26/02/2019 14:03 GMT+7

'Tôi sử dụng 100% sức lực khi đi tình nguyện'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Trên chuyến xe đưa các bạn sinh viên đi tình nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo, có một cô bé nhỏ nhắn, mái tóc ngắn cá tính với nụ cười rạng rỡ, cầm chiếc micro có nhiệm vụ “đánh thức” mọi người.

Tôi sử dụng 100% sức lực khi đi tình nguyện - Ảnh 1.

Lương Thị Ngọc Linh cùng các em nhỏ khuyết tật ở Hưng Yên tạo dáng vui vẻ khi được chụp hình - Ảnh: H.THANH

Đó là Lương Thị Ngọc Linh, 21 tuổi, chủ nhiệm CLB Hoa đá, hiện đang là sinh viên năm thứ ba khoa tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Tôi may mắn được gia đình động viên không chỉ học tập mà còn tham gia các hoạt động tình nguyện, để có những tháng ngày sinh viên ý nghĩa.

LƯƠNG THỊ NGỌC LINH

Để có những tháng ngày ý nghĩa

Có gặp rồi mới thấy chính sự năng nổ, nhiệt tình của Linh như truyền thêm năng lượng cho những người xung quanh.

Chị Nguyễn Bích Đào, chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, không ngớt lời khen cô sinh viên của trường: "Gặp Linh từ sinh viên năm nhất cho đến bây giờ là chủ nhiệm CLB Hoa đá, bạn rất nhiệt tình, năng nổ.

Vừa là chủ nhiệm, vừa tham gia hoạt động của các CLB khác, vừa hỗ trợ công tác chung của hội sinh viên trường. Không những làm tốt công tác tình nguyện, bạn còn học rất tốt, là "Sinh viên 5 tốt" của trường năm học 2017-2018".

Ba năm kể từ ngày đặt chân vào giảng đường đại học cũng là ba năm Linh gắn bó với công tác tình nguyện, giúp đỡ các bạn hội viên là những sinh viên khuyết tật trong học tập, rèn luyện và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.

Quá trình học tập, rèn luyện tại trường, Linh nói thấy tiêu chí "Sinh viên 5 tốt" nào phù hợp với bản thân thì tham gia hết sức mình, chứ không nghĩ tham gia để đạt được giải thưởng nào hết. Ba tiêu chí cô sinh viên này cảm thấy tự tin nhất là tình nguyện, học tập và hội nhập.

"Tình nguyện là tiêu chí tôi làm tốt nhất bởi đó là sở thích, đạt được tiêu chí sinh viên giỏi từ năm nhất và thường xuyên tham gia hội thảo khoa học quốc tế, các tổ chức quốc tế" - Linh chia sẻ.

Linh nói dù hơi nhỏ bé một chút về ngoại hình nhưng bạn rất khỏe. "Tôi sử dụng 100% sức lực, tham gia tình nguyện hết sức, hết mình" - Linh cười.

Bí quyết của cô nàng là tập trung học nhiều hơn vào năm nhất, năm hai đại học, học vượt vào thời gian hè, đến năm thứ ba đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm CLB Hoa đá thì Linh dành nhiều tâm trí cho CLB.

Không chỉ vậy, mỗi tuần 1-2 buổi, Ngọc Linh còn trải nghiệm với công việc làm thêm, gia sư cho các em nhỏ.

Bạn tâm sự gia đình luôn động viên bạn tích cực học tập, tham gia các hoạt động ở trường, làm tình nguyện "để có những tháng ngày sinh viên ý nghĩa".

Học được nhiều kinh nghiệm

Là thủ lĩnh CLB thiện nguyện, Ngọc Linh nói mình gặp không ít khó khăn trong việc quản lý các thành viên.

"Rồi những nỗi buồn, hay khó khăn nhanh chóng trôi qua khi nhìn tất cả các thành viên sẻ chia điều tốt đẹp đến với cộng đồng. Đi ra ngoài hoạt động nhiều, ngoại hình có thể "xấu" hơn một chút vì nắng hay thức khuya nhưng đổi lại là những năm tháng sinh viên trọn vẹn" - Linh bộc bạch.

Trong những năm tháng gắn bó với công tác thiện nguyện, nụ cười của những em nhỏ ở các ngôi trường khuyết tật, mái ấm tình thương được vui chơi, nhận quà từ các anh chị tình nguyện viên là động lực để cô nàng tiếp tục với hành trình của mình.

Không chỉ giúp đỡ các em nhỏ khuyết tật hay đến miền núi khó khăn, có thời gian là Linh cùng các bác, các cô chú cựu chiến binh đồng hành những chuyến về nguồn, tìm đến các "địa chỉ đỏ" để hiểu hơn về công lao, sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước.

"Những chuyến đi đó giúp tôi học được nhiều kinh nghiệm từ các anh chị đi trước về cách thức quản lý và sắp xếp thời gian hợp lý, giúp tôi hoàn thiện bản thân mình" - Linh chia sẻ.

Tắt Facebook để... yêu thương gia đình

Nhìn thời gian biểu của Lương Thị Ngọc Linh, khá bất ngờ vì từ thứ hai đến thứ sáu, Linh đặc kín lịch học và hoạt động tình nguyện, đi làm thêm, làm gia sư... Nhưng đến cuối tuần là thời gian cô nàng toàn tâm toàn ý dành cho gia đình.

Gần như thời gian ở nhà, Linh không sử dụng Facebook hay điện thoại.

"Có như thế tôi mới dành thời gian nhiều hơn bên gia đình, yêu thương gia đình nhiều hơn" - Linh nói.

Không chỉ vậy, mỗi tối dù bận học, bận làm đến đâu thì từ 22h-23h Linh đều gọi điện về tâm sự với mẹ. Chỉ 15 phút nói chuyện, dù đang mệt hay đang buồn thì cô nàng nói sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

"Nếu nghe giọng mẹ đang mệt thì tôi cảm thấy sự mệt mỏi của mình bây giờ không là gì so với sự vất vả của mẹ, mình cũng cảm thấy được an ủi" - Linh chia sẻ.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao

TTO - Được đào tạo bài bản, ra trường với cơ hội rộng mở, nhưng họ - những bác sĩ trẻ ấy đã bỏ lại sau lưng nhiều cám dỗ cũng như sự phản đối kịch liệt của gia đình, xung phong lên vùng khó khăn ở tuyến huyện miền núi để khám, chữa bệnh cho bà con.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên