18/03/2019 11:09 GMT+7

TP.HCM, Hà Nội giám sát chặt bếp ăn trường học

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - THÙY DƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - THÙY DƯƠNG

TTO - Tại TP.HCM, không chỉ cơ quan quản lý, phụ huynh học sinh cũng thường xuyên 'kiểm tra' bữa ăn của con mình và có ý kiến ngay với nhà trường nếu chưa phù hợp.

TP.HCM, Hà Nội giám sát chặt bếp ăn trường học - Ảnh 1.

Bữa ăn sáng của học sinh một trường mầm non trên địa bàn quận 3, TP.HCM. Đây là 1 trong 6 quận, huyện ở TP.HCM thực hiện thí điểm về an toàn thực phẩm trong trường học - Ảnh: H.HG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngũ Duy Anh (vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT) cho biết sau vụ học sinh nhiễm sán ở Bắc Ninh, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, kiên quyết không sử dụng nguồn thực phẩm thiếu an toàn đưa vào trường học cho học sinh.

TP.HCM: thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng

Theo ông Nguyễn Văn Gia Thụy - phó trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm 2017 Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã ký kết kế hoạch liên tịch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Và từ năm học 2018-2019, thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn trong trường học; cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh phải tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm...

Các loại thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm); khuyến khích các bếp ăn, nhà ăn trong trường học, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận của TP, cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGap, GlobalGap...

Nội dung trên hiện đang được thực hiện thí điểm tại 6 quận: 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh. Sở GD-ĐT TP cũng khuyến khích các quận, huyện còn lại cùng thực hiện.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết từ năm 2017 đến nay, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra được khoảng 70% các bếp ăn tập thể tại trường học và các bếp ăn tại các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn trong trường học. Dự kiến đến tháng 5-2019, con số này sẽ nâng lên 80 - 90%.

TP.HCM, Hà Nội giám sát chặt bếp ăn trường học - Ảnh 2.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: P.V.

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các bếp ăn này ít có sai phạm về thực phẩm. Các trường cũng đều xác định bữa ăn cho học sinh rất quan trọng vì cơ thể học sinh còn trẻ, chưa kể bữa ăn trường học nếu có vấn đề gì cũng rất "nhạy cảm" trước dư luận xã hội.

Từ trường công lập đến tư thục, phụ huynh đều rất quan tâm và sẵn sàng đóng góp để đầu tư cho bữa ăn tại trường của con em họ được an toàn, chất lượng.

Suốt thời gian vừa qua, các bếp ăn trong trường học của TP không xảy ra vấn đề gì. Chỉ có một số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là do sử dụng thực phẩm ở các hàng quán bên ngoài trường học.

Phụ huynh cùng giám sát bếp ăn nhà trường

Bà V.M.H. (phụ huynh học sinh lớp 8 tại quận 3, TP.HCM) cho biết dù không có tên trong ban đại diện cha mẹ học sinh, bà đã đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp hãy liên hệ với ban giám hiệu nhà trường để đi tham quan bữa ăn của học sinh.

"Chúng tôi báo trước trong tháng đó chúng tôi sẽ đến vào một ngày bất kỳ. Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp không đi được thì tôi sẽ đi thay.

Hồi con tôi học tiểu học, trường của cháu có bếp ăn bán trú, tôi đã vào tận bếp xem cách nấu nướng của các cô cấp dưỡng, xem các loại thực phẩm trước khi chế biến, xem bữa ăn của con có lượng chất đạm, bột... như thế nào.

Khi con lên lớp 6, trường của cháu không có bếp ăn bán trú mà ăn suất ăn công nghiệp. Thực lòng tôi không thích suất ăn công nghiệp nhưng cũng không còn cách nào khác. Tôi đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh của trường liên hệ để đến trực tiếp nơi chế biến bữa ăn công nghiệp.

Khi đã nhìn và nghe thấy hết, chúng tôi tiếp tục đến xem bữa ăn của các con. Lúc đó mới phát hiện bữa ăn của các cháu ít chất đạm quá và so ra thì quá mắc so với mức tiền ăn mà phụ huynh đóng cho nhà trường.

Ngay lập tức chúng tôi có ý kiến và đề nghị chấn chỉnh. Nếu nhà cung cấp thức ăn không chấn chỉnh, chúng tôi sẽ làm áp lực để nhà trường đổi nhà cung cấp", bà H. chia sẻ.

Hà Nội: yêu cầu kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm

Tại Hà Nội, trước tình trạng nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng khi gửi con bán trú, ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết: Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và thời gian sử dụng.

Nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học? Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học?

TTO - Ngày 17-3, dù số gia đình từ Thuận Thành, Bắc Ninh đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư ở Hà Nội đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhưng vẫn có đến trên 400 gia đình đưa con ra xét nghiệm.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên