TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế trên địa bàn - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 11-8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo "Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế".
Sẽ có cơ chế đặc thù về thù lao, tiền lương
Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế là một trong những "đặt hàng" của Bộ Chính trị và Chính phủ cho TP.HCM. Đồng thời, việc thành lập trung tâm cũng gắn với nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - quyền trưởng phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - báo cáo về dự thảo. Theo đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn để phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế.
TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 2 trung tâm nghiên cứu tiệm cận trình độ quốc tế. Đến năm 2030 có 5 trung tâm nghiên cứu tiệm cận và đạt chuẩn quốc tế.
Một số ngành trọng điểm được TP.HCM nhắm đến bao gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, robotics, công nghệ tự động hóa, công nghệ in 3D tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc, công nghệ chế tạo vật liệu nano, vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh, vật liệu bán dẫn…
Ngoài các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất trung tâm sẽ được áp dụng chính sách đặc thù của TP.HCM về tiền lương, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các đối tượng thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.
TP.HCM cũng sẽ ưu tiên đầu tư công về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập do thành phố thành lập tham gia đề án.
Một đơn vị nghiên cứu về tế bào gốc tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế phải có tính liên ngành
Góp ý cho dự thảo, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng một điểm mạnh ở trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế là thực hiện với những chương trình dài hơi.
Tuy nhiên, cũng vì dài hơi và định hướng các nghiên cứu cho ra ứng dụng thực tiễn, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói cần có những quy định cho nhà khoa học trong những nhóm nghiên cứu có tính liên ngành.
Bên cạnh đó, trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế cũng nên dành ưu tiên cho những nhiệm vụ khoa học công nghệ có kết nối với chuyên gia nước ngoài và có sự gắn kết với doanh nghiệp để tăng được khả năng thương mại hóa.
GS.TS Nguyễn Kim Lợi - Trường đại học Nông Lâm - đề cập đến rào cản về cơ sở vật chất cần phải tính đến với trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các trung tâm này dự kiến được đặt phòng thí nghiệm, trang thiết bị tại trường đại học TP.HCM.
Tuy nhiên theo ông Lợi, cơ sở vật chất ở một số trường sẽ khó lòng đạt chuẩn quốc tế. Do vậy cần tính toán đến việc tối ưu hóa nguồn lực cơ sở vật chất trang thiết bị giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp…
PGS.TS Trần Hoàng Dũng - Trường đại học Công Thương TP.HCM - cho rằng TP.HCM cần làm rõ "cơ sở pháp lý" của trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế. Liệu các trung tâm này có con dấu riêng hay vẫn sẽ thuộc các cơ quan chủ quản là các đơn vị khoa học công nghệ công lập của TP.HCM hay các trường đại học?
GS.TS Lê Văn Hiếu - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng TP.HCM nên tiến hành từng bước và mỗi bước cần có một bộ tiêu chí riêng mới có thể có trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế.
Trước hết cần có tiêu chí cho các nhóm nghiên cứu mạnh. Từ các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ hình thành những trung tâm xuất sắc. Từ trung tâm xuất sắc sẽ hình thành trung tâm chuẩn quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận