26/03/2013 12:46 GMT+7

Tôi nhận kỷ luật để điều hành mạnh hơn

HU.H. - DUY THANH thực hiện
HU.H. - DUY THANH thực hiện

TT- Tuổi Trẻ đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi ông phát biểu xin nhận kỷ luật tại cuộc họp trực tuyến về an toàn giao thông sáng 25-3.

tv7C0cWw.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Ảnh: Duy Thanh

TNGT tăng, chủ tịch tỉnh Khánh Hòa xin nhận kỷ luật

Ông Thắng nói: Tôi xin nhận kỷ luật vì trước hết thấy mình có lỗi trước tính mạng nhân dân. Để cho đồng bào mình chết nhiều như vậy mà mình không nhận kỷ luật là không ổn về mặt trách nhiệm và cả về lương tâm. Mà trung ương cũng đã có quy định địa phương nào để tai nạn giao thông tăng cao thì chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Tôi nghĩ mình nhận kỷ luật là để nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa, đồng thời để những địa phương khác nếu tai nạn giao thông tăng cao thì chủ tịch UBND tỉnh đó cũng nên nhận kỷ luật nhằm thể hiện sự nghiêm minh.

* Ông xin nhận kỷ luật trước trung ương, vậy liệu cấp dưới có nhận kỷ luật trước ông?

- Đương nhiên, tôi xin nhận hình thức kỷ luật như thế mới điều hành cấp dưới mạnh hơn. Sắp tới, tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tôi giao chỉ tiêu cụ thể, địa phương nào để tai nạn giao thông tăng cao thì chủ tịch UBND địa phương đó tự nhận hình thức kỷ luật chứ đừng để UBND tỉnh kỷ luật. Tôi nghĩ đây cũng là điều bình thường.

* Nhiều người cho rằng tai nạn giao thông tăng cao có nhiều nguyên nhân, đâu chỉ do sự điều hành của chủ tịch UBND tỉnh?

- Đúng là còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng tôi nghĩ trước hết phải xác định trách nhiệm của mình. Sau đó, mới đến trách nhiệm đề xuất các giải pháp với trung ương để tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông.

* Vậy ông đề xuất các giải pháp nào?

- Trong cuộc họp sáng 25-3 tôi đề xuất: Một là, quốc lộ 1 trong suốt gần 40 năm qua không được mở rộng. Quốc lộ 1 mà chỉ có hai làn xe, nếu tài xế mất kiểm soát hoặc muốn vượt xe khác thì phải lấn tuyến, dẫn đến nguy cơ đối đầu xe chạy chiều ngược lại rất cao. Ở nước ngoài, đường người ta có dải phân cách ở giữa, mỗi bên đường có 2-4 làn xe, hiếm khi xảy ra tai nạn đối đầu giữa hai xe nên hậu quả tai nạn nếu xảy ra không thảm khốc như ở mình. Việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 là điều cấp thiết nhất hiện nay.

Thứ hai, Khánh Hòa là tỉnh du lịch, mật độ giao thông lớn, loại hình giao thông đa dạng, nhưng từ ngày giải phóng đến nay 38 năm rồi, đề xuất không biết bao nhiêu lần mà cấp trên chưa đầu tư làm một tuyến tránh quốc lộ 1 nào cả. Xe cộ ùn ùn chen nhau đi thì nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn ở mức cao.

Thứ ba, đưa xe khách vào diện kinh doanh đặc biệt vì liên quan đến tính mạng của rất nhiều người. Tôi nghĩ cần thiết phải lập các trung tâm điều hành theo dõi xe khách và xe container bằng định vị GPS và “hộp đen”. Các trung tâm này do cơ quan chức năng của nhà nước quản lý. Anh chạy đi đâu, bao nhiêu kilômet/giờ, có vượt quá tốc độ hay không... trung tâm điều hành này biết hết và thông báo để cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý. Thực tế lâu nay thấy rằng chỗ nào có cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát là các loại phương tiện xếp hàng chạy rất “dễ thương”, nhưng không có cảnh sát giao thông là họ chạy khiếp lắm.

HU.H. - DUY THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên