nhiên toán - lý - hóa bằng tiếng Anh và giảng viên có thể đến từ các nước nói tiếng Anh.

Cô Trần Vân Thy (tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền):

Giáo viên nước ngoài bổ trợ giáo viên Việt Nam

Chọn mô hình nào? - Ảnh 4.

Cô Trần Vân Thy

Điều quan trọng nhất trong môi trường dạy học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai là việc học sinh hứng thú giao tiếp, khả năng nghe, hiểu tiếng Anh.

Để thực hiện việc này, các trường cần chuẩn bị nhân lực dạy tiếng Anh bổ trợ cho nhau và có phương pháp tổ chức dạy học phù hợp khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh thường xuyên, liên tục và hằng ngày.

Để tăng cường và khuyến khích học sinh nghe, nói tiếng Anh, các cặp giáo viên nước ngoài (theo chương trình Tăng cường tiếng Anh) và Việt Nam sẽ phối hợp trong chương trình giảng dạy.

Tại trường chúng tôi, từ năm 2004 đến nay, việc dạy tiếng Anh ở mỗi lớp của trường này vẫn luôn thực hiện mô hình song song hai giáo viên người Việt - một giáo viên người nước ngoài tại mỗi lớp.

Theo đó, dựa trên trình độ tiếng Anh của học sinh từng lớp, các cặp giáo viên Việt Nam - nước ngoài sẽ có chương trình phù hợp với từng lớp. Vì thế, có lớp thì hoạt động thuyết trình được đẩy mạnh hơn nhưng có những lớp thích hoạt động nhóm, trình bày, chuẩn bị tài liệu...

Với những gì đã và đang thực hiện, mô hình giáo viên nước ngoài hỗ trợ giáo viên Việt Nam trong dạy học thời gian đầu có thể là một mô hình hay nếu đội ngũ này được tuyển chọn từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Quan trọng cho phát triển nghề nghiệp

Cô Lê Thị Quy Thục - phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM - cho biết trình độ tiếng Anh rất quan trọng trong phát triển cơ hội công việc.

"Nhiều học sinh của tôi có trình độ tiếng Anh tốt sau khi ra trường làm việc tại TP.HCM cho biết các em dễ dàng có mức lương cao và cơ hội công việc cao so với những học sinh có trình độ tiếng Anh yếu hơn" - cô Quy Thục nói.

"Tắm mình" trong môi trường tiếng Anh

Chọn mô hình nào? - Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM trong sân chơi trau dồi khả năng làm chủ tiếng Anh Got Talent - Ảnh: VÂN THY

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Đỗ Minh - cựu học sinh chuyên Pháp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, hiện đang sống và làm việc cho Microsoft ở Mỹ - cho biết cách đây nhiều năm, khi đang là học sinh của trường, Minh và gia đình đã hiểu vai trò của tiếng Anh trong xin cấp học bổng, hội nhập quốc tế và các cơ hội việc làm tốt.

Minh cho biết thời điểm đó giáo viên ở trường đã bắt đầu khuyến khích học sinh khi ở lớp giao tiếp bằng tiếng Anh và nên thường xuyên nghe, xem, "tắm mình" trong các môi trường tiếng Anh để có cơ hội nhận học bổng từ các trường đại học trên thế giới. Nhờ thế việc giao tiếp, nghe và sử dụng tiếng Anh của Minh và các bạn tiến bộ lên nhiều.

Kết quả, dù là học sinh chuyên Pháp nhưng Minh đã được học bổng từ một trường đại học danh tiếng ở Úc. Sau đó tiếp tục được học bổng của một trong top 10 trường đại học danh tiếng của Mỹ và sau này được Microsoft tuyển dụng, hiện trở thành chuyên gia trí tuệ nhân tạo của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này.

Tương tự, Lê Chân - một nhân viên tư vấn IT tại Đức, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền khóa 2008-2011 - cho biết dù vào thời điểm đó, việc nghe nói tiếng Anh tại trường không nhiều trong chương trình trên lớp, nhưng học sinh trau dồi tại Câu lạc bộ tiếng Anh của trường do các bạn học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy cô bộ môn.

Hằng tuần, câu lạc bộ sẽ có hai buổi ngoại khóa (thứ tư và thứ bảy) để giao tiếp tiếng Anh theo chủ đề. Ở đây, học sinh được nói tiếng Anh nhiều hơn và có thời gian để thực hiện việc tranh luận tiếng Anh... Bên cạnh đó, từ năm 2009 trường đã có sân chơi Got Talent và thực hiện những chương trình tiếng Anh riêng để tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.

"Hoạt động ở lớp, hoạt động ở trường và vai trò ở câu lạc bộ (chủ nhiệm câu lạc bộ) đã đưa đến cho tôi khả năng tiếng Anh tốt, mở cánh cửa du học. Hiện nay, khách hàng của tôi gồm cả người Đức và người các quốc gia khác nên việc trình bày, thuyết trình, trình chiếu, giao tiếp cả bằng tiếng Đức và tiếng Anh là cần thiết. Mà việc có trình độ tiếng Anh tốt chính là một lợi thế đối với tôi" - Lê Chân kể.

Chọn mô hình nào? - Ảnh 6.Thí điểm dùng tiếng Anh dạy học, TP.HCM chuẩn bị ra sao?

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy học thứ hai trong nhà trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên