Tổng thống Widodo trên tàu chiến Imam Bonjol - Ảnh: AFP |
Jakarta Post ngày 24-6 đưa diễn tiến về chuyến thăm này. Việc Tổng thống Widodo ngày 23-6 đích thân ra khơi trên chiến tàu chiến Imam Bonjol để đến quần đảo Natuna được báo chí quốc tế và khu vực nhìn nhận như một thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc. Nhiều bộ trưởng các bộ ngoại giao, an ninh và ngư nghiệp, các vấn đề hàng hải tháp tùng ông Widodo.
“Bên cạnh việc phát triển kinh tế trong các lĩnh vực ngư nghiệp, dầu khí, tư lệnh quân đội Indonesia cũng truyền đạt các kế hoạch phát triển hạ tầng quốc phòng ở Natuna và các vùng biển xung quanh” - Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng du lịch Arief Yahya cũng tuyên bố sẽ bắt tay ngay vào kế hoạch biến Natuna thành điểm đến du lịch mới.
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc leo thang liên tục vài tháng qua do các vụ chạm trán giữa tàu hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại Natuna, vùng biển thuộc chủ quyền của Jakarta nhưng bị Bắc Kinh đưa vào đường chín đoạn phi pháp.
Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc cáo buộc phía Indonesia bắn tàu đánh cá trái phép của nước này làm bị thương một thủy thủ người Trung Quốc.
“Chúng tôi cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc không có nghĩa là Indonesia sẵn sàng bán biển. Cần làm rõ các đảo ở Natuna và vùng biển xung quanh thuộc về chúng tôi” - chuyên gia Evan Laksmana, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Jakarta, bình luận về thông điệp chuyến thăm của ông Widodo.
Theo ông Laksmana, dù Jakarta cố né tránh xung đột trên Biển Đông nhưng nước này có thể trở nên kiên định hơn nếu chủ quyền bị thách thức. Bên cạnh đó là áp lực từ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực The Hague vào tháng sau. “Áp lực quốc tế và trong nước đòi Indonesia phải đưa ra quan điểm” - ông cho biết.
Phản ứng trước chuyến thăm, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23-6 nhắc lại Bắc Kinh “không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia” và thừa nhận chủ quyền của Jakarta đối với quần đảo Natuna.
Nhưng nói về việc Bắc Kinh vơ vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia vào đường chín đoạn trên Biển Đông, bà Hoa Xuân Oánh lại mâu thuẫn cho rằng “hai nước có những tuyên bố chồng lấn về các quyền hàng hải và lợi ích trên một số vùng nước thuộc Biển Đông”.
Cụm từ “tuyên bố chồng lấn” cũng được sử dụng trong một tuyên bố khác của Trung Quốc hồi đầu tuần.
Giới phân tích lo ngại việc Trung Quốc không ngại khẳng định tranh chấp quyền hàng hải với Indonesia làm tăng căng thẳng trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận