13/04/2020 09:33 GMT+7

Tôi tự hào và an tâm khi sống tại Việt Nam

JOHN BAYARONG - HÀ MY chuyển ngữ
JOHN BAYARONG - HÀ MY chuyển ngữ

TTO - John Bayarong - cựu phóng viên Hãng tin AP (Mỹ) - gửi đến Tuổi Trẻ bài viết nhận định Việt Nam làm rất tốt công tác phòng chống COVID-19.

Tôi tự hào và an tâm khi sống tại Việt Nam - Ảnh 1.

Một bệnh nhân nước ngoài tặng áo cho bác sĩ để kỷ niệm những ngày điều trị COVID-19 ở Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Tôi đã sống ở Việt Nam được 6 năm và nhìn nhận Việt Nam là một trong những nước chủ động và quyết đoán nhất trong công tác phòng chống COVID-19. 

Với thành công trong việc điều trị và phòng chống các căn bệnh như Zika, sốt xuất huyết..., có thể nói Việt Nam đã có kinh nghiệm và phương thức phòng chống hiệu quả.

Tôi tự hào cũng như an tâm khi được sống ở nước này, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay. 

Gia đình tôi (vợ và con) đang sống ở Philippines và tôi không ngần ngại khẳng định nếu điều kiện cho phép tôi sẽ đưa họ đến Việt Nam trong thời gian này để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ chuyến bay từ Philippines sang Việt Nam đã bị hủy đến hết tháng 4.

Theo tôi, công tác phòng chống của Việt Nam hiệu quả nhờ sự phối hợp của Bộ Y tế, cơ quan ban ngành, cũng như các cơ quan địa phương. Tôi không chỉ ấn tượng bởi công tác phòng chống hữu hiệu mà còn ấn tượng với số ca khỏi bệnh và được xuất viện. 

Dù ngân sách eo hẹp nhưng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc theo dõi những người nhiễm bệnh, mang virus trong người và những người đã tiếp xúc (hoặc có khả năng tiếp xúc) với virus để đưa đi xét nghiệm.

Một yếu tố nữa là Việt Nam phản ứng sớm hơn những nước khác. Chính phủ Việt Nam đã cho các trường ngừng học từ rất sớm, giảm thiểu gần 60% số người đi lại vào giờ cao điểm, đồng thời cũng khiến người dân hiểu rằng COVID-19 là một bệnh dịch nghiêm trọng và không thể coi thường.

Tuy nhiên, có một việc không thể không xét đến là tác động của văn hóa. Theo quan sát của tôi, người Việt rất quan tâm đến những người thân và mọi người xung quanh họ. Tôi tin rằng vấn đề cốt lõi trong công tác phòng chống này là từng hộ gia đình. 

Khi mỗi gia đình hiểu rằng hoạt động của từng cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các thành viên của gia đình - đặc biệt là người già và trẻ em - cách hành xử của họ sẽ khác đi.

Dù người Philippines rất yêu nước nhưng họ thường đề cao chính kiến và quyền lợi cá nhân hơn là cùng hướng đến cái lợi chung nên quy định phải đưa ra chặt chẽ hơn. Chính vì vậy hiện nay ở nước tôi, toàn bộ đảo Luzon - hòn đảo lớn và đông dân nhất của Philippines - đã bị cách ly xã hội. 

Một vấn đề khác là dù Philippines đưa ra nhiều quy định nghiêm khắc, người dân còn ít tuân thủ do hình thức xử phạt chưa mang tính răn đe nên công tác phòng chống chưa thành công như Việt Nam.

Jan Chambers (người Úc):

Việt Nam tận tụy

jan chambers 13-4 2(read-only)

Tôi đã ở Hội An được 6 năm và có nhiều người bạn thân thiết là dân địa phương. Họ rất tin tưởng chính phủ nước mình đang làm mọi thứ có thể để khống chế loại virus kinh khủng gây ra bệnh COVID-19.

Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động từ đầu tháng 1, ngay lập tức đưa ra các kế hoạch hành động nhằm cố gắng ngăn chặn virus như đóng cửa trường học, cơ sở kinh doanh, cũng như ban hành nhiều quy định chặt chẽ. Ở Hội An, tôi thấy hầu như ai ai cũng tuân thủ theo cả. Cá nhân tôi cũng rất lấy làm cảm phục và biết ơn Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân đó.

Dù trên thực tế nhiều người đã bị mất việc dẫn đến kinh tế bị ảnh hưởng, tôi vẫn cảm thấy rằng các quy định được ban hành là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Tôi cảm thấy mình an toàn 100% ở Việt Nam, và ngay lúc này tôi không muốn ở bất kỳ nơi nào khác cả. Nhiều nơi đã hành động quá muộn trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh và bây giờ họ phải đối mặt với nhiều rắc rối rất lớn.

Gia đình tôi ở Úc cũng không hề lo lắng gì khi tôi ở đây, ngược lại, tôi còn lo lắng cho họ. Mọi người trong gia đình tôi đều biết rằng Chính phủ Việt Nam tận tụy ra sao, đã hành động sớm như thế nào. Họ biết tôi ở đây an toàn hơn ở Úc.

N.ĐÔNG ghi

David James (người Anh):

Lo Covid và lo cả chuyện an toàn giao thông

james 13-4 2(read-only)

Một trong những vấn đề được tôi quan tâm trong mùa dịch này là khi mình ra đường. Thật nghịch lý khi đường sá vắng vẻ, người dân ít ra đường thì tai nạn giao thông lại nhiều hơn. Tôi có thể hình dung khi chạy xe trên đường vắng vẻ, bất ngờ một ai đó vượt đèn đỏ hoặc chạy nhanh hơn bình thường, thế là... rầm, tai nạn xảy ra.

Nhưng nói thật lòng là tôi không bất ngờ khi cơ quan chức năng công bố tai nạn giao thông mùa dịch nhiều hơn những ngày bình thường. Tôi thường xuyên thấy người lái xe ở Việt Nam hồn nhiên rẽ trái, rẽ phải trong khi người ở chiều ngược lại cũng chạy rất nhanh. Phản ứng là khi bị bất ngờ, đôi bên thắng gấp, nếu may mắn thì cả hai không gây tai nạn cho nhau, còn ngược lại thì có người té ngã, làm bản thân hoặc người khác bị thương.

Tôi rất xin lỗi nếu những gì mình chia sẻ có vẻ như đang lên tiếng rằng đa số người lái xe ở Việt Nam bất cẩn. Tôi không có ý này. Tôi làm nghề lái xe tải và cũng từng dạy lái xe. Tôi có 35 năm làm nghề lái xe tải đường dài, chạy qua các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan.

Tôi chia sẻ điều này hi vọng rằng mọi người nên suy nghĩ về người khác khi tham gia giao thông và đừng lái xe một cách ích kỷ chỉ vì bạn tự tin. Thật buồn khi một ai đó nói rằng chúng ta không chết vì Covid-19 mà vì tai nạn giao thông trong mùa Covid. Hãy yêu cuộc sống của mình và của người khác, lái xe từ tốn, cẩn thận vì cuộc sống mến yêu.

H.VÂN ghi

Công nhân an tâm khi được xét nghiệm sàng lọc COVID-19

Sáng 12-4, khu lưu trú công nhân thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP kết hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, Trung tâm Y tế Q.7 triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Việc lấy mẫu sàng lọc tại khu công nghiệp, khu chế xuất được thực hiện trong 3 ngày với hơn 1.600 mẫu.

cong nhan 13-4 2(read-only)

Nhân viên y tế lấy dịch ở họng và mũi - Ảnh: D.PHAN

Khu lưu trú công nhân thuộc Khu chế xuất Tân Thuận là địa điểm đầu tiên triển khai sàng lọc xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và cộng đồng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

"Làm việc tại khu đông người nên tôi cũng lo, vợ thì đang có em bé nên khi có thông báo là hai vợ chồng thu xếp thời gian để đến xét nghiệm liền. Việc này sẽ làm mình cảm thấy an tâm hơn" - anh Nguyễn Văn Vỹ (34 tuổi) chia sẻ.

"Chúng tôi có làm thông báo và gửi đến từng phòng, đa số công nhân nghiêm túc chấp hành. Sau 2 ngày (từ 10-4) còn khoảng 100 công nhân chưa được lấy mẫu xét nghiệm vì họ làm lệch ca, một số trường hợp thì về quê nên chúng tôi dự định sẽ bố trí một buổi làm việc cuối cùng vào tuần sau" - ông Tống Văn Bảy, trưởng ban quản lý khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết.

Trong những ngày tới TP.HCM tiếp tục giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất theo Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona tại doanh nghiệp ở TP.HCM.

'Tạm biệt Việt Nam, chúng tôi sẽ không quên những ngày qua'

TTO - Sau nhiều ngày đợi chờ, 11h trưa 20-3, 28 du khách nước ngoài bị 'mắc kẹt' tại Hội An do dịch COVID-19 đã nhận quyết định hết thời gian cách ly do người đứng đầu UBND TP Hội An trao.

JOHN BAYARONG - HÀ MY chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên