
Hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao vào các tháng mùa nắng nóng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Các số liệu thống kê cho thấy mức dùng điện đã và đang tăng mạnh, báo hiệu cho giai đoạn người tiêu dùng sẽ trả tiền điện cao hơn nhiều so với trung bình trong năm, nhưng năm nay chi phí này sẽ cao hơn.
Hóa đơn tiền điện bắt đầu “nóng” theo nhiệt độ
Những ngày qua, nhiều người dân phản ánh việc hóa đơn tiền điện đã tăng theo “độ nóng” của thời tiết khi số tiền điện tháng 3 đã tăng 20-40% so với tháng trước đó.
Một số trường hợp phản ánh chỉ số điện đã dùng cũng tăng mạnh và số tiền điện phải chi trả trong tháng 3 cao từ gấp rưỡi trở lên so với tháng trước và cao hơn tháng 3 năm ngoái.
Đáng chú ý, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chỉ mới bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, thời gian tới dự báo sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết sản lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi ngày trong tháng 2-2025 tăng gần 11% so với tháng 2 năm ngoái.
Sản lượng điện dùng bình quân mỗi ngày của tháng 3 cao hơn 16% so với tháng 2, riêng sản lượng điện sinh hoạt (điện người dân dùng cho gia đình - PV) cao hơn 19,81% so với bình quân tháng trước.
Theo đơn vị này, nhiệt độ trung bình tháng 3 cao hơn tháng 2 dẫn đến việc người dân dùng máy lạnh nhiều khiến sản lượng điện sinh hoạt tháng 3 cao.
Tuy nhiên, EVNHCMC cho biết tháng 4 mới là tháng đỉnh điểm của nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn TP.HCM dự kiến đạt hơn 100 triệu kWh/ngày, cao hơn 35% so với tháng 2 và 16% so với tháng 3. Do vậy, sản lượng điện sinh hoạt của tháng 4 này sẽ cao nhất từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, trong tháng 4 có 2 đợt nghỉ lễ cộng với việc nắng nóng kéo dài, dùng máy lạnh ở mức cao nên đơn vị này dự báo ngày 28-4 “sẽ là ngày có sản lượng điện sinh hoạt cao nhất trong năm 2025”.
Tiền điện mùa nắng năm nay cao hơn mọi năm vì lý do này
Theo các chuyên gia, việc dùng điện nhiều và hóa đơn tiền điện tăng mạnh vào mùa nắng nóng sẽ lặp lại tại TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước theo mùa khi miền Nam sẽ bước vào mùa nắng nóng trước, sau đó đến miền Trung và miền Bắc. Tuy nhiên, năm nay hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao hơn mọi năm nếu dùng cùng một chỉ số.
Lý do là cuối năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã áp dụng bảng giá bán lẻ điện mới với mức tăng 4,8% nên tiền điện trên hóa đơn sẽ cao hơn mọi năm.
Bên cạnh đó, ngành điện Việt Nam đang áp dụng cách tính tiền điện sinh hoạt theo 6 bậc thang với mức giá điện thấp nhất là 1.893 đồng/kWh và mức giá cao nhất là 3.302 đồng/kWh. Nếu dùng điện nhiều, tiền điện sẽ đội lên cao khi rơi vào các bậc thang giá cao.
Cụ thể, mùa nắng nóng năm nay các hộ dùng từ 300-400kWh/tháng sẽ có khoản chi phí tiền điện tăng thêm khoảng 47.000 đồng/tháng (chưa VAT) và các hộ dùng từ 400kWh/tháng trở lên sẽ có mức tăng chi trả khoảng 62.000 đồng/tháng (chưa VAT) so với cùng kỳ năm ngoái.
Yếu tố trên khiến cho tiền điện năm nay sẽ tăng mạnh nếu người dân vẫn giữ hoặc tăng mức dùng điện so với mùa nắng nóng năm ngoái.
EVNHCMC dự báo tháng 5 sẽ là tháng có nền nhiệt cao nhất trong năm, kéo theo nhu cầu dùng điện ở mức đỉnh điểm và sản lượng điện tiêu thụ sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 4 và tháng 5.
Nắng nóng, thiết bị làm mát ngốn nhiều điện hơn
Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho hay nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Khi nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện và tủ lạnh tăng mạnh, kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng đáng kể.
Đối với gia đình, điều hòa không khí có thể chiếm tới 50% tổng điện năng vào mùa nóng, đặc biệt khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C. Ngoài ra, tủ lạnh và các thiết bị điện khác cũng hoạt động nhiều hơn để duy trì hiệu suất, làm tăng mức tiêu thụ điện từ 20-30% so với các tháng còn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận