24/02/2019 11:10 GMT+7

'Tối nay con ăn gì?'

Truyện 1.101 chữ của TÚ DI
Truyện 1.101 chữ của TÚ DI

TTO - 6 giờ tối, tôi bước ra khỏi văn phòng công ty. Điện thoại rung trong túi quần, tôi không buồn kiểm tra cũng biết tin nhắn này đến từ ai và nội dung tin nhắn là gì.

Tối nay con ăn gì? - Ảnh 1.

Minh họa: Đặng Hồng Quân

"Bé đâu rồi?".

"Làm xong chưa con?".

"Tối nay con ăn gì?".

Không còn sức để bấm điện thoại soạn tin nhắn, tôi chọn chức năng gọi video.

"Con nói bao nhiêu lần rồi. 6 giờ sáng ở Việt Nam là 6 giờ tối bên con, là lúc con mới đi làm ra, mệt lắm. Sao mẹ đặt nhiều câu hỏi vậy? Mẹ biết là...".

Chưa kịp dứt câu, tôi lại nhận được thêm vài câu hỏi nữa.

"Trời có lạnh không con? Bây giờ đang bao nhiêu độ? Có tuyết không?".

Tôi hoàn toàn có thể trả lời những câu hỏi đơn giản này. Dạ, con đây mẹ. Con mới làm xong. Tối nay con nướng bông cải ăn với mì Ý xốt cà chua. Không, bây giờ chưa lạnh, tháng hai mới lạnh...

Nhưng không, không phải hôm nay. Hãy tưởng tượng bị hỏi những câu hỏi tương tự như trên mỗi ngày và đưa ra những câu trả lời tương tự mỗi ngày, lúc 6 giờ tối, sau một ngày dài làm việc căng thẳng. 

Một ngày tôi dành hơn 8 tiếng trả lời câu hỏi từ sếp, từ khách hàng, từ đồng nghiệp. Sau giờ làm, tôi phải trả lời câu hỏi của mẹ. Vậy nên, tôi đưa cho mẹ "quota câu hỏi".

"Mẹ, từ giờ trở đi, mỗi lần mẹ nói chuyện với con, con cho mẹ hỏi con hai câu hỏi thôi. Nên mẹ chọn câu hỏi nào cần thiết nhất để hỏi thôi nha. "Hôm nay con ăn gì?" không phải là câu hỏi cần thiết, nên mẹ bớt hỏi câu đó nghe".

Gần 2 giờ sáng, điện thoại lại rung. Tôi biết giờ này chỉ có thể là tin nhắn từ Việt Nam, và khả năng cao tin nhắn này lại từ mẹ.

Số đầu 84 của Việt Nam, nhưng là số lạ.

"Trân ơi, con còn giữ vở luyện chữ của bé Quỳnh Như không? Con cho cô xin được không?".

Tôi ngồi thẫn thờ đọc đi đọc lại dòng tin nhắn. Ba năm trôi qua, tôi có thể quên nhiều thứ, nhưng tôi không tài nào quên được bé Quỳnh Như.

***

Mùa hè ở Sài Gòn trong tôi chỉ có nắng. Nắng cháy da, nắng đỏ mặt. 1 giờ trưa thứ bảy, ngoài đường ai cũng trùm áo khoác, đeo khẩu trang, mặt nhăn nhó, tay bấm còi inh ỏi. 

Cảnh tượng này còn kinh khủng hơn ở trước cổng Bệnh viện Ung bướu đầu đường Nơ Trang Long. Bác Bảy xe ôm chở tôi đến trước cổng bệnh viện.

"3 giờ hen con?".

"Dạ 3 giờ".

Tôi vào khu nhi, bước lên hai tầng lầu, quẹo trái là đến Lớp Học Chữ. Tôi viết hoa bởi đây không phải là một lớp học chữ bình thường, mà là lớp học chữ có một không hai dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu. 

Tình nguyện viên là những cô giáo về hưu, những bạn sinh viên sư phạm, hay đơn giản là những người muốn đóng góp chút thời gian rảnh cho các bệnh nhi.

"Chị Trân ơi thằng kia nó "quýnh" em".

"Chị Trân chị chỉ em nhảy bài con ếch như hôm bữa đi".

Tôi chưa kịp cởi áo khoác, đã bị bàn tay nhỏ xíu của em kéo đi về một góc. Cột gọn lại tóc, tôi chống nạnh, lên giọng:

"Đâu, đứa nào dám "quýnh" Quỳnh Như ra đây chị biểu".

Quỳnh Như cười khoái chí. Mái đầu trọc lóc và làn da trắng bệch của em trái ngược hoàn toàn với ánh mắt nghịch ngợm và nụ cười lém lỉnh của cô bé 6 tuổi. Cũng như gần 20 em khác trong lớp học chữ, Quỳnh Như không hiểu "ung thư" nghĩa là gì. 

Em chỉ biết căn bệnh ung thư máu làm em phải nghỉ học, phải lên thành phố điều trị. Nhưng nhờ cô giáo, nhờ mấy anh chị mà em lại được học chữ mỗi trưa thứ bảy.

Đôi mắt của em chỉ thấy giường bệnh, ống truyền thuốc, Lớp Học Chữ, bạn trong Lớp Học Chữ, cô giáo và mấy anh chị tình nguyện viên. Đôi mắt của tôi thấy được những vết bầm trên cánh tay mảnh khảnh sau mỗi lần truyền thuốc, thấy được niềm phấn khởi trên khuôn mặt em mỗi khi tôi dạy em nhảy bài con ếch và niềm hạnh phúc trong mắt mẹ em khi bà nhìn em học, em nhảy múa qua khung cửa sổ lớp học.

Đúng 3 giờ, bác Bảy xe ôm gọi.

"Thôi chị đi về nha, bác xe ôm đến rồi. Hẹn gặp tuần sau nghe".

Quỳnh Như xụ mặt. Mẹ em dỗ dành.

"Bái bai chị đi con. Thứ bảy tuần sau chị dạy nhảy nữa".

Trưa thứ tư, tôi nhận được cuộc gọi từ cô giáo phụ trách Lớp Học Chữ.

"Quỳnh Như đang yếu lắm, con vô thăm em được không? Nó cứ đòi gặp chị Trân".

"Con đang không ở Sài Gòn. Cô đưa điện thoại cho Quỳnh Như để con nói chuyện với em. A lô, Quỳnh Như hả? Ừa chị biết rồi, ráng nghe lời mẹ uống thuốc, ăn khỏe để thứ bảy chị dạy nhảy con ếch nữa nghe".

Vừa nói tim tôi vừa thắt lại. Tôi sợ ngày thứ bảy sẽ đến, sợ vào Lớp Học Chữ mà không bị ai kéo tay, không bị ai ỉ ơi chị Trân ơi chị Trân à.

Xe đưa em về nhà ở Tiền Giang sáng hôm sau. Em đi buổi tối khuya hôm ấy. Bác Bảy xe ôm vẫn chở tôi đến bệnh viện mỗi trưa thứ bảy cho đến hết mùa hè năm ấy.

***

Tôi soạn tin nhắn trả lời gửi đến số máy lạ.

"Dạ con còn giữ vở của em ở nhà con ở Sài Gòn. Có chi không cô?".

"Tuần sau là đám giỗ Quỳnh Như, mẹ em lên thành phố gặp cô để xin lại quyển vở của em".

Đêm hôm ấy, tôi nằm nghĩ về người mẹ lam lũ kiếm tìm tất cả những gì còn sót lại của đứa con gái nhỏ. Giấy tờ, hình ảnh và quyển vở luyện chữ a b c...

6 giờ tối hôm sau, tôi gọi mẹ.

"Mẹ ơi, hôm qua con làm món bông cải nướng với mì Ý xốt cà chua ngon lắm. Tối nay con ăn cơm với cá chiên. Ngày mai chưa biết ăn gì, mà chắc hôm nay chiên cá dư để dành mai ăn luôn".

Truyện ngắn: Hẹn Truyện ngắn: Hẹn

TTO - Em hẹn khoảng bảy giờ, nghĩa là từ bảy giờ một phút đến bảy giờ năm chín, em chưa từng đúng giờ. Nếu có ai hờn dỗi, em sẽ cười nước đôi, đã bảo khoảng thôi mà. Hẹn chốn nào đây?

Truyện 1.101 chữ của TÚ DI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên