17/08/2024 11:46 GMT+7

TP.HCM thí điểm dùng tiếng Anh dạy học: Nhà trường, nhà giáo nói gì?

Năm học 2024 - 2025, TP.HCM sẽ lựa chọn các trường phổ thông công lập để thí điểm dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 dạy học. Đây là bước đột phá của giáo dục TP.HCM trong năm học mới.

TP.HCM thí điểm dùng tiếng Anh dạy học: Nhà trường, nhà giáo nói gì?- Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong một tiết học theo Chương trình tiếng Anh tích hợp - Ảnh: SƠN NAM

Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khẳng định như vậy tại hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 16-8.

Thí điểm dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ dạy học thứ 2 ngay trong năm học mới

Năm 2024, điểm thi tiếng Anh của học sinh TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục dẫn đầu cả nước với điểm trung bình 6,73. Và trong những năm qua, TP.HCM thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông từ bậc tiểu học, THCS, THPT. 

Cụ thể như chương trình tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường và đặc biệt 10 năm nay, TP.HCM thực hiện dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh theo quyết định 5695 (Chương trình tích hợp) ở hàng loạt trường từ tiểu học, THCS đến THPT.

Bộ Chính trị hôm 15-8 cũng đã công bố kết luận thực hiện nghị quyết 29, trong đó yêu cầu ngành giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Với bối cảnh đó, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã yêu cầu TP.HCM sớm có trường phổ thông dùng tiếng Anh là ngôn ngữ dạy học thứ 2. 

Theo ông Thưởng, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và đang phấn đấu ở tầm khu vực, ở châu Á. Vì thế, trình độ tiếng Anh của học sinh TP.HCM phải ngang tầm khu vực và thế giới. Ông đề nghị TP phải đặt mốc cao hơn.

"Làm sao TP sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sớm nhất toàn quốc và nhiều nhất, tiệm cận trình độ tiếng Anh của thế giới", ông Thưởng chỉ đạo.

Ông Thưởng đánh giá TP có đầy đủ cơ sở để thực hiện tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở trường phổ thông theo lộ trình vì đã tiên phong trong 10 năm kiên trì thực hiện đề án 5695 (dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh), thực hiện xã hội hóa giáo dục trong dạy tiếng Anh theo chủ trương của HĐND TP.

Trước chỉ đạo này, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định TP.HCM có đủ điều kiện và có thể triển khai thực hiện tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở các trường phổ thông. Ngay trong đầu năm học tới, TP.HCM sẽ tiến hành lựa chọn một số trường để thí điểm tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.

Tin vui cho học sinh TP.HCM

Trước thông tin TP.HCM sẽ thí điểm lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 trong một số trường công lập, lãnh đạo một số trường THPT đánh giá đây là tin vui cho học sinh TP.HCM.

"Tôi cho rằng phụ huynh ở một số trường tại TP.HCM sẽ ủng hộ chủ trương này cao lắm. Vì họ thực sự cũng mong muốn con họ được học trong môi trường tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, sẽ có nhiều cơ hội cho con phát triển và hội nhập. 

Riêng tại trường chúng tôi, số học sinh tham gia các chương trình liên quan việc sử dụng tiếng Anh chiếm tỉ lệ cao tại trường", cô Trần Thị Hồng Thủy, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM, chia sẻ.

Theo cô Thủy, TP.HCM có rất nhiều lợi thế để thực hiện tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường phổ thông công lập không chỉ bởi tiếng Anh hiện nay đã được đưa vào giảng dạy chính khóa từ lớp 3, mà còn bởi từ lâu TP đã có nhiều chương trình dạy tiếng Anh mang lại hiệu quả và được phụ huynh tín nhiệm. 

Mặt khác, kết quả thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi của TP và quốc gia cao vượt trội, cho thấy sự sẵn sàng về năng lực của học sinh.

Cũng rất vui mừng trước thông tin TP.HCM sẽ thí điểm dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường phổ thông, cô Nguyễn Thị Tú, hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (Trường đại học Sư phạm TP.HCM), cho biết sẽ nhận được sự đồng tình rất lớn của phụ huynh. 

"Hiện nay chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức xã hội hóa tại trường của chúng tôi nhận được sự ủng hộ của 100% phụ huynh với 100% học sinh tham gia", cô Tú nói.

Nhiều thuận lợi

Theo TS Nguyễn Thanh Bình - trưởng khoa tiếng Anh (Trường đại học Sư phạm TP.HCM), TP.HCM có nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện tiếng Anh là ngôn ngữ dạy học thứ 2:

1. Vị thế và tầm nhìn chiến lược của TP.HCM: Tầm nhìn chiến lược của TP luôn hướng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập toàn cầu. Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong các nhà trường không chỉ phù hợp với mục tiêu chiến lược này mà còn là yêu cầu cấp thiết để giữ vững và phát huy vị thế của TP.

2. Hệ thống giáo dục khá tiên tiến với động lực đổi mới mạnh mẽ: TP.HCM từ lâu đã tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến với động lực đổi mới rất mạnh mẽ.

TP cũng đã có kinh nghiệm triển khai khá thành công các chương trình dạy tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp... từ đó tạo tiền đề vững chắc cho việc mở rộng mô hình này và đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong hệ thống giáo dục.

3. Đội ngũ giáo viên chất lượng và giàu kinh nghiệm: TP.HCM sở hữu một đội ngũ giáo viên tiếng Anh được đào tạo khá bài bản, có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Hơn nữa, TP còn thu hút được nguồn nhân lực giáo viên nước ngoài đông đảo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong các trường học.

4. Cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin phát triển: Với điều kiện cơ sở vật chất tiên tiến và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, các trường học tại TP có đủ điều kiện để triển khai các chương trình giảng dạy ngoại ngữ hiệu quả.

5. Sự đồng thuận và hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức quốc tế: TP.HCM chắc chắn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, phụ huynh và các tổ chức quốc tế trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Tiềm lực xã hội hóa cho giáo dục ngoại ngữ ở TP.HCM rất mạnh mẽ và dồi dào.

TP.HCM thí điểm dùng tiếng Anh dạy học: Nhà trường, nhà giáo nói gì?- Ảnh 2.Vì sao 8 năm liên tiếp điểm thi tốt nghiệp tiếng Anh của học sinh TP.HCM cao nhất cả nước?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã yêu cầu TP.HCM sớm có trường phổ thông dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên