23/03/2013 07:30 GMT+7

Tội tham nhũng: án treo sẽ ít hơn

LÊ KIÊN - NGỌC HÀ
LÊ KIÊN - NGỌC HÀ

TT - Ngày 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh thành để chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Jss1atYi.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận - Ảnh: V.Dũng
2Zlj3jbd.jpgPhóng to
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình - Ảnh: V.Dũng

Trong phiên chất vấn buổi sáng, trong khi TAND tối cao coi việc đã xem xét được tới 60% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm như một thành tích thì Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Việt Trường cho rằng phải xem xét vấn đề ngược lại.

Có bức xúc mới có khiếu nại

"Báo cáo của chánh án cho thấy năm 2012 việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lên đến 60%, coi đây là thành tích của ngành. Con số này công bố ra thì dân rất buồn. Giải quyết 60% thì 40% bức xúc vẫn còn đấy"

ĐB LÊ VIỆT TRƯỜNG

Ông Lê Việt Trường đặt vấn đề: “Báo cáo của chánh án cho thấy năm 2012 việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lên đến 60%, coi đây là thành tích của ngành. Con số này công bố ra thì dân rất buồn vì người ta có bức xúc mới khiếu nại. Giải quyết 60% thì 40% bức xúc vẫn còn đấy. Xin hỏi chánh án là khi nào giải quyết đạt 90%?”. Chánh án trả lời: “Còn 40% bức xúc thì đúng là có trách nhiệm của TAND tối cao. Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn. Nhưng muốn giải quyết triệt để phải khắc phục nhiều nguyên nhân”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương chất vấn: “Các loại án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đưa ra xử ít nhưng số bị cáo được hưởng án treo rất lớn, có nơi tới 45%, gây ra sự hoài nghi cho dư luận rằng có sự nương nhẹ, chạy án. Trách nhiệm của tòa án đến đâu?”. Đại biểu Đào Thị Xuân Lan hỏi thêm: “Qua giám sát thấy có những địa phương cho các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng hưởng án treo rất nhiều, có những trường hợp không đúng quy định pháp luật. Giải pháp khắc phục thế nào?”.

Theo ông Trương Hòa Bình, chất lượng xét xử thống kê hằng năm có tăng lên, tuy nhiên vẫn còn có những vụ án, nhất là những vụ án tham nhũng, cũng có dư luận đánh giá. Còn tại sao xử ít thì tòa án chỉ xét xử những vụ án khi viện kiểm sát đưa ra truy tố, có cáo trạng. Vì vậy việc này liên quan đến trách nhiệm công tố của viện kiểm sát và chất lượng điều tra. “Số bị cáo cho hưởng án treo cũng giảm rất nhiều. Một số địa phương trước đây cho hưởng án treo cao đến nay cũng giảm nhiều. Chúng tôi đang xây dựng một nghị quyết mới quy định điều kiện chặt chẽ cho hưởng án treo, trong đó quy định người cầm đầu mặc dù có khắc phục hậu quả nhưng cũng không được hưởng án treo” - ông Bình nói.

Sách sai về chủ quyền: không thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT

Buổi chiều, đại biểu Lê Minh Thông - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Lâu nay có nhiều băn khoăn về sách giáo khoa, sách tham khảo các cấp. Gần đây xuất hiện nhiều sách dành cho trẻ “có vấn đề”, sách giáo khoa có bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, sách dạy đánh vần cho trẻ lớp 1 lại vẽ cờ Trung Quốc... Vậy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong kiểm soát và chấn chỉnh tình hình đáng lo này thế nào?”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định một số đầu sách bất thường xuất hiện sai sót, liên quan đến giáo dục về chủ quyền, biển đảo như sách dạy học vần, sách kể chuyện cho trẻ có vẽ cờ Trung Quốc... không thuộc hoàn toàn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. “Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng nhiều đầu sách bị sai của các nhà xuất bản nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cùng nghiên cứu để ra văn bản quy định quản lý các dạng sách này một cách cụ thể. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm dựng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn sách không đủ chuẩn vào nhà trường” - ông Luận giải thích.

Đặt câu hỏi với tư cách đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nhân dân ta chưa yên tâm về chất lượng GD-ĐT. Năm 2016 sẽ là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của bộ trưởng. Vậy từ nay qua năm 2014, 2015, 2016, chất lượng giáo dục có được cải thiện hằng năm không? Đến bao giờ chúng ta có được một nền giáo dục yên tâm, để đồng bào và cả bộ trưởng thời đó cũng yên tâm?”. Câu hỏi này được xem có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng nhất vì ngay sau đó là giờ giải lao, tuy nhiên ông Luận chỉ hứa: “Với ý thức trách nhiệm của mình, chúng tôi xin hứa sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm, nghị lực cùng toàn ngành, toàn dân triển khai các hoạt động để đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện. Hi vọng chất lượng giáo dục đào tạo sẽ theo hướng tiến bộ, nâng cao theo từng năm”.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời này, nên dù bộ trưởng định chuyển sang phần giải đáp câu hỏi khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “xin lỗi” để được ngắt lời: “Tôi xin lỗi để nhắc lại một chút. Việc chuyển biến hằng năm thì đồng chí nói rồi, nhưng ý tôi muốn hỏi đến bao giờ thì đồng bào ta yên tâm được về chất lượng giáo dục nước ta?”. Bộ trưởng Luận vẫn không đưa ra mốc cụ thể theo hướng gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, mà tiếp tục giải trình: Với giáo dục phổ thông, sau năm 2015 sẽ có chương trình mới. Với giáo dục đại học, việc đổi mới đã và đang được triển khai.

Bộ GD-ĐT thôi can thiệp sâu vào các sở, các trường

Trả lời chất vấn về giải pháp đột phá nào để cải thiện tình hình yếu kém trong quản lý giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận những yếu kém của giáo dục trước hết thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và bộ đang khắc phục bằng những chuyển biến về công tác quản lý. “Ví dụ trước đây bộ làm nhiều việc mà cơ sở giáo dục làm được, can thiệp quá sâu vào công tác chuyên môn các trường. Nay bộ nâng cao vai trò quản lý bằng việc xây dựng, ban hành văn bản, bằng công tác thanh tra, kiểm tra” - ông Luận nói.

LÊ KIÊN - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên