Theo các tài liệu tòa án của Nam Phi được công bố hôm 18-7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết: "Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của nước này sẽ là lời tuyên chiến".
Nhà lãnh đạo Nam Phi đồng thời tiết lộ ông đã đề nghị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cho phép nước này không bắt giữ ông Putin.
Theo báo New York Times, việc ông Ramaphosa bày tỏ lo ngại về chiến tranh với Nga như trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Nam Phi đang tìm mọi cách có thể để tránh việc bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức ở thành phố Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22 tới 24-8.
Hiện nay việc ông Putin có bị bắt hay không nếu đến Nam Phi dự hội nghị BRICS đang nhận được nhiều sự quan tâm, do trước đó ICC đã ra lệnh bắt ông. Nam Phi đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan do nước này bị ràng buộc bởi Quy chế Rome về ICC vì Nam Phi là một bên ký kết.
Vụ việc đã được đẩy tới tòa án Nam Phi, nơi Liên minh Dân chủ (DA) - đảng đối lập chính - kiện tụng và tìm cách buộc Chính phủ Nam Phi bắt cũng như giao nộp ông Putin cho ICC nếu nhà lãnh đạo Nga bước chân vào lãnh thổ Nam Phi.
Phản ứng pháp lý của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa được trình lên hôm 27-6 và được công bố ngày 18-7. Theo đó, ông Ramaphosa mô tả những đòi hỏi của DA là "vô trách nhiệm" và cho rằng an ninh quốc gia đang bị đe dọa.
Theo ông Ramaphosa, Nam Phi đang muốn nhận được sự miễn trừ của ICC, với lý do việc bắt giữ ông Putin có thể đe dọa "an ninh, hòa bình và trật tự của quốc gia".
"Việc mạo hiểm dính vào một cuộc chiến với Nga là điều mâu thuẫn với hiến pháp Nam Phi" - Tổng thống Ramaphosa nói, đồng thời cho biết điều này sẽ đi ngược lại nghĩa vụ bảo vệ đất nước của ông.
Ngoài ra, ông Ramaphosa giải thích việc bắt giữ ông Putin cũng sẽ làm suy yếu sứ mệnh do Nam Phi lãnh đạo nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine và "ngăn chặn bất kỳ giải pháp hòa bình nào".
Nga không công nhận ICC
Tổng thống Putin chưa xác nhận sẽ đến Nam Phi dự hội nghị BRICS hay không. Ngày 17-3 năm nay, ICC phát lệnh bắt ông Putin và ủy viên về quyền trẻ em Liên bang Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc "có thể liên quan tội ác chiến tranh" khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ICC là "con rối của phương Tây", đồng thời tuyên bố khó có thể tưởng tượng được bất kỳ quốc gia nào dám thực thi lệnh bắt của ICC đối với ông Putin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận