20/12/2021 08:00 GMT+7

Tối ưu hóa chăm sóc sức khỏe: Chuẩn hóa, số hóa, tự động hóa

T.T
T.T

Đại dịch COVID-19 không chỉ làm trầm trọng hơn các vấn đề kinh tế, xã hội... ở các quốc gia mà còn tác động sâu sắc và làm thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe toàn cầu trong tình hình mới.

Tối ưu hóa chăm sóc sức khỏe: Chuẩn hóa, số hóa, tự động hóa - Ảnh 1.

Tối ưu hóa chăm sóc y tế với kỹ thuật hiện đại


Đây là vấn đề đã được hơn 2.000 chuyên gia y tế thảo luận sôi nổi tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Hoàn Mỹ và Mayo Clinic với chủ đề 'Tối ưu hóa chăm sóc y tế trong giai đoạn bình thường mới' do Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ phối hợp cùng Mayo Clinic tổ chức trực tuyến trên nền tảng: https://hoanmyconference.vn/ vào ngày 10 và 11-12. 

Bên cạnh các chia sẻ về tiến bộ trong chăm sóc và điều trị, đã có nhiều báo cáo, tham luận liên quan đến tương lai ngành y sau đại dịch. Trong đó, 'chuẩn JCI', 'số hóa' hay 'trí tuệ nhân tạo' đã được các chuyên gia tích cực thảo luận.

Phát biểu tại hội nghị, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Giám đốc Y khoa Cấp cao Tập đoàn Hoàn Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa Tập đoàn Hoàn Mỹ - nói rằng: "Y học là ngành luôn thay đổi. Đặc biệt, trong thời kỳ COVID-19, có rất nhiều thay đổi về quan điểm trong chăm sóc, điều trị và ngay cả trong thiết kế, tổ chức quản lý người bệnh. Y học gia đình, y học từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0, bệnh án điện tử trở nên rất cần thiết để giảm thiểu tác hại của bệnh dịch, nâng cao chất lượng điều trị trong bệnh viện cũng như ngoài cộng đồng".

Số hóa mạnh mẽ

Trong bối cảnh ngành y bị quá tải, nhất là khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các cơ sở y tế không chỉ gặp áp lực về việc số lượng bệnh nhân tăng, bệnh diễn tiến nặng đột ngột, tỉ lệ tử vong cao, thủ tục hành chính rườm rà mà còn 'đau đầu' về việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Trước những thách thức này thì nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ càng được nhìn nhận rõ rệt hơn.

TS. Abinash Virk từ Mayo Clinic (Mỹ) cho rằng: 'COVID-19 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ hơn những gì con người hình dung. Một trong những thay đổi đó, có thể nhìn thấy ngay sự cần thiết của chăm sóc sức khỏe từ xa để giám sát và ngăn ngừa lây nhiễm cũng như cung cấp dịch vụ chất lượng cho người bệnh'.

Tối ưu hóa chăm sóc sức khỏe: Chuẩn hóa, số hóa, tự động hóa - Ảnh 2.

Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cung cập dịch vụ chất lượng cho người bệnh

Tại Việt Nam, nơi có chưa tới 1 bác sĩ/1.000 dân thì số hóa không chỉ giúp chia sẻ thông tin, tư vấn, hỗ trợ, hội chẩn từ xa qua các ứng dụng thông minh mà còn giúp các cơ sở y tế nhận được những lợi ích khác đặc biệt trong hoàn cảnh thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. 

Chẳng hạn, việc ứng dụng công nghệ để nhập liệu, thống kê số liệu, trích xuất thông tin hay để theo dõi hệ thống truyền dịch, giám sát sự tuân thủ trong quy trình…của tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cũng giúp giảm thiểu đáng kể áp lực trước, trong đại dịch và ở giai đoạn 'bình thường mới'.

Trí tuệ nhân tạo và các tiêu chuẩn 'vàng' lên ngôi

Sự chuyển đổi tất yếu của ngành y không chỉ dừng lại ở số hóa mà còn là ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) với dữ liệu lớn (big data) trong hiện tại và tương lai gần để nâng cao trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc, đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh, điều trị.

Trong phần trình bày báo cáo 'Ứng dụng AI trong chăm sóc y tế và an toàn người bệnh', BS. Lê Thế Anh, Trưởng phòng Kiểm định và Chứng nhận chất lượng, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã nhận định rằng 'AI không thể thay thế con người nhưng AI làm việc không biết mệt mỏi, luôn ghi nhớ, không bỏ sót thông tin, có khả năng nhìn bao quát, tính toán chính xác và ngày càng thông minh hơn'. 

Theo BS Lê Thế Anh, AI cũng làm thay đổi tư duy, trước đây, người ta cho rằng dữ liệu là để lưu trữ, nghiên cứu nhưng giờ đây dữ liệu là để tạo ra các thuật toán nhằm hỗ trợ chẩn đoán 'nhanh như chớp', chính xác và những công cụ giúp việc điều trị phức tạp trở nên thuận lợi hơn và ít mất sức nhân viên y tế nhất.

Đồng quan điểm, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam đã đề cập đến lợi ích của trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý nhồi máu não với công nghệ RAPID. 

Các hình ảnh CT hoặc MRI được chụp khi đưa vào phần mềm RAPID để tính toán và xử lý rất nhanh, chỉ mất khoảng 30 giây - 2 phút và được gửi ngay kết quả về hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS) của bệnh viện hoặc gửi trực tiếp đến điện thoại di động hoặc máy tính của các bác sĩ. 

Dựa vào kết quả này, các bác sĩ sẽ ra quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học để điều trị cho người bệnh. Đây là bước đột phá lớn vì mở rộng thời gian vàng để cứu não lên đến 24h thay vì chỉ vài tiếng như các phương pháp thông thường. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ giảm thiểu được di chứng sau đó cũng như cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn.

Tại hội nghị, các chuyên gia y tế và nhà khoa học cũng cho rằng không chỉ có COVID-19 mà tương lai, các dịch bệnh, thảm họa khác vẫn có thể diễn ra. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại khả năng tổ chức, hoạt động, quản lý, phối hợp, ứng phó trên nhiều lĩnh vực của các đơn vị, cơ sở y tế. 

Vì thế, giai đoạn hậu COVID-19, việc tiếp tục chuẩn hóa quy trình, ở tất cả các chuyên khoa để nâng cao năng lực chăm sóc y tế, giảm thiểu rủi ro, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người bệnh và thân nhân 'ở từng điểm chạm' cũng là một thách thức. 

Trong đó, JCI - một trong những chuẩn đánh giá, thẩm định chất lượng khắt khe bậc nhất của Mỹ và thế giới với hàng trăm tiêu chuẩn, quy trình và trên một ngàn yếu tố đo lường chi tiết để đảm bảo chăm sóc bệnh nhân tốt và an toàn nhất là mục tiêu hướng đến của không ít cơ sở, hệ thống y tế công lẫn tư tại Việt Nam.

T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên