Người dân xếp hàng nộp hồ sơ dự thi công chức tại Cục thuế Hà Nội - Ảnh tư liệu: NGUYỄN KHÁNH
Tốt nghiệp đại học năm 2010, tôi từng trải qua tình trạng thất nghiệp suốt thời gian dài. Tôi đi làm thêm, làm cộng tác viên với đồng lương ít ỏi. Để giết thời gian, tôi tự học tiếng Anh ở nhà.
Tôi đã từng theo đuổi suy nghĩ phải vào được cơ quan nhà nước bởi làm ngoài "chơi vơi", không ổn định. Bao lần tôi thi công chức đều trượt.
Năm nọ gối đầu lên năm kia, tôi thất bại vì muốn có công việc ổn định, lương cao. Thế nên khi vào một số công ty, tôi cảm thấy thất vọng về bức tranh sau tốt nghiệp. Tôi cứ trách móc mình sao quá vô dụng. Tôi trượt dài trong nỗi đau khổ, thất bại của một người trẻ, không thể xin nổi việc làm.
Tôi lại nghĩ về những kỳ vọng của cha mẹ, về tấm bằng loại giỏi thời đại học và vô số giải thưởng, học bổng khi còn ngồi trên giảng đường. Nhưng thực tế quá phũ phàng khi tôi vẫn chỉ nằm nhà để ăn bám cha mẹ. Tôi nhớ ngày đó rất hay nói đến những từ như "vô dụng", "thất bại", "chán đời"…
Tôi cứ xin vào các công ty tư nhân và nhảy việc liên tục vì không hợp. Tôi mặc định chỉ vào nhà nước bởi suy nghĩ: "Chỉ nhà nước mới ổn định" và "Tại sao lương thấp nhiều người vẫn muốn vào nhà nước, thậm chí đổ một đống tiền?".
Cho đến năm 2016, khi đọc được thông tin một cơ quan nhà nước tuyển công chức, tôi quyết tâm dự thi.
Trong thời gian ôn luyện, cha mẹ tôi ở quê cũng tỏ ra lo lắng: "Liệu có ăn thua gì không con? Thi cho biết thôi chứ mình gốc nông dân sao mà vào được". "Vào được đó chắc phải tiền chứ con đơn thương độc mã thi thế này, ba e khó đấy"…
Nghe cha mẹ mình hoài nghi và bi quan như vậy, tôi hiểu xã hội có tư tưởng chạy việc là điều đương nhiên.
Khi cầm quyết định đỗ công chức, tôi nhìn lại quãng thời gian đã đi qua, về khoảng thời gian sống trong cảm giác thất bại, vô dụng, tôi tự nhận ra: "Chỉ cần mình có quyết tâm, tự học hỏi, tự rèn luyện tích lũy kiến thức sẽ được đền đáp".
Tất nhiên, chuyện mọi người ở quê đặt câu hỏi tôi bỏ bao nhiêu tiền để chạy việc là chuyện dễ hiểu. Đến một người là giáo sư dạy thời đại học của tôi còn hỏi: "Em chạy bao nhiêu tiền?".
Khi tôi nói là tự thi, thầy tỏ ra bất ngờ: "Thật sao? Tôi tưởng em phải chạy việc chứ? Em giỏi đấy, bởi nhiều người có tiền còn chưa chắc chạy được, quan trọng là không biết chạy cửa nào"…
Nghe thế, ban đầu tôi cảm thấy hơi buồn và sốc. Bởi đến cả thầy giáo của mình cũng nghĩ tôi "chạy việc" thì ai có thể tin tôi đi bằng năng lực của chính mình? Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi thấy mọi người có tư tưởng chạy là có lý do và cơ sở.
Thực sự, tôi đã trải qua quãng thời gian thất bại, chùn bước và không tin vào năng lực của mình. Tôi đã từng suy nghĩ tiêu cực rằng mình không có tiền, không thuộc dạng "con ông cháu cha" nên rất khó chui vào nhà nước.
Dù bằng có đẹp, thành tích có nhiều nhưng nếu không cậy quan hệ, hậu duệ thì quên chuyện vào nhà nước đi.
Nhưng cuối cùng vượt lên trên những suy nghĩ hẹp hòi ấy, tôi đã thắng.
Tôi nghĩ nỗi "oan" chạy việc của nhiều người không có gì đáng lo. Bởi vượt qua được mặc cảm bản thân, chui ra khỏi vỏ ốc tự ti để khẳng định mình mới quan trọng.
Tôi đã từng đồng hành với nhiều bạn trẻ thất nghiệp, xếp xó tấm bằng trong thời gian dài. Nhưng tôi đã bản lĩnh, biết đứng lên và tự đi.
Tôi nghĩ trong hàng trăm nghìn người thất nghiệp kia, chúng ta vẫn có thể có chỗ đứng trong một cơ quan nhà nước nào đó mà không tốn một xu chạy việc. Quan trọng là ở bạn, do bạn mà thôi.
Tôi nghĩ "trái chín ép sẽ không ngọt", khi chúng ta chưa thành công chưa hẳn đáng lo. Chúng ta hãy bắt đầu từ việc tích lũy kiến thức, ngoại ngữ, kỹ năng, kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường…
5 năm thất nghiệp của tôi không phải ngắn. Nhưng tôi đã đứng lên tự tìm đường đi cho mình mà không phải cậy nhờ ai. Tôi nhận thấy hiện nay, nhiều bạn trẻ cứ đổ lỗi cho xã hội nên thất nghiệp. Nhưng có khi nào lỗi lại từ phía chính các bạn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận