Hoạt động giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Năm 2022, 60 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố đăng ký mới. Trong đó, lĩnh vực "khoa học kỹ thuật và công nghệ" chiếm phần lớn, với 28 đề tài (46,6%).
Đứng thứ 2 là lĩnh vực "khoa học y dược", với 15 đề tài cấp thành phố (25%).
Còn giai đoạn 2020-2022, tổng cộng 165 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố đăng ký mới.
Lĩnh vực "khoa học kỹ thuật và công nghệ" vẫn dẫn đầu về số lượng, có 69 đề tài (41,8%). Tiếp đến là lĩnh vực "khoa học y dược", 38 đề tài. Lĩnh vực "khoa học tự nhiên" 27 đề tài, "khoa học nông nghiệp" 19 đề tài.
Nhiều đề tài nổi bật đang được thực hiện phục vụ các chiến lược phát triển của TP.HCM. Cụ thể, đó là về vật liệu nano, cơ khí, hóa chất, AI trong y tế, thuốc điều trị bệnh,…
Tuy nhiên, về "khoa học nhân văn", từ năm 2020-2022 không có đề tài cấp thành phố đăng ký mới.
Kinh phí của các nhiệm vụ khoa học công nghệ biến động theo số lượng đăng ký mới. Được "rót" nhiều nhất là các đề tài thuộc lĩnh vực "khoa học kỹ thuật và công nghệ".
Thành phố chi 68,1 tỉ đồng cho lĩnh vực này năm 2022, cao hơn các lĩnh vực khác cộng lại. Mức chi cũng tăng theo từng năm. Trước đó, thành phố chi 48,109 tỉ (2020) và 54,711 tỉ (2021) cho "khoa học kỹ thuật và công nghệ".
Ngoài ra, xếp thứ 2 về "rót" kinh phí là lĩnh vực "khoa học y dược", với 33,644 tỉ đồng (2022).
Về bức tranh chung, tổng kinh phí chi cho 165 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố đăng ký thực hiện mới năm 2022 là 128,4 tỉ đồng, trong đoạn 2020-2022 là 351,35 tỉ đồng.
Trong đó, kinh phí từ ngân sách thành phố là 318,3 tỉ đồng (90,6%). Ngoài ra, các nguồn kinh phí khác từ vốn của tổ chức chủ trì nhiệm vụ hoặc từ tài trợ.
Nghiệm thu 233 đề tài khoa học công nghệ từ 2020-2022
Trong giai đoạn 2020-2022, 233 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố đã được nghiệm thu.
Sản phẩm từ nhiều đề tài đi theo định hướng của thành phố 2020-2030 về cơ khí tự động hóa. Nổi bật là "Máy phay đứng CNC 3 trục SG-460M", hình thành từ kết quả 7 nhiệm vụ nghiên cứu. Đề tài cũng nằm trong Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm của TP.HCM.
Nhiều nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong y tế như AI, robotics, công nghệ giải trình tự gene…
Có thể kể đến đề tài "Phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt" của Bệnh viện Bình Dân; "Tầm soát bệnh Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Eyedr" của Bệnh viện Mắt TP.HCM; "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới trong khảo sát đột biến gene ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng trẻ tuổi" của Trường đại học Y Dược TP.HCM, "Xác định các biến thể gene liên quan đến bệnh cơ tim giãn nở ở bệnh nhân Việt Nam bằng kỹ thuật giải trình tự DNA thế hệ mới" của Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận