16/02/2025 08:55 GMT+7

Tổng lực để có điện hạt nhân sau 5 năm

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Một loạt cơ chế, chính sách đặc thù đã được Chính phủ trình Quốc hội để hiện thực hóa mục tiêu vận hành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2030 mà theo nhiều chuyên gia là điều chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Tổng lực để có điện hạt nhân sau 5 năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa sử dụng công nghệ AI - Thực hiện: Tấn Đạt

Vì thế để có thể đưa dự án hoàn thành trong 5 năm, cần có các cơ chế đặc thù đủ mạnh và táo bạo.

Nhiều thách thức về thời gian

Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 - 2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đề xuất một loạt cơ chế chính sách đặc thù cho dự án như việc triển khai song song các thủ tục, thỏa thuận đàm phán, phê duyệt đầu tư; lựa chọn nhà thầu theo hình thức chìa khóa trao tay, chỉ định thầu; huy động vốn từ nhiều nguồn không phải chịu rủi ro tín dụng...

Trong dự thảo Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến cũng đề xuất kịch bản về cơ cấu nguồn điện. 

Theo kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (công suất 2 tổ máy x 1.200MW) vận hành giai đoạn 2031 - 2035 và Ninh Thuận 2 (công suất 2 tổ máy, mỗi tổ 1.200MW) vận hành giai đoạn 2036 - 2040. Với kịch bản cao, cả 2 nhà máy này vận hành cùng giai đoạn 2031 - 2035.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia, thành viên hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng nếu nhìn vào thực tế kinh nghiệm thế giới về xây dựng điện hạt nhân, rất khó để có nhà máy được hoàn thành trong 5 năm. Bởi thời gian trung bình để thi công các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới mất khoảng 6 năm. 

Ngay cả đối với các nước làm chủ công nghệ, họ cũng thi công xây dựng từ 6 - 7 năm, chưa kể một số nước thi công dự án bị kéo dài thời gian do thủ tục, quản lý xây dựng chưa tốt và gây đội vốn lớn, thậm chí phải hủy dự án.

"Trung Quốc với khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa lên tới trên 70% các thành phần của điện hạt nhân, một số dự án gần đây đã hoàn thành xây dựng trong vòng 5 - 6 năm. 

Riêng nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng thế hệ thứ 4, làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTGR) đầu tiên trên thế giới đặt tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động thương mại tháng 12-2021 sau 9 năm xây dựng, có tỉ lệ nội địa hóa đạt hơn 90%. 

Theo tôi, với những nước nhập khẩu công nghệ và nhất là việc xây dựng dự án điện hạt nhân đầu tiên như nước ta, sẽ rất khó rút ngắn thời gian xây dựng trong vòng 5 năm", ông Hoạch nhận định.

Cùng nỗi lo về vốn, kiểm soát thực hiện

Nhìn nhận mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2030, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra tờ trình đề xuất của Chính phủ cũng cho rằng cần "nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp" để đảm bảo mục tiêu vận hành. 

Ông Lê Quang Huy, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường, lưu ý việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chìa khóa trao tay cần được quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án nhằm tránh nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với cơ chế chính sách đặc thù để mong muốn dự án được đẩy nhanh tiến độ. 

Đặc biệt với Ninh Thuận là nơi triển khai dự án, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương dù đồng tình khởi động dự án và các cơ chế đặc thù, song vẫn bày tỏ e ngại, lo lắng về cơ chế chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời, bồi thường, hỗ trợ thực hiện công tác tái định cư cho người dân vùng dự án. 

Cùng với đó là công tác xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết việc hoàn thiện cơ chế chính sách từ nay đến tháng 5-2025 là vô cùng cần thiết. 

Vì vậy, trên cơ sở Việt Nam đã có một quá trình chuẩn bị khá dài, tạo nền tảng vững chắc cho tiến độ thi công, nên việc có các cơ chế đặc thù vừa giúp tranh thủ thời gian, vừa hỗ trợ quá trình đàm phán với các đối tác quốc tế, lựa chọn công nghệ, xây dựng các báo cáo để trình Quốc hội.

Cũng với quan điểm làm nhanh thì phải có biện pháp tăng tốc, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) đồng tình với 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được báo cáo trước Quốc hội, tăng thêm thẩm quyền để Chính phủ triển khai dự án. 

Tuy nhiên quyền hạn phải đi cùng nghĩa vụ, trách nhiệm kiểm soát, tránh lãng phí thất thoát xảy ra. Đồng thời cần phải nội lực hóa các sản phẩm để thực hiện các chủ trương về phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Ông cũng băn khoăn về huy động nguồn vốn trong thời gian ngắn không phải là dễ, vì phụ thuộc vào độ mở của cơ chế chính sách và thực tế giải ngân vốn cho các dự án đang chậm. 

Vì vậy đại biểu Hồi cho rằng cần có cơ chế mở để huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, cùng sự quyết liệt của các bộ ngành liên quan để tranh thủ các nguồn lực và tự chủ về công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ dự án.

Tổng lực để có điện hạt nhân sau 5 năm - Ảnh 2.

Khu quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: AN ANH

Phải được thực hiện tổng lực, đồng bộ

Với những thông tin và dẫn chứng nêu trên, ông Hoạch cho rằng quá trình triển khai, thi công, xây dựng dự án cần phải được thực hiện tổng lực, đồng bộ. Trong đó cần có cơ chế đặc thù, tận dụng mọi nguồn lực, nhân lực của đất nước, các bộ ngành liên quan và tỉnh Ninh Thuận mới hy vọng sẽ xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tiến độ nhanh nhất có thể.

Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, cho rằng cần thiết có các cơ chế đặc thù để thúc đẩy quá trình chuẩn bị, khởi công dự án. Đặc biệt khi có các cơ chế đặc thù tốt, như một số cơ chế được Chính phủ đề xuất, sẽ giúp việc chuẩn bị đầu tư dự án không bị kéo dài.

Dự án cũng không bị ảnh hưởng bởi quy trình làm thủ tục về đầu tư xây dựng, chỉ định thầu thay vì đấu thầu, các báo cáo thẩm định chuyên ngành, thẩm định đầu tư, chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng... để từ đó chuẩn bị tốt mặt bằng, nguồn vốn, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư sớm triển khai, khởi công dự án.

Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng điện hạt nhân là dự án mang tính đặc thù, có yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí riêng theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy việc lựa chọn công nghệ cần phải hiện đại, an toàn và được kiểm chứng theo tiêu chí của Quốc hội. 

Quá trình khởi công và thi công dự án đều phải tuân thủ theo quy chuẩn chung, khi mỗi lần chuyển giai đoạn thi công đều phải có cơ quan giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Cơ quan này cũng giám sát nhà thầu, chủ đầu tư thi công, xây dựng và cả quá trình vận hành sau này. Việc giám sát này đảm bảo tính nghiêm ngặt, tránh để xảy ra mất an toàn cho mỗi dự án với mỗi nước và các nước xung quanh. Vì thế, ông Kỳ cho rằng nên tham khảo thời gian thi công tổ máy điện hạt nhân trên thế giới có quy mô tương đương.

Tiến độ triển khai dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, nên quá trình triển khai cần phối hợp, đàm phán với nhà thầu, các cơ quan quốc tế đẩy nhanh và rút ngắn tiến độ hơn nữa khi có các điều kiện đảm bảo.

Tổng lực để có điện hạt nhân sau 5 năm - Ảnh 3.

Lo chậm từ giải phóng mặt bằng

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, việc giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân được Chính phủ giao Ninh Thuận thực hiện, phải hoàn thành trong năm 2025. Thời gian thực tế để địa phương thực hiện công việc này còn khoảng 10 tháng.

Vì vậy cần sớm bổ sung cơ chế, chính sách về vấn đề này để quyết tâm khởi động lại dự án, khai thác tốt lợi thế của địa phương.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cũng băn khoăn về công tác giải phóng mặt bằng dự án có khối lượng rất lớn, khoảng 1.600ha với hơn 1.000 hộ dân và 5.000 nhân khẩu phải di dời, nên đặt ra thách thức lớn về tiến độ thực hiện, yêu cầu Chính phủ cần đưa ra chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao với hai kịch bản:

* Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở.

* Tăng trưởng 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế.

EVN, Petrovietnam cũng cần được hỗ trợ

Tổng lực để có điện hạt nhân sau 5 năm - Ảnh 4.

Khu quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) - Ảnh: AN ANH

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương giao dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) triển khai.

TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng việc Thủ tướng giao cho hai tập đoàn năng lượng cùng tham gia triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, thay vì chỉ EVN làm chủ đầu tư như trước đây (giai đoạn 2009 - 2015) là hợp lý trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu khẩn trương đưa nhà máy đầu tiên vào vận hành vào cuối năm 2030. Điều này sẽ giảm áp lực về vấn đề huy động vốn cho EVN nếu chỉ để EVN làm chủ đầu tư toàn bộ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Ông Hoạch cho rằng khi PVN tiếp quản làm chủ đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ gặp một số khó khăn khi tập đoàn này phải tiếp nhận dự án trong khi EVN đã am hiểu mọi nội dung công việc từ khảo sát địa điểm xây dựng cho đến việc lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi.

Vì vậy để đáp ứng tiến độ đưa hai nhà máy vào vận hành là thách thức rất lớn đối với EVN và PVN. Trong đó hai tập đoàn cần bắt tay ngay vào việc cập nhật tất cả các thông tin để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, rà soát các nội dung cần điều chỉnh và bổ sung mới, tính toán tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn.

Ngoài ra xây dựng xong nhà máy cần phải có đội ngũ nhân lực đủ trình độ để tiếp quản, vận hành nhà máy. Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia về công nghệ và an toàn hạt nhân có đủ năng lực dự báo/phòng ngừa, xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn đòi hỏi thời gian dài. 

Trước đây chúng ta đã gửi hàng trăm sinh viên sang Nga, Nhật Bản, Pháp... để học tập và nghiên cứu về lĩnh vực hạt nhân. Vì vậy cần đánh giá lại nhân lực có thể phục vụ công tác vận hành các nhà máy, gắn với đào tạo mới sinh viên ngành hạt nhân; xây dựng các nhóm nghiên cứu liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân phục vụ cho thẩm định, xây dựng và vận hành nhà máy sau này.

Ở góc độ công nghệ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh rằng việc triển khai dự án điện hạt nhân đòi hỏi công nghệ rất cao. Vì thế, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khai thác, vận hành các nhà máy này trong tương lai là một thách thức lớn. Vì thế ông kiến nghị việc lựa chọn đối tác và công nghệ cho dự án này rất quan trọng.

"Cần trao quyền đầy đủ cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong việc đàm phán, thương thảo với các đối tác quốc tế. Hai doanh nghiệp dự kiến được giao làm chủ đầu tư là EVN và Petrovietnam cũng cần được trao thẩm quyền đầy đủ để có thể thương lượng về các vấn đề như kỹ thuật, công nghệ, chi phí và chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế", ông Thường nói.

Đại biểu Vũ Hải Quân, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng băn khoăn đến năm 2030 xây dựng xong nhà máy mà nguồn nhân lực chưa bắt đầu chuẩn bị từ hiện nay sẽ rất khó để vận hành. 

Ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo đội ngũ kỹ sư để tiếp quản, tiếp nhận, vận hành trơn tru nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời nên ghi rõ, giao cụ thể việc đào tạo này cho các trường đại học trọng điểm trong đó có hai đại học quốc gia với yêu cầu cụ thể, rõ trách nhiệm để thực hiện.

Theo ông Quân, kinh nghiệm từ metro của TP.HCM cho thấy khi vận hành cũng có trục trặc nhất định, dù nhỏ thôi nhưng phần lớn do đội ngũ vận hành chưa quen với công việc. Vì thế nếu được Đảng, Quốc hội giao thì Đại học Quốc gia TP.HCM sẵn sàng thực hiện và vừa qua trường đã mở hai chuyên ngành mới là điện hạt nhân và vật lý hạt nhân.

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), đối với vấn đề xử lý chất thải, hiện nhiều quốc gia phát triển loại nguồn điện này vẫn sử dụng phương án chôn lấp chất thải hạt nhân. Tuy nhiên chất thải tồn tại dưới dạng phóng xạ trong 30 năm, thậm chí hàng trăm năm. 

Nhiều giải pháp xử lý được các nhà khoa học thế giới đưa ra nhưng chưa đem lại sự an toàn tuyệt đối. Việc này tạo áp lực không nhỏ cho các quốc gia sử dụng loại năng lượng này. 

"Chúng tôi đồng ý cơ chế đặc thù để thực hiện dự án điện hạt nhân, nhưng Chính phủ cần có phương án về xử lý chất thải, đảm bảo an toàn môi trường", ông Nghĩa nói.

Tránh thiệt thòi về công nghệ

Đại biểu Vũ Hải Quân cũng lưu ý về việc khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân nên khảo sát kỹ về công nghệ để tránh thiệt thòi. Bởi nhiều khi quyết định đầu tư nhà máy điện hạt nhân ở thời điểm này chi phí như vậy nhưng vài tháng sau hoặc thời gian ngắn sau lại ra công nghệ mới, chi phí thấp hơn, dễ vận hành, an toàn hơn.

Vì vậy nên có khảo sát đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ, nghiên cứu tiếp cận các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới xem họ đang tiến hành bước đi thế nào để có quyết định phù hợp.

Tổng lực để có điện hạt nhân sau 5 năm - Ảnh 5.Cơ quan thẩm tra của Quốc hội: Cần thêm giải pháp để điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành vào năm 2030

Sáng 14-2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên