27/04/2013 10:35 GMT+7

"Tổng hành dinh" bất khả xâm phạm

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Chỉ thị cho cấp dưới được quyền sử dụng các biện pháp sau đây với trại Davis mà không cần xin ý kiến của bộ tổng tham mưu, chỉ cần phát hiện có tiếng súng từ trại Davis bắn sang sân bay: 1/ Bắn pháo và cối vào trại Davis. 2/Cho xe tăng và bộ binh tấn công. 3/ Ném bom. 4/ Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi về phía thành phố”.

Kỳ 1: Đường đến Davis

sIL9hHWF.jpgPhóng to
Đoàn công tác của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN hành quân về trại Davis năm 1973 - Ảnh tư liệu

Đó là một tài liệu đặc biệt mà đại tá Nguyễn Văn Bổ, phụ trách bảo vệ đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH), tìm thấy trên bàn làm việc của đại tướng Sài Gòn Cao Văn Viên. Tờ lệnh này về sau cũng được chính thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, nguyên trưởng đoàn đại biểu quân sự VNDCCH, xác thực trong một bài viết kỷ niệm về trại Davis.

Cuối cùng điều này đã không xảy ra. Nhưng ngay từ những ngày đầu của trại Davis đã nổ ra những cuộc đụng độ đặc biệt.

Ngồi hai ngày trên máy bay

Ngoài mặt trận phản gián, đoàn đại biểu trong trại Davis còn trù liệu những chuyện khác. Điện dù có hay bị cắt, những người lính đi ra từ rừng cũng không ngán ngại. Nhưng nước là thứ không thể thiếu được và rất nguy hiểm nếu chỉ trông chờ vào nguồn nước máy Sài Gòn. Một cái giếng đã được đào ngay trong trại, cho chất lượng nước rất tốt. Lương thực ngoài mua từ nhà thầu Sài Gòn, còn chở vào từ miền Bắc theo các chuyến bay C130 mỗi tuần. Những khoảng trống trong trại cũng được tăng gia rau xanh và cây ăn trái để đảm bảo sức khỏe. Trước mỗi bữa ăn đều có bác sĩ kiểm tra độc tính thực phẩm, an toàn mới sử dụng. Tất cả đều đã được dự phòng...

40 năm đã trôi qua nhưng đại tá Nguyễn Văn Lâm, sĩ quan liên lạc của đoàn VNDCCH, vẫn không quên sự kiện đầu tiên khi vừa từ Hà Nội đặt chân xuống Tân Sơn Nhất cuối tháng 1-1973. Chuyến bay C130 do chính phi công Mỹ lái chở đoàn đại biểu quân sự Hà Nội từ sân bay Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất khá êm ả. Tuy nhiên, ngay khi vừa đến sân bay Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu tất cả thành viên đoàn Hà Nội phải làm thủ tục nhập cảnh theo đúng quy thức của Việt Nam cộng hòa. Lập tức thiếu tướng Lê Quang Hòa, trưởng đoàn Hà Nội, bác bỏ ngay tức khắc. Đại tá Nguyễn Văn Lâm được cử ra tuyên bố không đồng ý với yêu cầu của Sài Gòn. Hai bên giằng co, không phía nào chịu nhượng bộ. Đoàn Hà Nội kiên quyết ngồi trên chiếc C130 suốt từ ngày 28 sang ngày 29-1 để phản đối. Cuối cùng, chính phía Mỹ sốt ruột, ép đồng minh Sài Gòn phải nhượng bộ, để đưa đoàn Hà Nội vào trại Davis.

Sau đó, một chuyện thử thách nữa lại xảy ra với các nhà quân sự Hà Nội đi làm nhiệm vụ ngoại giao. Đoàn xe, do Mỹ và chính quyền Sài Gòn bố trí, ban đầu định cắm cờ Việt Nam cộng hòa. Bị phản đối, lại chuyển sang cắm cờ trắng. Chính quyền Sài Gòn lấy lý do màu trắng là trung gian, không phải cờ bên nào.Tướng Lê Quang Hòa phản ứng quyết liệt. Ông chỉ thị cho cấp dưới tuyên bố với Sài Gòn đây là đoàn đi thực thi Hiệp định Paris, không phải đầu hàng. Và cuối cùng việc này phải hủy bỏ.

Tiếp đó là chuyện nơi ở của đoàn: trại Davis. Nhắc lại nơi này, đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên trợ lý của tướng Trần Văn Trà, trầm ngâm: “Chúng tôi yêu cầu phải chuyển các đoàn đại biểu về trụ sở trong nội thành, nhưng phía Sài Gòn không chịu. Họ nói không có điều kiện đáp ứng và chỉ có ở đây mới bảo đảm an toàn”. Trước đó trại Davis là nơi ở của một đơn vị viễn thám Mỹ. Tuy được xây dựng tạm theo tiêu chuẩn lính thường, nhưng cơ sở vật chất cũng tạm đủ với khu nhà ở, làm việc, nhà ăn, sân thể thao, tháp nước... trên diện tích khoảng 33.000m2. Trại có khoảng 45 căn nhà để ở rộng 5m, dài 15m, mái lợp tôn ximăng, được thiết kế theo kiểu nhà sàn gỗ cách đất khoảng nửa mét. Ngoài ra còn có một số nhà chuyên dụng.

Toàn trại bao quanh bởi mấy lớp hàng rào kẽm gai với khoảng 20 chòi canh, lô cốt với súng máy của quân đội Sài Gòn thường xuyên chĩa nòng vào trại. “Tuy nhiên, đó mới chỉ là vòng trong, vòng ngoài còn khắc nghiệt hơn - đại tá Vân kể - Ngay sát nơi ở của đoàn là trại lính dù khét tiếng nhất. Đặc biệt, khu vực sân bay quân sự cũng ngay sát bên thường xuyên gầm rú đinh tai bởi các phi đội không vận, tác chiến lên xuống liên tục. Người có thần kinh không vững vàng rất dễ mệt mỏi với tiếng ồn kinh khủng này”.

g9XbJv1Y.jpgPhóng to
Tranh luận với cảnh sát Sài Gòn ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1973 - Ảnh tư liệu

Chống “trộm” và đào giếng

Ôn lại mấy trăm ngày ở trại Davis, đại tá Vũ Nam Bình - nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, lúc ấy là trưởng ban bảo vệ nội bộ bên trong trại Davis - kể ngay từ đầu mọi người đã xác định phải biến nơi đây thành “tổng hành dinh” bất khả xâm phạm. Hai căn nhà đầy đủ tiện nghi, dành cho hai trưởng đoàn đại biểu quân sự VNDCCH và Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã được kiểm tra cẩn trọng. Ban an ninh của đoàn dò từng centimet vuông và phát hiện mấy thiết bị nghe trộm được gắn giấu rất tinh vi trong tường.

Để đảm bảo bí mật, đội an ninh phải sử dụng thiết bị từ Hà Nội đem vào kiểm tra thật kỹ một căn nhà làm việc và thiết kế bảo mật lại. Có những thứ đệm, mút, vải màn đem từ Hà Nội vào. Có những thứ tận dụng tại chỗ lại của căn cứ lính Mỹ. Nền nhà, tường, trần phòng bảo mật đều được bít kín, chống bị thiết bị điện tử nghe trộm. Sau đó, căn phòng đặc biệt này trở thành phòng họp nội bộ quan trọng, kể cả làm việc với những đoàn ngoại giao thân thiện như Ba Lan, Hungary.

Theo đại tá Bình, ngay từ đầu Cục Bảo vệ an ninh quân đội Hà Nội đã rất quan tâm đến trại Davis. Nhiều sĩ quan, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm từ Hà Nội và các chiến trường được cử vào trại. Công tác phản gián, bảo vệ nội bộ được đặc biệt chú ý. Do ở giữa trung tâm đối phương nên việc điện đài thông tin từ trại ra Hà Nội và vào căn cứ liên tục bị tấn công phá sóng, nghe trộm, giả liên lạc. Phía Sài Gòn có thiết bị hiện đại, sử dụng gần 90 tần số vây quanh trại Davis, kể cả máy phát toàn tần 3-16 megahertz gây nhiễu sóng.

Tuy nhiên, trận địa phức tạp nhất chính là con người. Đại tá Bình kể phía Sài Gòn chụp ảnh từng người để dò la lý lịch. Thậm chí tình báo còn cử người về quê liên lạc với gia đình các sĩ quan trong trại để đánh đòn tâm lý. Trong đó có cả mẹ đại tá Bùi Thanh Khiết, phó đoàn Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Các cuộc hội nghị, họp báo, nhiều mật vụ giả dạng tiếp cận thành viên trong trại Davis. Nhiều trường hợp còn vào vai lực lượng thứ ba, bất mãn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để lấy cảm tình với cách mạng. Đặc biệt, tình báo Sài Gòn cũng sử dụng cả mỹ nhân kế, đưa các cô gái đẹp vào làm lái xe, tiếp phẩm để “cưa” sĩ quan, chiến sĩ trẻ trong trại...

____________

Nằm cô lập giữa Tân Sơn Nhất, đường di chuyển của những người trong trại Davis chủ yếu là máy bay của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Đó quả là những chuyến bay đặc biệt...

Kỳ tới: Những chuyến bay đặc biệt

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên