Với truyền thông quốc tế, Ebrahim Raisi là tên của người gắn liền với những phát ngôn đối đầu Mỹ và đồng minh cùng các chính sách bị cáo buộc hạn chế quyền tự do của người dân.
Với người Iran, thái độ với đương kim tổng thống Iran giống như đồ thị hình sin: lúc lên lúc xuống, ứng với từng giai đoạn trong cuộc đời ông.
Nhà lãnh đạo có tư tưởng bảo thủ
Sinh năm 1960 trong một gia đình theo đạo ở thành phố Mashhad, thánh địa của người Hồi giáo Shiite ở Iran, cậu bé Raisi mất cha khi vừa lên năm 5 tuổi. Có lẽ truyền thống gia đình và tư cách đầy tự hào là một hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed đã đưa ông Raisi trở thành một giáo sĩ sau đó.
Ở tuổi 19, ông Raisi - khi đó đang theo học giáo lý tại thành phố linh thiêng Qom - đã nghe theo lý tưởng của giáo sĩ Ruhollah Khomeini. Ông tham gia các cuộc biểu tình chống lại vị shah Iran được phương Tây hậu thuẫn trong cuộc cách mạng năm 1979. Chính sự kiện lịch sử này đã đưa cuộc đời của chàng thanh niên Raisi sang một ngã rẽ mới.
Sau cuộc cách mạng, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran non trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức trước mắt, từ những người trung thành với vị shah lưu vong đến nhóm bất đồng chính kiến cánh tả thế tục và cuộc chiến toàn diện với nước láng giềng Iraq.
Vị tổng thống Iran tương lai đã cống hiến sức trẻ ngay từ đầu để bảo vệ chế độ, chống lại những bất ổn trong nước. 20 tuổi, ông được bổ nhiệm làm tổng công tố viên tại thành phố Karaj, cách thủ đô Tehran khoảng 20km.
Những mối liên hệ với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Qom đã giúp ông Raisi trở thành một nhân vật đáng tin cậy trong ngành tư pháp. Càng về sau, ông càng cho thấy mình là một chiến binh trung thành với chế độ và cứng rắn với những điều mà ông cho là mối đe dọa sự ổn định của đất nước.
Năm 1988, khi cuộc chiến với Iraq sắp đến hồi kết, lãnh tụ tối cao Iran ra lệnh hành quyết hàng ngàn tù nhân chính trị bị cáo buộc hợp tác với Iraq. Năm đó, khi 28 tuổi, ông Raisi được chỉ định tham gia một ủy ban có nhiệm vụ xác định mức độ trung thành của hàng trăm tù nhân tại Tehran.
Tổ chức Ân xá quốc tế gọi đó là những "ủy ban tử hình", được thành lập trên khắp Iran bao gồm các thẩm phán tôn giáo, công tố viên và quan chức tình báo để quyết định số phận của hàng ngàn người trong các phiên tòa chỉ kéo dài vài phút. Ít nhất 5.000 người được cho là đã chết vì phán quyết của các ủy ban như vậy.
Hay vào năm 2009, khi "Phong trào Xanh" nổ ra để phản đối tổng thống dân túy Mahmoud Ahmadinejad giành được nhiệm kỳ thứ hai, ông Raisi tỏ ra không khoan nhượng.
"Đối với những người nói về lòng trắc ẩn và sự tha thứ của người Hồi giáo, tôi đáp lại thế này: Chúng tôi sẽ tiếp tục đối đầu với những kẻ bạo loạn đến cùng và sẽ nhổ tận gốc cuộc nổi loạn này", vị phó chánh án thứ nhất của Iran nhấn mạnh.
Đến tận ngày nay, sự có mặt của ông Raisi trong ủy ban tại Tehran năm 1988 vẫn khiến ông đối mặt nhiều hoài nghi. Khi được hỏi vào năm 2018 và một lần nữa vào năm 2020 về các vụ hành quyết, ông Raisi phủ nhận vai trò của mình và ca ngợi mệnh lệnh của cố lãnh tụ Ruhollah Khomeini.
Năm 2021, khi đắc cử tổng thống Iran sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi, lúc được hỏi về những cáo buộc có liên quan đến các bản án tử hình năm 1988, ông Raisi đã trả lời một cách an toàn: "Nếu một thẩm phán, một công tố viên bảo vệ an toàn của người dân, anh ta nên được khen ngợi. Tôi tự hào đã bảo vệ quyền con người ở mọi vị trí mà tôi đã nắm giữ cho đến nay".
Tuy nhiên, trước đó 2 năm, vào năm 2019, Mỹ đã đưa ông Raisi vào danh sách đen trừng phạt vì vi phạm nhân quyền - một cáo buộc Iran kiên quyết bác bỏ.
Người bảo vệ di sản của lãnh đạo tối cao
Có thể nói sự nghiệp chính trị của đương kim tổng thống Iran gắn liền với lãnh đạo tối cao hiện nay của nước này là ông Ali Khamenei - người cũng từng là tổng thống từ năm 1981 đến 1989 và cũng có một chiếc khăn xếp màu đen.
Sau khi ông Khamenei trở thành người đứng đầu Iran, ông Raisi bắt đầu được cất nhắc vào các vị trí cao trong ngành tư pháp. Ông cũng được chỉ định tham gia một hội đồng gồm hơn 80 thành viên có trọng trách bầu lãnh đạo tối cao từ năm 2007 và trở thành phó chủ tịch năm 2019.
Vào năm 2016, lãnh tụ Khamenei bổ nhiệm ông Raisi làm người giám hộ đền thờ Ali al-Rida ở Mashhad, đặt vào tay ông quyền kiểm soát hàng tỉ USD tài sản của đất nước. Nhiều nhà quan sát coi việc này nhằm tạo cơ hội để nâng cao ảnh hưởng của vị tổng thống Iran tương lai với giới thượng lưu của đất nước.
"Raisi là người mà ông Khamenei tin tưởng. Ông ấy chính là người có thể bảo vệ di sản của nhà lãnh đạo tối cao", nhà nghiên cứu Sanam Vakil, phó giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House (Anh), nhận xét.
Còn nói như giáo sư Mahjoob Zweiri tại Đại học Qatar, những ưu ái của ông Khamenei giống như việc dọn đường giúp đương kim tổng thống Iran chạy đà và trở thành nhân vật số 1 tiếp theo của Iran.
Người nước ngoài còn nhìn thấy điều đó thì người trong nước càng hiểu rõ hơn cục diện. Nhà phân tích Ali Akbar Dareini của Iran nhận định chính sự trung thành cao của Tổng thống Iran Raisi với hệ thống cầm quyền, sự tin tưởng của lãnh đạo tối cao đã tạo nền tảng vững chắc cho ông Raisi trong chính trường.
"Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, chính phủ nắm quyền không có sự khác biệt nghiêm trọng với các nhánh quyền lực khác ở Iran và điều đó đã cho phép Tehran đưa ra những quyết định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế", ông Dareini nói với đài Al Jazeera.
Thật vậy, ông Raisi chia sẻ với lãnh tụ Khamenei sự nghi ngờ sâu sắc phương Tây. Ông cũng ủng hộ nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp của ông Khamenei và chiến lược hỗ trợ các lực lượng ủy quyền trên khắp Trung Đông.
Khi một cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết các sĩ quan cấp cao của Iran tại Đại sứ quán Iran ở Damascus vào tháng 4-2024, Tehran đã đáp trả bằng một cuộc oanh tạc trực tiếp chưa từng có vào lãnh thổ Israel. Cảnh báo sau đó, Tổng thống Iran nhấn mạnh bất kỳ hành động trả đũa nào của Israel nhằm vào lãnh thổ Iran đều có thể dẫn đến việc "chế độ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái" bị xóa sổ.
Những xúc cảm trái chiều trong nước
Vào năm 2017, khi ra tranh cử chống lại tổng thống đương nhiệm khi đó là Hassan Rouhani, ông Raisi đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Rouhani đã đạt được với nhóm P5+1 để đổi lấy những nới lỏng về kinh tế và thương mại. Ông cáo buộc thỏa thuận này không đem lại lợi ích cho người dân mà chỉ tầng lớp giàu có của Iran.
Kết quả là ông Rouhani vẫn giành chiến thắng vang dội, phản ánh sự tán thành của cử tri đối với thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, 39% số phiếu bầu mà ông Raisi kiếm được trong bầu cử năm 2017 chứng minh những lời hùng biện của ông đã gây ấn tượng. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận 1 năm sau đó, kèm theo việc áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran đã khiến tiếng nói của ông Raisi được chú ý trở lại.
Sau khi được lãnh tụ Khamenei bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan tư pháp vào năm 2019, ông Raisi đã ngay lập tức theo đuổi các vụ án tham nhũng chống lại các quan chức chính phủ và các doanh nhân nổi tiếng. Những điều đó đã góp phần giúp ông đắc cử năm 2021.
Thế nhưng sau khi thể hiện mình là nhà đấu tranh chống tham nhũng và vì người nghèo, trên cương vị tổng thống, ông Raisi đã công bố các biện pháp thắt lưng buộc bụng khiến giá một số mặt hàng chủ lực tăng mạnh, gây phẫn nộ trong dân chúng.
Cái chết của một phụ nữ trẻ người Kurd gốc Iran, cô Mahsa Amini, vào tháng 9-2022 đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình suốt nhiều tháng trên khắp Iran, đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất với chế độ kể từ năm 1979. Cô chết sau khi bị giam giữ bởi cảnh sát đạo đức - những người cáo buộc cô vi phạm một luật quy định cách ăn mặc của người Hồi giáo do đương kim tổng thống Iran thúc đẩy.
Khi nhận được thông tin chiếc trực thăng chở ông Raisi gặp nạn ngày hôm qua 19-5, nhiều người Iran đã nghe theo lời lãnh đạo tối cao Khamenei và cầu nguyện. Nhưng cũng có nơi tại Iran, người ta đã bắn pháo hoa như thể đang ăn mừng dù số phận của ông Raisi vẫn chưa rõ lành dữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận