Đó là bài học của Thượng Hải (Trung Quốc) được bà Tôn Minh, phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đem đến diễn đàn Kinh tế TP.HCM, diễn ra ngày 15-9.
Thượng Hải là trung tâm kinh tế quốc tế khi quy tụ các doanh nghiệp lớn của thế giới, nơi giao thương, tổ chức sự kiện, trao đổi tài chính, thông tin. Song song với phát triển kinh tế, Thượng Hải luôn ưu tiên quan tâm tới phát triển thành phố xanh, phát triển hệ sinh thái xanh như xây dựng nhiều công viên, đường đi bộ, cảnh quan để khuyến khích các thói quen vận động không có khí thải carbon.
Chuyển đổi xanh và phát thải thấp carbon đối với Thượng Hải có ý nghĩa to lớn trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện phát triển bền vững.
Và trong 10 năm qua, các chỉ số về khí thải ra môi trường đã giảm đáng kể nhờ thúc đẩy sự chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, môi trường, giao thông và xã hội tái chế. Chính quyền Trung Quốc đã cam kết sẽ nỗ lực để đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060.
Theo ông Yasuo Takahashi, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES), kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy nhiều địa phương của Nhật Bản công bố kế hoạch giảm phát thải nhanh hơn, nhiều hơn so với lộ trình chung của quốc gia. Sự khởi động của các thành phố như TP.HCM và sau đó lan tỏa đến nhiều địa phương khác sẽ tác động rất lớn đến cam kết chung của chính phủ.
Thí điểm ở TP.HCM và nhân rộng cả nước
Theo ông Nguyễn Đức Hiển - phó Ban Kinh tế trung ương - TP.HCM là đô thị đặc biệt, trong thời gian tới thành phố phải lựa chọn con đường phát triển khác thời gian trước.
"Thành phố lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Đảng và xu thế mới của thế giới, tạo ra động lực và không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội", ông Hiển nhấn mạnh.
Qua rà soát các nghị quyết về phát triển năng lượng, nghị quyết về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhiều nghị quyết khác, Ban Kinh tế trung ương thấy rằng, nhiều chủ trương định hướng còn chưa được thể chế hóa trong thực tiễn. Điều này phần nào cũng gây khó khăn cho TP.HCM trong chuyển dịch xanh. Nhiều vấn đề về năng lượng, đô thị cũng thiếu chính sách cụ thể.
"Ban đang đánh giá việc triển khai các nghị quyết và ủng hộ cao TP.HCM với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các vấn đề mới nảy sinh", phó Ban Kinh tế trung ương nói và cam kết đồng hành với TP.HCM trong nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, trên cơ sở đó nhân rộng ra cả nước.
Về nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh, lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương cho biết tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh của cả nước mới đạt gần 500.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (tỷ trọng cao nhất 47%).
Tiếp đến là nông nghiệp xanh, chiếm trên 30%. Vì vậy, trong lĩnh vực tài chính, thành phố cũng phải đi tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng lưu ý, trong quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, thành phố cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cần xác định rõ phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn; đầu tư cho vốn tự nhiên sẽ cần nhiều nguồn lực hơn.
"Đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để Chính phủ và khối doanh nghiệp cùng chung tay hành động. Việc chuyển đổi hướng tới phát thải ròng bằng "0" giúp doanh nghiệp tăng trưởng không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà còn mang lại thương hiệu cho doanh nghiệp", thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Những thách thức của TP.HCM
Chia sẻ thực trạng của TP.HCM, ông Phạm Bình An - phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2018, ghi nhận tổng lượng phát thải khí nhà kính của toàn thành phố là 57,6 triệu tấn CO2 tăng 5,4 triệu tấn so với lượng phát khí nhà kinh năm 2016. Trong đó, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cố định và lĩnh vực giao thông chiếm 93,6% tổng lượng phát thải và hấp thụ ở TP.HCM.
TP.HCM còn rất nhiều thách thức phải đối mặt. Chẳng hạn hiện các văn bản chỉ đạo chỉ mang tính chất định hướng chính sách, chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ. Các chính sách hiện hành cũng chỉ tập trung nhiều vào khâu sản xuất.
Trong khâu sản xuất, các chương trình hiện tại đang tiếp cận một cách đơn lẻ. Thị trường sản phẩm xanh còn nhỏ, lượng hàng hóa được dán nhãn sinh thái chưa được phổ biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận