28/10/2020 13:29 GMT+7

TP.HCM hướng đến dùng trực thăng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - Trong tương lai gần, Trung tâm cấp cứu 115 có thể phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cùng cấp cứu ngoại viện bằng trực thăng.

TP.HCM hướng đến dùng trực thăng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM trình bày tại hội nghị - Ảnh: HOÀNG LỘC

Đó là kỳ vọng của PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - tại hội nghị nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện trong điều trị đột quỵ não cấp do Trung tâm cấp cứu 115 tổ chức ngày 28-10.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - cho biết đến nay mạng lưới cấp cứu ngoại viện đã "phủ sóng" khắp TP.HCM, với 34 trạm cấp cứu vệ tinh. Ngoài các trường hợp cấp cứu thông thường, nhiều trường hợp đột quỵ được cứu ngoại viện tiếp cận, đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời.

"Và trong bối cảnh đột quỵ ngày càng cao, việc phổ biến cách thức tiếp cận, xử trí đột quỵ phù hợp để rút ngắn thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân là điều vô cùng cần thiết", bác sĩ Long nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, đột quỵ là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong sau các bệnh lý tim mạch, ung thư. Ở Việt Nam, đột quỵ đứng số 1 về tỉ lệ tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế vào 2018, đột quỵ chiếm nguy cơ tử vong ở nam giới là 18%, nữ giới là 23%.

Nếu như cả nước ước tính có khoảng 200.000 ca đột quỵ/năm, chỉ riêng thống kê trong năm 2019, tại Trung tâm điều trị đột quỵ của Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy có đến 15.000 ca /năm. Và con số này thực tế có thể còn cao hơn.

TP.HCM hướng đến dùng trực thăng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 2.

Một ca bệnh được Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu bằng trực thăng - Ảnh: QUÂN CHÍNH

Ông Tăng Chí Thượng khẳng định việc nâng cao cấp cứu ngoại viện, đặc biệt trong điều trị đột quỵ là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế TP.HCM. "Hiện nay hệ thống cấp cứu của Bệnh viện Quân y 175 rất mong muốn hợp tác cùng cấp cứu ngoại viện thuộc Sở Y tế TP.HCM trong cấp cứu bằng đường không. Tôi kỳ vọng sự hợp tác này sớm được thực hiện để có thể cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân ở hải đảo, hoặc vùng sâu vùng xa", ông Thượng nói. 

Ông Thương còn "đặt hàng" cho Trung tâm cấp cứu 115 phối hợp cùng Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP nâng cao kỹ năng, cập nhật các thông tin của mạng lưới cấp cứu ngoại viện về đột quỵ; hình thành thêm các mạng lưới cấp cứu đặc thù khác như về đau tức ngực, đa chấn thương, chết đuối....với kỳ vọng trong tương lai gần TP.HCM sẽ có một trung tâm điều hành cấp cứu thông minh với mạng lưới cấp cứu chuyên sâu.

Gánh nặng của sự tàn phế cao hơn là tử vong

Theo bác sĩ Thắng, đến nay mạng lưới điều trị đột quỵ ở Việt Nam có trên 80 trung tâm, có thể xử lý đột quỵ tối thiểu bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Và điều đáng ghi nhận là "cửa sổ vàng" cứu sống người bệnh được nới rộng dần từ 3 giờ, 4,5 giờ, 6 giờ và có một số trường hợp đặc biệt là đến 24 giờ.

"Với đột quỵ, gánh nặng của sự tàn phế cao hơn là tử vong. Do đó, mục tiêu của điều trị đột quỵ là làm sao cho bệnh nhân sau khi ra viện có thể trở về có một cuộc sống bình thường, họ có thể tự kiếm sống mà không trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hôi", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bé 3 tuổi bị đột quỵ, người lớn "không tin nổi" Bé 3 tuổi bị đột quỵ, người lớn 'không tin nổi'

TTO - Đột quỵ ở trẻ được ví như 'sát thủ giấu mặt' âm thầm cướp đi tuổi thơ của trẻ nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Bệnh này không chỉ có ở người lớn.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên