Theo Hãng tin Reuters, ngày 23-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đích thân bay đến đảo New Caledonia để thị sát tình hình bạo loạn tại lãnh thổ thuộc Pháp trên Thái Bình Dương này.
Hòn đảo này rơi vào tình trạng bạo loạn từ hôm 12-5, sau khi nhiều nhóm thanh niên người Kanak bản địa bắt đầu biểu tình phản đối Hạ viện Pháp thông qua dự luật cho phép người Pháp sống tại đây trên 10 năm tham gia bầu cử địa phương.
Người bản địa Kanak cho rằng điều này sẽ làm giảm tỉ lệ số phiếu của họ, vốn chỉ chiếm 40% dân số New Caledonia. Việc này gây khó khăn lớn cho các phong trào đòi độc lập của dân cư ở đây.
Bất chấp sự phản đối của người dân, ngày 13-5, Hạ viện Pháp vẫn thông qua dự luật trên với số phiếu ủng hộ áp đảo.
Đến nay, các cuộc bạo loạn đã dẫn đến cái chết của 6 người, bao gồm cả người Kanak và nhân viên lực lượng chức năng.
Cửa hàng, đường sá, xe cộ trên hòn đảo Thái Bình Dương này cũng bị phá hoại nghiêm trọng. Người dân đảo này phải chỉ nhau trên mạng xã hội về những đường đi an toàn để mua thức ăn, nhiên liệu và thuốc men.
Trong buổi họp với các lãnh đạo chính trị và kinh tế của New Caledonia tại thủ phủ Noumea, ông Macron tuyên bố: "Trong những ngày, những giờ sắp tới, các chiến dịch quy mô lớn mới sẽ được lên kế hoạch tại những nơi cần thiết. Trật tự cộng hòa nguyên vẹn sẽ được tái thiết vì đây là lựa chọn duy nhất".
Trước đó, ông Macron đã thị sát một vòng quanh những khu vực bị tàn phá bằng trực thăng.
Tổng thống Pháp mô tả các cuộc bạo loạn là "cuộc nổi dậy chưa có tiền lệ, với mức độ bạo lực không ai có thể lường trước".
Ông Macron cũng tuyên bố nếu cần thiết thì lực lượng an ninh tăng viện, hiện đã lên đến 3.000 người, vẫn sẽ được bố trí tại New Caledonia trong giai đoạn tổ chức Thế vận hội mùa hè Olympics Paris.
Bên cạnh vấn đề an ninh, một trong những câu hỏi được quan tâm nhất vẫn là việc ông Macron sẽ nói gì về dự luật gây tranh cãi trên.
Trao đổi với một nhóm thanh niên bản địa, ông Macron không hề tỏ ra dấu hiệu nhượng bộ nào.
Ông nói thẳng thắn: "Dường như chúng ta là một quốc gia hài hước. Ở Pháp, người ngoại quốc (nếu là công dân Liên minh châu Âu - EU) được phép tham gia tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, những người Pháp ở đây (New Caledonia) trên 10 năm thì được bảo là 'bạn không có quyền đi bầu'".
Trong buổi họp với các lãnh đạo New Caledonia, Tổng thống Pháp khẳng định mục tiêu của chuyến đi và cuộc gặp này là để thuyết phục các bên liên quan quay lại bàn trao đổi.
Ông Macron nói: "Bình tĩnh không có nghĩa là quay ngược thời gian. Bình tĩnh không được phép đồng nghĩa với việc không tôn trọng một mong muốn chung đã được thông qua".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận