02/06/2020 12:12 GMT+7

'Tôi nghĩ mình phải vững lên thôi, phải học cho thành người...'

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm" - cuộc đời cô sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng Phan Thị Mai (20 tuổi) có nhiều biến cố dồn dập ập đến: mẹ và bà ngoại lần lượt qua đời.

Tôi nghĩ mình phải vững lên thôi, phải học cho thành người... - Ảnh 1.

Làm thêm đủ nghề, Mai vẫn dành thời gian để học dù đang ở đâu - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Từ ngày Mai mới lọt lòng, ba mẹ đã ly hôn. Một mình mẹ Mai nuôi con. Ở vùng quê nghèo tựa lưng vào vách núi thuộc huyện Quế Sơn (Quảng Nam), kiếm cái ăn đã khó nói gì đến việc cho con ăn học đàng hoàng, nên mẹ Mai vào Sài Gòn làm thuê.

Mẹ mất, bà ngoại cũng qua đời

Một mình ở quê, Mai theo bà ngoại làm đủ việc kiếm sống. Đau đớn thay, đến năm học lớp 10, cô nhận tin mẹ mất. Đó là những tháng ngày cô bé mồ côi ăn cơm với mỡ heo đông ngày hai bữa. Bà ngoại Mai nghèo lắm, tuổi lại cao nhưng có bà có cháu cưu mang nhau vẫn qua ngày qua tháng. Trước ngày Mai thi đại học, nỗi đau một lần nữa ập tới - bà ngoại Mai qua đời.

"Lúc ấy tôi không còn tâm trí để thi nữa. Tôi chẳng còn một điểm tựa nào. Lần lượt người thân rời đi khi tôi chưa một ngày nếm trọn tình yêu của gia đình. Nhiều người khuyên tôi nghỉ học đi làm, nhưng nhìn bốn bề thăm thẳm núi, nhìn căn nhà ngoại không có nổi chiếc chốt cài, tôi nghĩ phải vững lên thôi, phải học cho thành người để ngoại và mẹ nhìn tôi mà vui nơi chín suối" - Mai trải lòng.

Rồi cô gái mồ côi quyết tâm vào đại học sau bao ngập ngừng, đắn đo. Gửi bàn thờ bà và mẹ cho hàng xóm qua chừng nhang khói, một mình Mai xách balô ra Đà Nẵng trọ học khi trong tay không có nổi vài trăm ngàn. 

Cô gái chọn học ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, với hi vọng cơ hội việc làm sau này sẽ tốt hơn. Vừa đặt chân đến nơi lạ lẫm, việc đầu tiên cô làm là kiếm cùng lúc nhiều công việc làm thêm để có tiền lo ăn, học.

Tôi không thể ngã được lúc này. Con đường tôi chọn tôi sẽ quyết đi đến đích. Tôi sẽ tốt nghiệp và có việc làm ổn định rồi quay lại giúp đỡ những người khó khăn như mình.

PHAN THỊ MAI

Làm đủ nghề để đến giảng đường

Mai làm đủ nghề từ đi dạy kèm, phụ nhà hàng, quán xá, giao hàng nhanh, cả việc khuân vác hàng hóa cô cũng chẳng ngại. Hằng ngày sau giờ học ở trường, Mai lại tất tả chạy đến chỗ làm. 

Ca đêm Mai làm bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 5h sáng. 25.000 đồng mỗi giờ cho việc khuân vác, phân loại hàng hóa trong khu công nghiệp. Vì phải làm nhiều việc nặng nhọc nên đôi tay Mai chai sần đi, có hôm bốc hàng đến mức hai tay sưng vù, bầm tím. 

Nhiều lần đạp xe về đến phòng trọ thì người rã rời, lịm đi, nhưng cô chưa một ngày bỏ học. Giờ ngủ của cô là lúc rạng sáng đến trước giờ lên lớp, những phút tranh thủ nghỉ trưa.

Học phí của ngành Mai học chất lượng cao 15 triệu đồng mỗi kỳ. Công việc và thời gian Mai sắp xếp được nếu làm cật lực. Tuy nhiên, mọi thứ gần như bị ngưng trệ vì dịch COVID-19. 

Những ngày dịch Mai chạy đôn chạy đáo xoay xở việc làm thêm. Khó khăn hơn bao giờ hết khi nhiều chỗ làm không nhận việc. Nhà hàng tiệc cưới, quán xá cũng nghỉ. Mai gọi đến các dự án xây dựng từng làm thêm xin thu dọn công trình nhưng cũng không có nơi nào hoạt động.

Đã khó lại càng khó hơn khi cô xin được một việc làm ở xa trường học 20 cây số, Mai về quê mượn chiếc xe máy cũ của người họ hàng mang ra thành phố đi làm, được vài ngày thì bị mất. Cô gái chạy tìm khắp nơi, bất lực cô đứng khóc giữa trời không ngớt. 

Giây lát cô muốn ngã gục, khi vừa không có tiền, không thể đi làm, lại thêm mất xe, nhưng nghĩ tới khoản học phí kỳ học tới, nghĩ đến mục tiêu của mình, cô gái lại đứng bật dậy tiếp tục chiến đấu.

Điều Mai lo sợ nhất là những kỳ học sắp tới với chương trình học nặng hơn, thời gian dành nhiều cho việc học sẽ không thể kiếm tiền đóng học phí. Những dự tính mới, việc làm thêm mới được cô gái nhỏ đặt ra. Chưa biết bao giờ khó khăn mới kết thúc nhưng chắc chắn một điều cô sẽ tiếp tục cố gắng và không bao giờ bỏ cuộc.

Bỏ qua khó khăn, góp sức chống dịch

Thầy Ngô Đình Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 18TDHCLC1, ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho biết thầy là chủ nhiệm lớp của Mai, và chủ nhiệm câu lạc bộ BK MAKER nơi Mai tham gia hoạt động nghiên cứu nên hiểu rất rõ cô học trò nghị lực này.

"Mai học tốt và chịu khó, là lớp trưởng gương mẫu và là sinh viên nữ duy nhất của lớp. Dù cuộc sống khó khăn, em phải làm việc tự lo cho mình đi học nhưng Mai không chỉ học giỏi, em còn năng nổ tham gia các hoạt động của câu lạc bộ, trường và xã hội. Đợt dịch vừa rồi em đêm đi làm thêm, ngày lại tham gia cùng câu lạc bộ chế hàng chục máy rửa tay tự động phòng dịch cho các bệnh viện, nơi công cộng trong thành phố" - thầy Thanh nói.

Tôi nghĩ mình phải vững lên thôi, phải học cho thành người... - Ảnh 4.
Không đơn độc trên đường đến trường Không đơn độc trên đường đến trường

TTO - Những tiếng nấc nghẹn, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của các nhân vật giao lưu lẫn người tham dự trong khán phòng Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sáng 30-5 đã tạo nên cảm xúc lắng đọng.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên