Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Để có thêm những góc nhìn phân tích sâu hơn về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tuổi Trẻ đã ghi nhận bình luận của một số chuyên gia trong và ngoài nước. Các học giả đều lạc quan tin rằng sự kiện lần này sẽ đặt nền tảng cho các hợp tác khác trong tương lai và đưa ra một vài đề xuất.
* TS Lucio Blanco Pitlo III (nghiên cứu viên Quỹ Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương, Philippines): Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư của Trung Quốc
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc và gặp người đồng cấp Tập Cận Bình sau Đại hội 20, sự kiện đưa ông Tập trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc thời hiện đại.
Khi quan hệ của Trung Quốc với phương Tây đi xuống, Bắc Kinh được cho là sẽ chú trọng nhiều hơn đến ngoại giao láng giềng, và Việt Nam đang nỗ lực định vị mình trước sự dịch chuyển đó.
Hà Nội có thể thu hút thêm vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, tiếp cận thị trường Trung Quốc tốt hơn trước, cũng như tìm nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng và liên doanh sản xuất, dịch vụ chất lượng cao.
Chuyến thăm lần này cũng cho thấy trong khi các tranh chấp hàng hải và chủ quyền lãnh thổ thu hút nhiều chú ý của truyền thông, các quan hệ chính trị đã có từ lâu và quan hệ giữa đảng với đảng cùng liên kết kinh tế ngày càng sâu sắc vẫn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển như thế nào.
Cả hai bên đều có chung đường biên giới trên đất liền được phân định rõ ràng nhưng lại chưa được như vậy trên biển. Bất chấp điều đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ sáu và lớn nhất của Trung Quốc nếu tính trong khối ASEAN. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam.
* Giáo sư Phan Kim Nga (trưởng ban nghiên cứu phong trào cộng sản quốc tế, Viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc): Hợp tác giữa hai nước cần được nâng cấp
Là một nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc, Việt Nam cũng là một nước xã hội chủ nghĩa. Xét đến hai điều đó, quan hệ hai nước vượt ra khỏi quan hệ song phương theo nghĩa chung.
Vì vậy ở điểm xuất phát lịch sử mới giữa Trung Quốc và Việt Nam, khuôn khổ hợp tác giữa hai nước cần được nâng cấp.
Tôi nghĩ hai nước nên sớm ký một khuôn khổ hợp tác vì một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Đó là bởi dù xét từ cơ sở tư tưởng, lý luận của hai đảng hay mục tiêu phát triển của hai nước, điều này hoàn toàn phù hợp với phương hướng phát triển của hai đảng, hai nước và lợi ích thực sự.
Nó không chỉ giúp nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai nước, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương, tăng cường sự đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho việc duy trì hòa bình và phát triển của khu vực, thúc đẩy xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN cùng chia sẻ tương lai.
Tôi cũng hy vọng rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể tăng cường giao tiếp và hợp tác về các vấn đề quốc tế và khu vực, tạo tiếng nói chung về xây dựng một trật tự quốc tế mới công bằng và bình đẳng hơn, nhằm bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, các nước châu Á và các nước xã hội chủ nghĩa.
* Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam): Những viên gạch tạo nền tảng
Trong chuyến thăm lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết 13 văn kiện ghi nhớ hợp tác.
Nếu nhìn vào nội dung của các văn kiện trên có thể thấy đây là những viên gạch tạo nền tảng giúp quan hệ hai đảng cũng như hai nhà nước sâu sắc hơn.
Về hướng phát triển sắp tới, tôi tin Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là đối tác ngoại giao lớn nhất của Việt Nam. Mong muốn của Hà Nội vẫn sẽ là tiếp tục cùng Bắc Kinh xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định.
Khép lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 1-11 hai bên đã ra "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc".
Trong bức điện gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi rời Bắc Kinh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn về sự tiếp đón và tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Tổng bí thư khẳng định hết sức hài lòng về kết quả chuyến thăm, đặc biệt là những nội dung trao đổi giữa hai bên tại các cuộc hội đàm, hội kiến.
"Chắc chắn những kết quả tích cực đạt được trong chuyến thăm lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy chính trị, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc vì sự phát triển của hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết.
Ngày 1-11, Tổng bí thư đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương và Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Học giả Trung Quốc: trọng tâm hợp tác kinh tế và thương mại
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương
Theo Thời báo Hoàn Cầu hôm 1-11, ông Hứa Lợi Bình - giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cho rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp khi hai nhà lãnh đạo đã ký kết được nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực. Điều này cũng thể hiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí, láng giềng, đối tác và bạn bè tốt.
Ông Hứa lưu ý trong những năm gần đây, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng hơn trong ASEAN và mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà còn giúp phục hồi kinh tế ở châu Á.
Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN cho biết Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành sự chào đón nồng nhiệt với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức. Truyền thông Trung Quốc những ngày qua đã liên tục nhấn mạnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc kể từ sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng một trong những trọng tâm lớn nhất của chuyến thăm là hợp tác kinh tế và thương mại, vì thị trường rộng lớn của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội cho các ngành nghề của Việt Nam, đặc biệt là nông sản và thủy sản.
Ông Cổ Tiểu Tùng - viện trưởng Viện ASEAN thuộc Đại học Hải dương nhiệt đới Hải Nam - nhắc lại việc Việt Nam, Trung Quốc là hai nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông" với rất nhiều điểm tương đồng và cùng đang trải qua giai đoạn đổi mới, mở cửa. Ông nhận định: "Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương, mà còn góp phần cho phát triển của quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á".
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận