Thông tin được nêu từ chương trình Dân hỏi - chính quyền TP trả lời tổ chức sáng 7-1, với chủ đề “Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2024”.
4 giải pháp tạo nguồn thu từ đất đai trong năm 2024
Ông Huỳnh Văn Thanh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho rằng trong những năm qua, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỉ lệ trọng tâm trong nguồn thu ngân sách của TP.HCM.
Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực này, năm 2024 Sở Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ 4 giải pháp chính, tăng cường quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai qua việc tham mưu TP ban hành đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai có hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” từ năm 2021.
Đề án này tập trung nghiên cứu 6 nhóm vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; tài chính đất đai; quản lý tài sản công; hành chính về đất đai và cơ chế hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Đối với giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xác định giá đất cụ thể, sở đã thực hiện phân nhóm, phân loại và rút ra được 13 vướng mắc chính, xây dựng một đề án làm cơ sở để giải quyết. Với từng vướng mắc thì tại đề án, sở cũng làm rõ 5 thẩm quyền xem xét giải quyết để có giải pháp thích hợp.
Tiếp đến là giải pháp về tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có. Trong năm 2024 sẽ xây dựng kế hoạch đấu giá cho các lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu vực ngoài Thủ Thiêm.
Hiện UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch cho khu vực Thủ Thiêm, còn khu vực ngoài Thủ Thiêm sẽ được hoàn chỉnh lại và thực hiện theo đề án. Đây cũng là một trong những nguồn thu trực tiếp của TP.
Ngoài ra, còn các giải pháp thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo nghị quyết 98, như thí điểm cơ chế tạo quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ thông qua việc cho phép thực hiện thu hồi đối với các khu đất thuộc “vùng phụ cận” của các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt và của các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3.
Tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết năm 2023 TP đã ký kết với 38 tỉnh thành cả nước trong thực hiện kết nối vùng; tổ chức 5 hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từng vùng…
Đặc biệt với vùng Đông Nam Bộ, TP cũng ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực: đầu tư và mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng; khuyến khích các hoạt động của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp; hỗ trợ nhau cải thiện các quy định, thủ tục đầu tư kinh doanh giữa các địa phương.
Phát triển các công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy những start-up hệ sinh thái. Tập trung vào cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển lực lượng lao động và tăng cường hợp tác với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra theo bà Mai, TP.HCM cũng đặc biệt chú trọng các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến 31-12-2023, TP có trên 560.000 doanh nghiệp, hơn 99% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. GRDP năm 2023 TP.HCM tăng ở mức 5,81%, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp.
Đóng góp vào đầu tư chung của xã hội năm 2023 hơn 300.000 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 77% tổng nguồn đầu tư thực hiện.
TP nhận thức rõ vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Do đó năm 2024 TP đã thực hiện, phát huy được 5 chính sách hỗ trợ và sẽ tiếp tục thực hiện trong 2024 như nhóm giải pháp hỗ trợ vốn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh…
Bộ Tài chính cũng ra thông tư 52 về hướng dẫn các tỉnh thành hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như: hỗ trợ công nghệ, dịch vụ tư vấn, vận hành, duy trì hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các sở ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận