14/12/2024 10:57 GMT+7

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 6: Roh Tae Woo - gạch nối sang nền dân chủ Hàn Quốc

Ông Roh Tae Woo đã triển khai chính sách ngoại giao "hướng Bắc" ("Nordpolitik") đột phá, thiết lập quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và cải thiện đáng kể quan hệ liên Triều

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 6: Roh Tae Woo - gạch nối sang nền dân chủ Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Roh Tae Woo bắt tay Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev trước hội nghị thượng đỉnh tại Điện Kremlin, Matxcơva, trong bức ảnh tư liệu từ tháng 12-1990 - Ảnh: Korea Times

Từ một sĩ quan quân đội từng tham gia đảo chính năm 1979 đến vị tổng thống đầu tiên được bầu trực tiếp của Hàn Quốc, ông Roh Tae Woo (Lư Thái Ngư) là nhân vật đặc biệt gắn liền với một nghịch lý trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước này.

Gạch nối dân chủ ở Hàn Quốc

Dưới nhiệm kỳ của ông Roh Tae Woo (1988-1993), Hàn Quốc tổ chức thành công Olympic Seoul, triển khai chính sách ngoại giao "hướng Bắc" ("Nordpolitik") đột phá, thiết lập quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và cải thiện đáng kể quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, di sản ông lại bị hoen ố bởi vụ bê bối tham nhũng nghiêm trọng sau khi mãn nhiệm, dẫn đến bản án 17 năm tù giam. Cuộc đời chính trị của ông Roh là câu chuyện đầy mâu thuẫn về sự chuyển mình từ độc tài sang dân chủ của đất nước Hàn Quốc hiện đại.

Để hiểu hơn về vai trò của ông Roh trong lịch sử chính trị Hàn Quốc, cần đặt ông vào bối cảnh biến động của đất nước này nửa sau thế kỷ 20.

Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc rơi bất ổn chính trị kéo dài. Từ thập niên 1960, đất nước bị chi phối bởi các chế độ độc tài quân sự, điển hình là chế độ Park Chung Hee đã lãnh đạo đất nước qua cuộc đảo chính năm 1961.

Sau khi ông Park bị ám sát năm 1979, Hàn Quốc chứng kiến giai đoạn bất ổn nghiêm trọng, dẫn đến cuộc đảo chính khác tháng 12 cùng năm do tướng Chun Doo Hwan cầm đầu. Trong cuộc đó, ông Roh Tae Woo đóng vai trò quan trọng.

Theo tư liệu báo Korea Herald, ông Roh khi đó là chỉ huy sư đoàn bộ binh số 9 đã hỗ trợ ông Chun nắm quyền kiểm soát quân đội và chính phủ, dẫn đến áp đặt thiết quân luật toàn quốc và đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ Gwangju tháng 5-1980 khiến hơn 200 người biểu tình thiệt mạng. Vết nhơ lịch sử mà cả ông Roh lẫn ông Chun đều không thể rũ bỏ.

Khi ông Chun Doo Hwan thành tổng thống năm 1980, mở giai đoạn cai trị độc tài mới, ông Roh được giao nhiều vị trí trọng yếu như bộ trưởng Nội vụ, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Seoul 1988 và lãnh đạo Đảng Công lý dân chủ (DJP) cầm quyền. Tuy nhiên các phong trào dân chủ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ suốt nhiệm kỳ của ông Chun, đỉnh điểm là các cuộc biểu tình lớn toàn quốc tháng 6-1987 (Phong trào tháng 6 hay Cách mạng tháng 6).

Phong trào này đã buộc ông Chun và ông Roh phải nhượng bộ. Theo tờ Korea JoongAng Daily, ngày 29-6-1987 ông Roh công bố chấp nhận sửa đổi hiến pháp để tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp, đánh dấu sự kết thúc chế độ độc tài quân sự kéo dài hàng thập niên và mở ra kỷ nguyên mới của nền dân chủ Hàn Quốc, mở đường cho việc thông qua hiến pháp mới vào tháng 10 cùng năm.

Tuy nhiên không phải tất cả đều ca ngợi động thái này của ông Roh. Một số ý kiến cho rằng đây là bước đi chiến lược nhằm duy trì quyền lực của Đảng DJP trong bối cảnh áp lực chính trị gia tăng. Thực tế cuộc bầu cử tổng thống năm 1987 chứng kiến sự chia rẽ trong phe đối lập, khi hai ứng viên Kim Young Sam và Kim Dae Jung cùng tranh cử, dẫn đến chiến thắng của ông Roh chỉ với 36,6% phiếu bầu - tỉ lệ thấp nhất trong lịch sử bầu cử trực tiếp ở Hàn Quốc, theo báo Korea Herald.

Sau khi nhậm chức năm 1988, ông Roh cam kết xây dựng "kỷ nguyên của người bình thường" - khẩu hiệu nhằm làm dịu hình ảnh của ông như một cựu tướng quân đội và là người kế nhiệm lãnh đạo độc tài Chun Doo Hwan.

Ông Roh cũng thực hiện một số cải cách quan trọng, gồm chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại Quốc hội khi Đảng DJP không đạt được đa số ghế sau cuộc bầu cử năm 1988. Theo Korea JoongAng Daily, ông Roh chấp nhận sự lãnh đạo của các đảng đối lập trong quốc hội, điều chưa từng có dưới thời các chính quyền quân sự trước đó.

Ông Roh Tae Woo được nhìn nhận như nhân tố chuyển tiếp, giúp Hàn Quốc bước qua giai đoạn hỗn loạn chính trị để tiến gần hơn đến dân chủ hóa, nhưng cũng là người không vượt qua được bóng đen lịch sử độc tài. Từ góc nhìn này, như nhận định của tờ Korea Herald, ông là "nhân chứng của dân chủ hóa, nhưng cũng là kẻ đồng lõa chế độ độc tài".

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 6: Roh Tae Woo - gạch nối sang nền dân chủ Hàn Quốc - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Roh Tae Woo và Chun Doo Hwan (bìa phải) nắm tay nhau trong phiên tòa ngày 26-8-1996 xét xử về vai trò của họ trong cuộc đảo chính quân sự năm 1979 và cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1980 tại Gwangju - Ảnh: Korea Times

Đột phá ngoại giao

Một trong những di sản lớn nhất của ông Roh Tae Woo là chính sách ngoại giao "hướng Bắc" để mở rộng quan hệ ngoại giao của Hàn Quốc với các nước xã hội chủ nghĩa, và tái định hình vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Được lấy cảm hứng từ chính sách ngoại giao hướng Đông ("Ostpolitik") của Đức, Nordpolitik đã mang lại những thành tựu đột phá trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh khi Hàn Quốc lần đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô năm 1990 và Trung Quốc năm 1992. Theo tờ Korea JoongAng Daily, nhờ chiến lược này Hàn Quốc không chỉ vượt qua những cản trở ngoại giao với các nước cộng sản mà còn thúc đẩy quan hệ kinh tế và chính trị sâu rộng.

Chính sách này dẫn đến sự công nhận quốc tế rộng rãi hơn cho Hàn Quốc. Năm 1991 dưới thời ông Roh, cả hai miền Triều Tiên đồng gia nhập Liên Hiệp Quốc, bước tiến quan trọng trong lịch sử hiện đại của bán đảo. Theo báo Korea Herald, việc ký kết Hiệp định về hòa giải, không xâm lược, trao đổi và hợp tác cùng năm đã đặt nền móng cho các nỗ lực hòa giải và hợp tác giữa hai miền, gồm cả cam kết không xâm lược và thúc đẩy trao đổi kinh tế, văn hóa.

Các thành tựu này không chỉ nhờ tầm nhìn chiến lược của ông Roh mà còn bởi sự biến động của bối cảnh quốc tế lúc đó. Sự tan rã của Liên Xô và cải cách mở cửa ở Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi để Hàn Quốc tận dụng thời cơ. Theo lời cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Donald Gregg, được trích dẫn trên tờ Korea JoongAng Daily, chính sách đối ngoại của ông Roh được thực hiện một cách "tỉ mỉ và bài bản".

Ngoài ra, cột mốc đáng nhớ của ông Roh là việc tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè Seoul 1988 - sự kiện thể thao quốc tế quan trọng và biểu tượng cho sự chuyển mình của Hàn Quốc từ quốc gia đang phát triển thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Thế vận hội đã nâng cao hình ảnh Hàn Quốc trên toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế đất nước như cường quốc mới nổi tại châu Á.

Di sản đầy tranh cãi

Dù đạt được những thành tựu đáng chú ý trong chính sách đối ngoại và quá trình dân chủ hóa, di sản của ông Roh Tae Woo vẫn bị bao phủ bởi nhiều tranh cãi. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông đối mặt với những chỉ trích gay gắt về vai trò trong các sự kiện quân sự và bê bối tham nhũng.

Như đã nói, ông Roh từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính quân sự tháng 12-1979 giúp tướng Chun Doo Hwan lên nắm quyền và kéo dài chế độ độc tài quân sự suốt một thập niên, dẫn đến việc đàn áp đẫm máu các phong trào dân chủ, đặc biệt là vụ Gwangju năm 1980.

Theo Britannica, cả ông Chun và ông Roh đều bị coi là những nhân vật chính trong lệnh đàn áp ở Gwangju nhưng ông Roh chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm. Lời xin lỗi duy nhất liên quan đến sự kiện này được đưa ra thông qua con trai ông là Roh Jae Heon năm 2019 khi viếng thăm nghĩa trang Gwangju, theo Korea Times.

Bên cạnh vai trò trong các sự kiện quân sự, ông Roh còn bị chỉ trích nặng nề vì các bê bối tham nhũng trong thời gian giữ chức tổng thống. Theo Korea Times, ông đã nhận hối lộ từ ít nhất 35 doanh nhân lớn, bao gồm lãnh đạo các tập đoàn Samsung và Daewoo, với số tiền đến 350 tỉ won (300 triệu USD).

Sau khi rời nhiệm sở, ông bị kết án 17 năm tù vào năm 1996 và bị phạt khoảng 260 tỉ won. Nhưng tới năm 1997 ông được Tổng thống Kim Young Sam và Tổng thống đắc cử Kim Dae Jung ân xá. Mặc dù khoản phạt khổng lồ này đã được thanh toán đầy đủ vào năm 2013, vụ việc vẫn để lại vết nhơ lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Roh.

Là nhân vật gây tranh cãi, ông Roh Tae Woo để lại di sản sâu sắc về cả mặt tích cực và tiêu cực, từ vai trò trong dân chủ hóa, chính sách ngoại giao đến bê bối tham nhũng và sự liên kết với chế độ độc tài. Việc đánh giá công bằng về ông đòi hỏi sự thừa nhận cả những đóng góp và sai lầm lớn của ông trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của Hàn Quốc.

Nhìn lại di sản của ông Roh Tae Woo phản ánh sự phức tạp của giai đoạn giao thời. Tờ Korea JoongAng Daily nhận định ông là một nhân vật "không xuất chúng nhưng có sự linh hoạt đáng kinh ngạc trong các quyết định mang tính chiến lược".

----------------------

Kỳ tới: Roh Moo Hyun - tổng thống của dân thường

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 6: Roh Tae Woo - gạch nối sang nền dân chủ Hàn Quốc - Ảnh 5.Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 2: Yun Bo Seon - tổng thống chưa được nửa nhiệm kỳ

Cuộc đời chính trị của ông Yun Bo Seon (Doãn Phổ Thiện), tổng thống thứ hai của Hàn Quốc (nhậm chức từ năm 1960 đến 1962) được đánh dấu bằng những biến động chưa từng có.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên