Nội dung nêu từ công văn TP.HCM báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện giải ngân năm 2023. Theo báo cáo, đến hết 17-8, tổng số vốn đầu tư công TP.HCM đã giải ngân là 19.133 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27%.
Thành ủy TP cũng đã thành lập 13 tổ công tác của Ban thường vụ để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng, bởi kế hoạch vốn bố trí cho các dự án này hơn 49.600 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 70% tổng kế hoạch vốn được giao.
Tháng 4 vừa qua, chủ tịch UBND TP đã phê bình 25 đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đồng thời đề nghị thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư có dự án chưa thực hiện giải ngân do nguyên nhân chủ quan tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua quý 2-2023.
UBND TP.HCM cho hay thời gian tới sẽ chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Rà soát các dự án còn gặp khó khăn vướng mắc, giải quyết, đề xuất các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể.
Với các dự án chậm giải ngân do chủ đầu tư, UBND TP.HCM giao chủ đầu tư khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân 7 tháng đã xây dựng.
Các dự án chậm do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng thi công cho các chủ đầu tư.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ theo dõi, giám sát tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác đo vẽ, kiểm đếm của các địa phương, tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân của dự án.
Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương giải quyết ngay các dự án có khó khăn, vướng mắc liên quan căn hộ tái định cư đảm bảo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Với các dự án chậm giải ngân do sở, ngành, UBND TP.HCM giao các sở, ngành khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND TP xem xét, có ý kiến chỉ đạo.
Riêng các dự án chậm hoặc chưa giải ngân do thủ tục quyết toán, chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, trình Sở Tài chính hoặc UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Sở Tài chính và các địa phương rà soát, rút ngắn thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành so với quy định (theo quy định dự án nhóm C là 3 tháng, nhóm B là 4 tháng và nhóm A là 6 tháng).
Đối với dự án còn lại, chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Sở, ngành phối hợp hoàn tất các nội dung có liên quan và địa phương đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Kiến nghị được gỡ khó trong đầu tư trường lớp
Ngoài ra, tại báo cáo này, UBND TP.HCM cũng cho biết việc thực hiện theo thông tư 13 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tính quy mô đầu tư trường học hiện nay sẽ làm giảm quy mô học sinh hiện tại ở các trường dẫn đến không đảm bảo chỗ học và giảm suất vốn đầu tư công trình.
Không chỉ vậy, định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh trong điều kiện đặc thù của TP sẽ gây khó khăn trong việc đầu tư trường lớp và tăng số phòng học, đặc biệt là ở nội thành.
Do đó, TP đề nghị thống nhất về chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu học sinh, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng phù hợp với đặc thù của TP. Gồm chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh nên áp dụng: mầm non: 8 - 12m2/học sinh; tiểu học và trung học: 6 - 10m2/học sinh.
Tháng 4-2023, UBND TP.HCM có công văn 1399 phê bình 25 chủ đầu tư giải ngân 0%. Trong đó có UBND quận 4, 7, 8, Tân Phú, Quận ủy quận 1, Sở Tài nguyên và Môi trường. Các bệnh viện lớn như Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương.
Các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận