16/04/2023 08:57 GMT+7

TP.HCM cần trung ương gỡ vướng mắc gì?

Hôm nay 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng kết nối, bất động sản, chống ngập...

Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM gặp vướng mắc cần được tháo gỡ. Trong ảnh: một dự án bất động sản ở quận 1, TP.HCM đã xây xong phần thô nhưng phải tạm dừng do vướng khâu chưa thẩm định giá đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM gặp vướng mắc cần được tháo gỡ. Trong ảnh: một dự án bất động sản ở quận 1, TP.HCM đã xây xong phần thô nhưng phải tạm dừng do vướng khâu chưa thẩm định giá đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là dịp để TP.HCM trình bày và mong muốn có cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai những dự án này. Cùng với đó là những tháo gỡ để phát huy vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ.

Siêu dự án chống ngập gỡ hoài vẫn vướng

Tám năm trước, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng được khởi công (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ). Mục tiêu dự án là chống ngập dành cho khoảng 6,5 triệu người dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và vùng trung tâm TP. 

Ban đầu, công trình được hứa hẹn hoàn thành năm 2021 nhưng sau đó xin lùi tiến độ. Dự án không đúng hẹn nên nhiều vấn đề đã phát sinh khi phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) hết hạn. Do đó, công trình bị dừng lại do không được tái cấp vốn.

Sau một thời gian dài tạm ngưng, đến đầu năm nay phụ lục hợp đồng BT của dự án đã được ký. Tuy nhiên, hiện dự án đang đợi phía Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng BIDV làm các thủ tục và giải ngân để tiếp tục thực hiện. Trên các công trường của dự án này chỉ thưa thớt vài công nhân thi công cầm chừng, trong khi tiến độ tổng thể đã đạt 93%.

Theo chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, Ngân hàng BIDV đã có văn bản đề nghị UBND TP tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc để có cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng, làm cơ sở tái cấp vốn. 

Để có cơ sở tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư và ngân hàng, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP được thanh toán trước cho hợp đồng BT bằng ba quỹ đất sạch. Việc thanh toán căn cứ trên khối lượng công trình hoàn thành được Kiểm toán Nhà nước xác nhận trước đây. Điều này giúp đảm bảo theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng BT đã ký kết nhằm giảm lãi vay phát sinh và áp lực thanh toán cho nhà đầu tư, Ngân hàng BIDV.

Về phương thức thanh toán, hiện nay theo báo cáo của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án đã lên khoảng 13.693 tỉ đồng. TP kiến nghị Thủ tướng cho phép tự cân đối quỹ đất, nguồn vốn ngân sách để thanh toán hợp đồng BT. Đối với phần lãi vay phát sinh sẽ thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư và được thanh toán bằng quỹ đất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự án này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định ở đây không có chuyện "đá" trách nhiệm mà không thể thực hiện được khi thiếu điều kiện. "Mỗi thủ tục đứng riêng thì thấy ổn nhưng ráp vào dự án cụ thể thì nó có vấn đề chồng chéo. Đây là dự án được nhiều người dân chờ đợi, tôi hy vọng sau cuộc làm việc này các điểm vướng của dự án có thể gỡ được", ông Hiển nói.

Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1), thuộc đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1), thuộc đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đề xuất phương án giải phóng mặt bằng

TP.HCM cho hay để trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới... đến năm 2030 theo nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, ngoài được tháo các vướng mắc cho dự án giao thông theo hình thức BT đang ngưng thi công nhiều năm qua, TP còn cần hỗ trợ từ trung ương và các bộ ngành về các cơ chế, chính sách, vốn...

Cụ thể, TP kiến nghị đẩy nhanh các dự án đang triển khai như gỡ vướng cho cao tốc Bến Lức - Long Thành, bố trí 2.900 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để bồi thường giải phóng mặt bằng cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. 

Cấp bách nữa là việc bổ sung vốn cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đảm bảo kinh phí để chuẩn bị nhân sự vận hành, khai thác thương mại. Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc ở dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thành báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Nhìn toàn cục, những năm tới đây sẽ có nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đang là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Hiện TP đang chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm với quy mô lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 4 TP.HCM, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, các tuyến đường sắt đô thị. Phạm vi và quy mô giải phóng mặt bằng cho các dự án này rất lớn.

Theo quy định hiện nay, sau khi dự án được phê duyệt mới có đủ cơ sở triển khai các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp xác định ranh giải phóng mặt bằng và phê duyệt trước một bước sẽ tăng tính chủ động, triển khai sớm các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án của TP. 

Do đó, TP kiến nghị cho phép cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông trọng điểm, tương tự như dự án vành đai 3 TP.HCM.

Từ đó, TP xin được tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm với quy mô dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp khi dự án đầu tư được duyệt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc được phê duyệt sẽ tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện các công việc khác liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cống kiểm soát triều Phú Định của Trung Nam Group, quận 8, TP.HCM đã ngưng thi công từ lâu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cống kiểm soát triều Phú Định của Trung Nam Group, quận 8, TP.HCM đã ngưng thi công từ lâu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc TP xin cơ chế tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm song song với phê duyệt dự án là hợp lý. Bởi theo quy định hiện hành thì phải phê duyệt dự án mới có cơ sở làm các bước liên quan. Tuy nhiên, với nhiều dự án cấp bách thì hoàn toàn có thể làm song song.

Nhưng ông Chính cũng lưu ý nếu làm như vậy thì phải cập nhật liên tục và đặc biệt là thực hiện đúng với quy hoạch chứ không được thay đổi quá nhiều dẫn tới xáo trộn, điều chỉnh. Ngoài ra, phải có sự chuyên nghiệp, chính xác trong các khâu để hai bước trên được khớp với nhau.

Cần cấp bộ điều phối hai đường vành đai TP.HCM

Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 76km là công trình được Chính phủ cùng với nhân dân kỳ vọng. Thời gian qua, TP.HCM cùng các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai đẩy nhanh thủ tục để khởi công dự án vào tháng 6-2023.

Một khó khăn hiện nay cần được tháo gỡ là thiếu cát đắp nền đường. Do đó, TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp) hỗ trợ phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án.

Trên tinh thần vành đai 3 TP.HCM, các địa phương cũng đang tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM dài gần 200km. Với dự án này, TP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, các địa phương kiến nghị xem xét, chấp thuận chủ trương và cơ chế về sự tham gia vốn của trung ương cho dự án.

Kiến nghị kiện toàn Hội đồng vùng Đông Nam Bộ

Hầm chui Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hầm chui Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cách đây tám năm, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thành lập. Sau đó, hội đồng có nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm Hội đồng vùng Đông Nam Bộ được ban hành, trong đó có lập tổ điều phối giao thông. Tuy nhiên, bộ máy Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phải là một cấp hành chính. Từ đó dẫn tới các quyết định, nghị quyết của hội đồng cũng chỉ mang tính khuyến nghị, khuyến khích.

Vùng chưa có những công cụ, bộ máy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền để điều hành. Một số đơn vị được thành lập bởi hội đồng vùng chưa thể vận hành được vì cơ chế phối hợp giữa các địa phương và phân định trách nhiệm chưa rõ ràng. Thiếu nhạc trưởng chỉ huy vùng, nên khi bàn đến vấn đề này có ý kiến ví von các tỉnh sinh hoạt trong hội đồng vùng như "câu lạc bộ", không đạt hiệu quả.

Để giải quyết bài toán này, thời gian qua các địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn nhân sự của Hội đồng vùng Đông Nam Bộ. Từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quy hoạch vùng một cách bền vững. Trong đó, phân công một phó thủ tướng làm chủ tịch hội đồng vùng, lãnh đạo các tỉnh thành là thành viên và mỗi tỉnh phân công một thành viên chuyên trách.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), với cơ chế như hiện nay, hội đồng vùng chỉ họp "cho vui". Mỗi quý họp đôi ba lần tổng kết, rút bài học kinh nghiệm, ưu nhược điểm, đưa ra giải pháp... và sau đó là mạnh ai nấy làm.

Mổ xẻ lý do, ông Trình nói hội đồng vùng có quyết định tập thể nhưng lại không có giá trị về hành chính. Tỉnh nào cũng có quyền nên khó ai nghe ai, làm được thì tốt, không làm được cũng thôi.

Chẳng hạn phát triển về công nghiệp, ông nào mạnh, ông đó làm, thậm chí là cạnh tranh nhau. Còn về giao thông, qua địa bàn nào, địa phương đó làm. Thực tế như quốc lộ 13, đoạn ở Bình Dương đã được mở rộng tới giáp TP.HCM, còn đoạn qua TP.HCM vẫn chưa làm và luôn ùn tắc.

Theo ông Trình, hiện hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ kết nối còn rất nhiều khó khăn, vì thế chưa giúp cho kinh tế của vùng phát triển tương xứng. Muốn giao thông vùng phát triển đột phá trong thời gian tới, đòi hỏi phải có cơ chế đột phá.

Về lâu dài, cần phải cải cách thể chế xác định quyền lực hành chính cho vùng, có giám đốc vùng (người đứng đầu), phải có luật về vùng. Còn về đề xuất quỹ phát triển giao thông vùng cũng cần phải làm rõ quỹ đó góp thế nào, ai góp, xài ra sao mà muốn làm phải có luật.

Vượt qua quyền lợi địa phương thì mới thành hội đồng có giá trị

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trước đây hội đồng vùng cũng có các ban chỉ đạo vùng. Các ban này pháp lý mạnh hơn nhưng cuối cùng phải giải tán. Hội đồng vùng về quyền yếu hơn nên có tính tham mưu nhiều hơn.

Cái khó cho hội đồng vùng là tính cục bộ, lợi ích của địa phương chi phối nên chưa hiệu quả. Muốn hội đồng vùng hoạt động hiệu quả thì phải vượt qua quyền lợi địa phương mới thành hội đồng có giá trị.

Làm sống lại mũi nhọn tăng trưởng

Kinh tế TP.HCM có sự đóng góp lớn của lĩnh vực bất động sản, xây dựng và hệ sinh thái các ngành nghề xoay quanh các lĩnh vực này. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh doanh bất động sản trong quý 1 tụt xuống mức âm, giảm đến hơn 16%.

Một trong những khó khăn hàng đầu của lĩnh vực này đó là hàng loạt dự án đang gặp vướng, kéo theo hàng loạt hệ lụy từ đứt nguồn cung nhà ở, doanh nghiệp đình đốn, lao động thất nghiệp... mà điển hình là còn 156 dự án bất động sản gặp vướng. Vì thế việc làm sống lại mũi nhọn tăng trưởng này cũng là việc cần kíp.

Những vấn đề nan giải nhất liên quan đến các nhóm vướng mắc như chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đất đai (đấu giá, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính...).

Có đến 70% các vướng mắc của các dự án là liên quan đến pháp lý với hơn 2/3 trong số các dự án này đều thuộc thẩm quyền giải quyết của trung ương. Việc tháo gỡ những vướng mắc này thuộc thẩm quyền của bộ, ngành do liên quan đến các quy định pháp luật. Phía TP thì chủ yếu gặp vướng ở khâu thực thi pháp luật liên quan đến xử lý đất công xen cài, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch phân khu...

Thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức họp gỡ vướng, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm việc với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chủ đầu tư gặp vướng cho biết vẫn chưa có những kết luận rõ ràng khiến dự án vẫn ngưng trệ.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM có nhiều dự án gặp vướng cho hay sau khi doanh nghiệp kiến nghị, các bên đã họp bàn nhưng đến nay vẫn ở khâu chờ Chính phủ giải quyết cho doanh nghiệp. Hay một doanh nghiệp khác gặp khó trong khâu thủ tục mở bán căn hộ thì đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng với khách hàng.

Trong khi đó, hàng loạt dự án đang gặp vướng trong khâu tính tiền sử dụng đất trong khi doanh nghiệp sẵn sàng đóng nghĩa vụ tài chính bổ sung song cơ quan chức năng vẫn còn vướng trong phương pháp tính lại khoản tiền này. Đây cũng là lý do khiến hàng chục nghìn căn hộ đã bàn giao nhưng đến nay "trắng" sổ hồng.

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - trong số 156 dự án đến nay có bốn dự án đã được giải quyết theo hình thức cho chủ đầu tư huy động vốn bằng 50% giá trị sản phẩm của dự án, mở ra hướng giải quyết cho các dự án tương tự trong huy động vốn.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng với các dự án còn lại, điều quan trọng là phải gỡ được những nút thắt về pháp lý, mà điều này chủ yếu lại thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương.

NGỌC HIỂN

* TS Trương Minh Huy Vũ (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

TP cần "khung áo pháp lý" mới

Muốn TP quay lại đà tăng trưởng vốn có, không chỉ là kinh tế mà còn là xã hội và các chiều kích phát triển khác chắc chắn cần một "khung áo pháp lý" mới. Vì thế, cần nỗ lực để trình Quốc hội vào tháng 5 này một nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Thông qua nghị quyết này, TP mong muốn gỡ rối các việc mà với cơ chế pháp lý hiện nay đã lạc hậu so với thực tiễn của TP, hoặc hoàn toàn chưa có, quan trọng hơn là bắt kịp xu thế, vấn đề phát triển mới của các TP khu vực và thế giới. Trong đó là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế xanh - chuyển đổi xanh bằng những hành động và những dự án cụ thể.

T.LONG ghi

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023

Với tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1 đạt 0,7%, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% của TP.HCM trong năm nay rất khó khả thi, đồng thời dự báo mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên