Người dân phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) vớt tôm hùm chết do "sốc" nước ngọt để bán vớt vát - Ảnh: NGỌC QUYỀN
Chiều 25-10, ông Lâm Duy Dũng - phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) - cho biết do mưa lớn khiến nước lũ đổ về khu vực biển nuôi hải sản ở khu phố Phước Lý lớn, cộng thêm trong những ngày này là kỳ thủy triều kiệt, làm khả năng trao đổi nước ở tầng mặt và tầng đáy kém, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ trong nước khiến tôm, cá bị chết đột ngột.
Thống kê sơ bộ xác định trong hai ngày 24 và 25-10, có 8.443 con tôm hùm trong 42 lồng nuôi và khoảng 1,2 tấn cá mú, cá chẽm của dân nuôi ở vùng biển khu phố Phước Lý (phường Xuân Yên) bị chết, thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng.
Ông Bùi Văn Khánh, một hộ dân có tôm hùm nuôi chết do bị "sốc" nước lũ ở phường Xuân Yên, cho hay tôm hùm bông có giá 1,4 triệu đồng/kg, nên tôm chết gây thiệt hại cho dân rất lớn.
Tôm hùm lớn đến kỳ thu hoạch bị sốc nước ngọt chết - Ảnh: NGỌC QUYỀN
Theo ông Nguyễn Hữu Đại - phó Trạm thú y thị xã Sông Cầu, việc tôm "sốc" nước ngọt chết nhiều vào mùa mưa lũ đã xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây.
Do vậy, tôm, cá đến kích cỡ thu hoạch thì bà con nên thu bán vì mùa mưa bão giữ lại thì rủi ro, thiệt hại rất cao.
Sơ tán dân phải có phương án an toàn phòng dịch COVID- 19
Chiều 25-10, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - lưu ý các địa phương là việc sơ tán dân tránh lũ, bão cần phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
"Các địa phương phải xác định ngay sơ tán dân thì đưa bà con đến nơi cụ thể nào, phòng chống dịch ra làm sao. Lâu nay việc sơ tán dân tránh thiên tai thường tập trung đông người ở một địa điểm, bây giờ phải có phương án an toàn phòng dịch, nếu chủ quan là dịch bùng phát trở lại" - ông Thế yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận