Phóng to |
Khán giả reo hò hòa theo phần biểu diễn sôi động của ban nhạc Deep Blue (Úc) tối 15-4 tại cung An Định - Ảnh: Tiến Long |
Càng thú vị hơn khi những ngày qua, ở bất cứ chỗ nào của mùa hội hè, dù chương trình "In" (có bán vé) hay "Off" (không bán vé) đều thấy anh có mặt...
Và không phải chỉ mùa Festival 2014 (từ ngày 12 đến 20-4), từ nhiều mùa Festival trước anh luôn tìm cách thu xếp công việc rất bề bộn, vượt qua cả ngàn cây số để về với "Huế mình". Anh là Tiến Ca, một người Huế, năm nay 40 tuổi, sống và làm việc ở TP.HCM gần 20 năm nay, nhưng như anh nói, đến mùa hội hè này không cách chi ngồi yên ở Sài Gòn để coi những chương trình của Huế qua các trang báo hay những đoạn phim về hội hè Huế trên truyền hình.
Khán giả chuyên nghiệp
Dịp may để thưởng thức nghệ thuật Nhiều người dân Huế cũng đã hình thành thói quen tìm thông tin để chọn xem các tiết mục không bán vé. Đó là lý do mà các sân khấu trên đường phố, ngoài công viên ở TP Huế mấy ngày qua đông nghịt người xem. Ông Đặng Hoàng Sơn, người dân ở phường Thủy Xuân (Huế), sau ba đêm liền chở vợ con đến xem chương trình miễn vé ở sân khấu Bia Quốc Học, trầm trồ trong tối 15-4 rằng: “Tuyệt vời đoàn múa của Myanmar. Mà không riêng chi họ, các tiết mục của Hàn Quốc, Na Uy, Mông Cổ hay đoàn Bông Sen của VN mà tui xem ở đây đều lạ và độc đáo. Rõ ràng chỉ có Festival những người dân như tui mới có cơ may được xem nghệ thuật nước ngoài hay như rứa!”. |
Chúng tôi gặp Tiến Ca tại sân khấu cung An Ðịnh, khi đang cổ vũ cuồng nhiệt cho nhóm nhạc Stoffer & Maskinen, Ðan Mạch tối 15-4. Ðây là tiết mục thứ sáu trong ngày, sau khi anh xem đoàn múa La Colmenita, Cuba diễn tại Bệnh viện Trung ương Huế vào buổi sáng. Buổi chiều, anh đến xem đoàn cà kheo của Vương quốc Bỉ ở bờ bắc sông Hương, sau đó đi nghe cựu nữ sinh Ðồng Khánh hát nhạc Trịnh tại đầu cầu Gia Hội. Ðến tối, anh đến cung An Ðịnh để xem chương trình của nhóm Deep Blue (Úc), xem "Phương Ðông quyến rũ" của hai nhóm nhạc Năm Dòng Kẻ và Cỏ Lạ (VN), sau đó là nhóm nhạc của Ðan Mạch...
Kể từ năm 2008, hễ đến mùa Festival là Tiến Ca nghỉ phép bay về Huế. Lịch diễn của các đoàn được anh nghiên cứu rất kỹ lưỡng rồi lên lịch trình trong mỗi ngày, mỗi buổi. "Rất nhiều đoàn tôi muốn xem lần thứ hai, thậm chí xem nhiều lần nhưng đành chịu, vì phải tranh thủ xem cho đủ. Vậy mà lần nào cũng vậy, cân đong đo đếm răng đi nữa cũng bị sót, bị thiếu và tiếc. Tôi thấy hầu hết các đoàn họ phô diễn không chỉ nghệ thuật, kỹ thuật hay tài năng mà còn ở nhiệt huyết, đốt hết mình, cháy hết mình!" - anh Tiến Ca nói.
Chúng tôi gặp khá nhiều khán giả "chuyên nghiệp" tương tự, như đến hẹn lại lên, tới dịp Festival là dồn tụ về Huế, lập thành từng nhóm, nghiên cứu lịch trình và từng sự thay đổi nhỏ với mong muốn xem kỳ hết những gì diễn ra của lễ hội. Họ có cùng lý do: không mấy khi Huế đông vui như những ngày này; không mấy khi được quyền chọn xem nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau; và nếu có điều kiện du lịch đến những nước này, chưa chắc đã đủ tiền mua vé vào xem những tiết mục đặc sắc như vậy...
Phóng to |
Du khách và người dân Huế chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ cà kheo 10 tuổi đến từ Bỉ - Ảnh: T.Long |
Bất ngờ
Với khán giả Festival Huế, hình ảnh đoàn cà kheo lênh khênh, vui nhộn trong tiếng kèn trống xập xình hẳn không còn xa lạ. Bởi đoàn cà kheo De Steltenlopers van Merchtem đã đến Huế tham gia lễ hội đường phố kể từ Festival 2008. Nhưng với Jairt Fokr - một du khách đến từ Bỉ, đây là lần đầu anh chứng kiến cà kheo nghệ thuật của đất nước mình. "Tôi khá bất ngờ khi sang đây, lần đầu tiên chứng kiến loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo của đất nước mình!" - Jairt Fokr nói.
Kể từ tối 12-4, sau bốn đêm hội, các tiết mục rất độc đáo như đàn hát dân gian của đoàn Ethno Music (Phần Lan), tiết mục trống của Bati-Holic (Nhật Bản), các vũ điệu của Artisana (Malaysia) hay của đoàn Lisu Troupe (Myanmar)... được đông đảo du khách trong và ngoài nước tiếp nhận một cách rất hào hứng. Riêng phần diễn của đoàn Arga Bileg (Mông Cổ) đã gây nhiều ngạc nhiên với những bản hợp tấu, vũ khúc mang đậm chất thảo nguyên kỳ bí và quyến rũ. Ðặc biệt là tiết mục ca theo lối khoomei - tức kỹ thuật đồng song thanh rất kỳ lạ của thổ dân du mục cổ xưa - mà mọi người chưa một lần nghe trước đó...
Trong số hàng ngàn người rảo bước trong ánh sáng huyền hoặc của chương trình Ðêm hoàng cung vào tối 15-4, chúng tôi đi theo một cô gái da trắng, quyến rũ trong tà áo dài Việt thướt tha. Khi những cung nữ hết suất diễn tái hiện đời sống trong tam cung lục viện, cô gái lên những sân khấu nhỏ được chiếu sáng lung linh, làm dáng cho bạn trai chụp hình. Ðó là Abbit, 26 tuổi, đến từ Anh. Cô cho biết đến Huế rất bất ngờ vì kế hoạch của đôi bạn là tham quan TP.HCM, sau đó nghỉ ngơi vài ngày ở Ðà Lạt. Họ quyết định đổi ngay hành trình, bay liền về Huế để tận hưởng chương trình nghệ thuật hội đủ khắp năm châu theo lời mách nước của một người bạn. "Bạn thấy tà áo dài này có hợp với tôi không? Tôi đặt may ở TP.HCM để mặc nó khi đến Huế. Tôi rất thích không khí hoàng cung này, và thích hơn nữa khi được lựa chọn xem nhiều tiết mục nghệ thuật của nhiều nước khác nhau. Chúng tôi rất bất ngờ, rất bằng lòng với quyết định chọn Huế lần này!" - Abbit cho hay.
T.LỘC - Ð.DỤC - N.HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận