Thông tin được nêu tại buổi giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM với Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị văn minh ngày 8-11.
Bà Bùi Thị Bích Tuyền, giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP, cho biết văn phòng là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND TP, thành lập năm 2015. Từ năm 2018 đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính.
Trước 1-6-2023 khi chưa được tăng mức phí, mức thu theo quy định các loại thủ tục hành chính thấp hoặc chưa có quy định thu, thu không đủ bù chi, dẫn đến thiếu kinh phí để chủ động trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động. Một phần cũng ảnh hưởng đến thu nhập của viên chức, người lao động.
Dù đơn vị đang từng bước chuyển đổi số theo kế hoạch như số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục điện tử… nhưng cơ sở dữ liệu đất đai được lưu trữ phân tán và chưa đầy đủ.
Hiện hệ thống vừa thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, vừa cập nhật làm sạch dữ liệu. Với các loại hồ sơ trước ngày 1-6-2023, tổng khối lượng hồ sơ cần số hóa tập trung có thể trải dài hơn 40km.
Không chỉ vậy, máy móc thiết bị, đa số đều được trang bị từ trước năm 2015, cấu hình yếu, đường truyền mạng thấp, không ổn định dẫn đến khai thác sử dụng dữ liệu gặp khó khăn.
Hay để giải quyết hồ sơ đất đai, một thửa đất ngoài chịu sự tác động của Luật Đất đai còn chịu tác động của các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp…
Hiện đơn vị đang xây dựng đề án thuê trang thiết bị phục vụ công tác trong 3 năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP, đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, giúp tỉ lệ hồ sơ trễ hạn từng năm được kéo giảm, nhưng thực tế số trễ hạn vẫn còn nhiều.
Một bất cập khác là thời gian giải quyết các thủ tục hành chính rút ngắn, khối lượng hồ sơ đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận tại TP lại rất lớn, trong khi số nhân sự tại đơn vị đã giảm so với thời điểm hợp nhất.
Thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra và xây dựng các giải pháp nâng cao trình độ, chuyên môn, tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số.
Kết luận buổi giám sát, ông Phạm Minh Tuấn - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - ghi nhận những nỗ lực cao của tập thể Văn phòng Đăng ký đất đai. Dù điều kiện khó khăn, nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho cán bộ viên chức thực hiện nhiệm vụ, nhưng đơn vị đã đạt chỉ tiêu hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính, đạt tỉ lệ 97% với nhiều giải pháp sáng tạo.
Ông Tuấn đề nghị thời gian tới, đơn vị cần phải tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền trong nhân dân các nội dung có liên quan đến việc thực hiện công khai, minh bạch thực hiện thủ tục hành chính đất đai. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra định kỳ để phòng ngừa xảy ra tiêu cực trong nội bộ.
Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM có 7 phòng chuyên môn, 22 chi nhánh. Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai TP trực thuộc Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường; còn 22 chi nhánh thì thuộc các quận, huyện ủy, Đảng ủy cơ quan chính quyền.
Mô hình này khiến công tác chỉ đạo điều hành chung vẫn chưa thống nhất giữa chính quyền, Đảng trong toàn hệ thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận