Sinhviên tình nguyên giúp bệnh nhân neo đơn uống thuốc - Ảnh: CHÍ CÔNG
Đó là Đội tình nguyện chăm sóc bệnh nhân - 9X với hơn 200 sinh viên, đoàn viên của khoa khoa học xã hội và nhân văn - Trường Đại học Cần Thơ đang làm công tác thiện nguyện tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.
Ông Trần Văn Hoài (65 tuổi, ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đang điều trị tại khoa xạ trị. Gia cảnh neo đơn, ông không thể tiếp tục chữa bệnh tại TP.HCM. Chuyển về đây, ông được các bạn sinh viên kề bên, an ủi động viên nên ông cảm thấy rất ấm áp.
"Mấy ngày gần đây, tôi được các cháu sinh viên đây giúp đỡ, tôi vui lắm. Thấy các cháu tử tế ân cần thăm hỏi, quan tâm chăm lo từng viên thuốc, miếng ăn, bệnh của tôi có mười thì cũng giảm đi năm rồi" - ông Hoài vui vẻ cho biết.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa nhận xét: "Khoa xạ trị này có rất nhiều bệnh nhân nằm điều trị bệnh lâu ngày, trong đó có chồng tôi. Chồng tôi bị bướu cổ, sốt cao kéo dài. Nhưng may, các em sinh viên tình nguyện của ĐH Cần Thơ đến hỗ trợ lau mát, tiếp nước nên chồng tôi dần dần hạ sốt. Các em ấy làm nhiệt tình từ tâm đến hành động. Tôi hi vọng các em cứ làm việc này giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và neo đơn ở đây, để họ có thêm điểm tựa tinh thần chiến đấu với bệnh tật".
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn thủ tục cho người tới khám bệnh tại Bệnh viện Cần Thơ - Ảnh: CHÍ CÔNG
Hơn một tháng qua, cứ đến 6h30 hằng ngày, từ khu vực bắt số khám bệnh cho đến khoa xạ trị của bệnh viện luôn có màu áo xanh của sinh viên tình nguyện. Các bạn chia thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm 4-5 sinh viên) rồi luân phiên đến bệnh viện để làm việc "không công" này.
Mỗi bạn một việc, bạn thì rót nước đưa thuốc, bạn thì lau mát hạ sốt cho bệnh nhân, bạn thì trực bàn bắt số, ghi phiếu thông tin hay hỗ trợ cô chú bệnh nhân đi làm xét nghiệm cận lâm sàng,… Thậm chí có bạn tranh thủ sau giờ học đến bệnh viện trò chuyện cùng bệnh nhân giống như một đứa con thân thuộc trong gia đình.
Phạm Hải Đăng, sinh viên ngành du lịch (khoa khoa học xã hội và nhân văn ĐH Cần Thơ), nói: "Dù việc học có bận rộn thế nào, em cũng thu xếp thời gian vào trò chuyện cùng cô chú. Em nghĩ cô chú đáng tuổi cha tuổi mẹ mình, nên giúp được gì em sẽ giúp liền. Thấy cô chú vui và bớt đau, em cũng vui theo".
Còn Diệp Chí Cường, sinh viên ngành văn học (khoa khoa học xã hội và nhân Văn, ĐH Cần Thơ), cho rằng việc chăm sóc các cô chú bệnh nhân điều trị bệnh tại bệnh viện để lại trong em những bài học cuộc sống thật ý nghĩa. Cường cũng như các sinh viên tình nguyện Trường ĐH Cần Thơ mong muốn "kết nối tình thương" nhằm tiếp thêm động lực cho bệnh nhân ở đây vượt qua nỗi đau của bệnh tật.
Ông Lê Tiến Mãnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, nhìn nhận thời gian qua về phía Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ có phối hợp với Đoàn khoa khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Cần Thơ làm công tác xã hội, trong đó các sinh viên được tập huấn cách hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân. Đây là một hành động đáng quý và mang ý nghĩ nhân văn sâu sắc, vì công việc của các em là chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận