Các nhà báo thảo luận tại khóa tập huấn - Ảnh: MAI HƯƠNG
Nhiều phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, trưởng văn phòng đại diện... đến từ các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đã tham dự.
Phát biểu khai giảng khóa tập huấn, ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, cho rằng sứ mệnh của nhà báo phải là người truyền bá sự thật, dẫn dắt để cộng đồng tiếp cận sự thật. Việc ngăn chặn tin giả rất quan trọng nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng.
Theo ông Bé, muốn ngăn chặn tin giả thì nhà báo ngoài kiến thức chuyên môn còn cần phải có kỹ năng nghiệp vụ. Ông Bé mong muốn sẽ có nhiều khóa học nghiệp vụ tương tự để trang bị kỹ năng cho nhà báo ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Bà Clothilde Le Coz phát biểu tại khóa tập huấn - Ảnh: MAI HƯƠNG
Chia sẻ với học viên, Ông Frederic Alliod (thuộc Đại sứ quán Pháp) cho biết Việt Nam là quốc gia đã cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có vấn đề đảm bảo điều kiện được cung cấp, tiếp cận thông tin đúng của tất cả mọi người. Trách nhiệm của người làm báo là phải làm thế nào cho mọi người có thể phát hiện đâu là tin giả, đâu là tin thật.
Bà Clothilde Le Coz, điều phối viên khu vực của dự án Nâng cao kỹ năng của nhà báo làm việc tại khu vực Đông Nam Á cho biết dự án được thực hiện ở 4 nước: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Một trong những mục tiêu của dự án là tập huấn cho nhà báo khả năng truyền tin chính xác đến người dân. “Người làm báo chân chính có nhiệm vụ phải lấy lại niềm tin của độc giả đối với những tin tức mà mình viết” - bà Clothilde Le Coz nói.
Nhà báo Bùi Tiến Dũng, trưởng Ban Giáo dục - Khoa học báo Tuổi Trẻ, giảng viên của khóa tập huấn, chia sẻ thêm: Trong bối cảnh các facebooker, các KOL ngày càng có khuynh hướng tung ra nhiều thông tin trên mạng xã hội thì vai trò của người làm báo chính thống càng quan trọng hơn lúc nào hết. Chưa bao giờ nhà báo gặp nhiều thách thức như hiện nay, trong đó có sự cạnh tranh quyết liệt của luồng thông tin thất thiệt đang ngày càng chiếm lĩnh.
Theo ông Dũng, tin giả đã có từ lâu chứ không phải mới đây, nhưng vấn đề đáng nói là tin giả đang gặp “mảnh đất vô cùng màu mỡ” đó là mạng xã hội.
Tại khóa tập huấn, giảng viên và học viên đã cùng thảo luận các giải pháp để phân biệt tin giả, giải pháp để duy trì vai trò của báo chí chính thống không bị lu mờ trước làn sóng tin thất thiệt đang có xu hướng chiếm ưu thế…
Ngoài ra, học viên cũng được hướng dẫn sử dụng một số công cụ để truy xuất nguồn gốc hình ảnh, video nhằm xác minh độ chính xác của thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận