24/04/2025 12:25 GMT+7

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: Giáo sư Trần Đông A

XUÂN MAI
và 1 tác giả khác

Từ ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức thành công vào năm 1988, đến ca mổ tách hai bé gái song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi dính vùng bụng chậu cực kỳ hiếm tại Bệnh viện Nhi đồng TP ngày 15-7-2020 đều có bóng dáng của giáo sư Trần Đông A.

Trần Đông A - Ảnh 1.

GS Trần Đông A trong buổi trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nay giáo sư Trần Đông A bước sang tuổi 84, vẫn hết lòng vì người bệnh, tâm huyết trao truyền chuyên môn đến các thế hệ tiếp nối.

Góp sức tạo ra những dấu son lịch sử ngành y

Nhắc lại ca mổ tách hai bé gái song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, giáo sư Trần Đông A cho biết mình không những hài lòng mà lấy làm hạnh phúc vì ca mổ song sinh dính nhau vốn là thách đố của các chuyên gia trên thế giới, giờ đây lại được thực hiện bởi đàn em, học trò của mình. Những khiếm khuyết trên cơ thể của các bé sẽ được lành lặn bình thường như bao đứa trẻ khác.

Cách nhau 32 năm nhưng ca mổ Việt - Đức và ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi có điểm chung là dị tật của các em đều được xếp vào loại dính bụng chậu hiếm gặp, chỉ có 6% các ca song sinh dính nhau trên thế giới.

Tuy nhiên ca mổ Việt - Đức năm 1988 diễn ra vào thời điểm cực kỳ khó khăn. Lúc đó đến cả chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng da... đều không có; không có thiết bị gì để chẩn đoán. 

Tất cả chẩn đoán về các phần dính nhau ở trong bụng bệnh nhân đều do bác sĩ Nhật Bản thực hiện, họ còn thuê cả máy bay đưa một trong hai bé bị chứng não cấp sang Nhật để điều trị.

Trần Đông A - Ảnh 2.

Giáo sư Trần Đông A đứng phía sau luôn theo dõi các học trò của mình mổ tách hai bé gái song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi

Với ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi, ông A khẳng định từ phòng ốc đến các trang thiết bị sử dụng cho ca mổ ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đều hiện đại không thua bất cứ bệnh viện nhi nào trên thế giới. Các bác sĩ trực tiếp mổ là người Việt, phần lớn được đào tạo phẫu thuật viên nhi bài bản.

"Nếu như ca mổ Việt - Đức năm xưa tạo ra sức bật cho ngành ngoại nhi phát triển thì ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ là một dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam", ông nhận định.

Đưa kỹ thuật ghép tạng về nước

Sau thành công của ca mổ Việt - Đức, giáo sư Trần Đông A tiếp tục đào sâu vào lĩnh vực hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam lúc bấy giờ: ghép tạng trẻ em. Ông chia sẻ vào cuối năm 1989, khi được giới thiệu qua Pháp tiếp cận thành quả y học mới nhất của Pháp đó là lĩnh vực ghép tạng.

Có lẽ ông là người duy nhất được đi 3 trung tâm ghép tạng lớn trực tiếp tham gia các ca mổ ghép tạng của Pháp.

Việt Nam lúc đó chưa có ghép tạng, chưa có chạy thận nhân tạo. Điều này khiến rất nhiều bé suy thận giai đoạn cuối qua đời. Điều đau xót là trước khi qua đời, thân thể các bé rất èo uột, nhập viện liên tục, gia đình khổ sở chăm sóc.

Khi nhìn các hình ảnh này, là người làm nghề y, ông cảm thấy vô cùng bứt rứt và mong muốn làm điều gì đó cho các bé. 

Được sự giúp đỡ của Pháp - Bỉ, chương trình ghép tạng cho trẻ em ở Bệnh viện Nhi đồng 2 được hình thành với các ca ghép cho các bé tuổi đời còn rất nhỏ. 

Tính đến cuối năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 41 ca ghép gan.

Theo ông, máy siêu đẳng nhất trong chẩn đoán là người bác sĩ thực hành giỏi, luôn theo dõi sát, lắng nghe, trao đổi với người bệnh. Chính điều này giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh ngay mà không cần đến các thiết bị đắt tiền.

Tuy nhiên ông có cảm nhận một bộ phận bác sĩ bây giờ cái gì cũng cho xét nghiệm chẩn đoán cao cấp mà không tận dụng khả năng khám bệnh kỹ. Ở một số nước phát triển, nếu bác sĩ cho xét nghiệm cao cấp không cần thiết thì chính họ phải trả tiền chứ không phải người bệnh.

Ông vẫn thường nhắc học trò của mình công việc chính của một phẫu thuật viên là mổ, nhưng phải biết lúc nào không cần mổ mới quan trọng. Muốn vậy phải có kiến thức cơ bản và phải chịu khó theo dõi bệnh nhân. Và bây giờ không phải bác sĩ nào cũng làm được như vậy.

Trần Đông A - Ảnh 3.

Giáo sư Trần Đông A trong phòng mổ tách hai bé gái song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi dính vùng chậu cực kỳ hiếm gặp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vào ngày 15-7-2020. Ông cho rằng ca mổ này là dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế nước nhà

Vượt lên "cái bóng của chính mình"

Giáo sư Trần Đông A sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, ở một vùng biển của huyện Hải Hậu (Nam Định). Ông nội ông là chủ tịch Mặt trận liên Việt của huyện. Ông là con thứ 5 trong gia đình, với các chị đều theo kháng chiến.

Rồi thời cuộc, ông phải tự tính toán con đường đi cho chính mình. Có thời điểm bị gọi lính nhưng ông đều tìm cách "né" và sau đó quyết định tình nguyện vào quân y phục vụ trong quân đội, bởi suy nghĩ "là người làm nghề y, hễ ở đâu cũng là để cứu người". Ông từng có mặt tại Làng Vây, Khe Sanh (Quảng Trị), phụ trách việc phẫu thuật cứu các binh sĩ, bộ đội bị thương.

Trần Đông A - Ảnh 4.

Giáo sư Trần Đông A cùng các thế hệ học trò của mình đã mổ tách thành công cho hai bé gái song sinh dính vùng chậu hiếm gặp

Vào những năm 1981 - 1982 khi đất nước đang vô cùng khó khăn, gia đình ông A là một trong 30 gia đình được cấp giấy bảo lãnh chính thức sang Mỹ với tư cách là thường trú nhân (thẻ xanh). Tuy nhiên ông quyết định làm đơn từ chối không đi, chọn ở lại Việt Nam, vì thấy trẻ em Việt Nam cần mình.

Từ bác sĩ phẫu thuật nhi, ông dần làm trưởng khoa, rồi phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trong suốt chặng đường đó, có một dấu mốc lịch sử ông không thể nào quên đó là sau kỳ Đại hội VI của Đảng (1986), ông bất ngờ có giấy yêu cầu báo cáo về đổi mới của cả ngành y tế lúc bấy giờ theo tinh thần nghị quyết. Và báo cáo của ông sau đó đều được tiếp thu thực hiện nghiêm túc.

Sau đó, thành quả của ca mổ năm 1988 được thế giới đánh giá là biểu tượng tiêu biểu cho nền y học Việt Nam thời kỳ đổi mới và đó là lý do tại sao ông được đánh giá là người vượt qua "cái bóng của chính mình".

Làm đại biểu Quốc hội hai khóa liền (XI, XII) thuộc Đoàn đại biểu TP.HCM là điều bất ngờ nhất trong cuộc đời giáo sư Đông A. 

Lúc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XI, ông bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại chúc mừng đặc biệt từ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và cũng nhờ là đại biểu Quốc hội, ông đã góp được phần nào công sức của mình vào xây dựng Luật Phòng chống truyền nhiễm, Luật Ghép tạng, Luật Bảo hiểm y tế...

Trần Đông A - Ảnh 5.

Giáo sư Trần Đông A (bìa phải) bắt tay bố mẹ của hai bé gái Trúc Nhi - Diệu Nhi sau khi ca mổ tách kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ thành công ngoài mong đợi

Còn khỏe sẽ còn cống hiến

Dù tuổi cao, giáo sư Đông A vẫn tập thể dục đều đặn và đến giảng đường giảng dạy cho sinh viên trường y. Ông cho rằng muốn đi chuyên sâu vào một nghề nặng cả về thể chất lẫn tinh thần như nghề y cần phải có ít nhất hai loại giải trí lành mạnh: thể chất và tinh thần.

Về thể chất, ông chọn quần vợt bởi môn thể thao này cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt nhìn, chạy, đứng, nghỉ rồi mới đánh bóng. Hễ không tập trung là đánh bóng ra ngoài hoặc đánh vào lưới, điều này cũng giống như bác sĩ lúc mổ phải tập trung tuyệt đối mới đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Lâu nay ông tập cho mình thói quen ngủ sớm khoảng 20h tối, 3h sáng thức dậy uống một ly cà phê, đọc sách, làm việc; 5h sáng tập thể dục; 6h ăn sáng và 7h có mặt ở cơ quan họp giao ban nghe báo cáo các ca khó để cho ý kiến.

"Tính đến nay tôi đã có hơn 50 năm gắn bó với ngành y. Nhiều vị lãnh đạo thường gặp hay động viên tôi phải tiếp tục cống hiến cho ngành y tế TP.HCM và cả nước. Tôi chỉ cười và nói rằng khi sức khỏe còn đảm bảo, đầu óc còn sáng suốt tôi sẽ còn cống hiến hết mình. Còn ngược lại, tôi xin nghỉ. Điều này không phải là thoái thác mà nghỉ để đảm bảo ích lợi cho người bệnh và vì sinh mạng của trẻ thơ", ông chia sẻ.

Giáo sư Trần Đông A (sinh năm 1941, quê tỉnh Nam Định) từng là phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông dành phần lớn cuộc đời cho sự nghiệp y khoa và góp phần xây dựng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2. Ông có 105 đề tài đã báo cáo và in trên báo y khoa Việt Nam và quốc tế, trong đó có bài ghép gan trẻ em đầu tiên tại TP.HCM.

Hiện nay ông là cố vấn chuyên môn cao cấp của Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ trách chương trình ghép tạng trẻ em của bệnh viện.

Năm 2006, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2008), danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (2006).

Giáo sư Trần Đông A: Vượt qua 'cái bóng của chính mình' - Ảnh 7.GS.BS Trần Đông A: 'Ca mổ cặp song sinh sẽ là dấu mốc lịch sử ngành y Việt Nam'

TTO - Dành thời gian nghỉ hiếm hoi ngoài phòng mổ, GS.BS Trần Đông A - tham vấn chuyên môn - nhận định ca mổ 2 bé Trúc - Diệu sẽ là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam, kể từ sau 32 năm tách mổ thành công cặp song sinh Việt - Đức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên