05/11/2019 16:52 GMT+7

'Tôi không đề xuất tận thu của người bán nước vỉa hè'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân bác bỏ cáo buộc ông đề xuất tận thu cả người bán nước vỉa hè để tăng thêm ngân sách.

Tôi không đề xuất tận thu của người bán nước vỉa hè - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Chuyện xuất phát từ phát biểu của đại biểu Nguyễn Văn Thân tại phiên thảo luận ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31-10 vừa qua, khi ông đưa ra con số 3,3 triệu hộ kinh doanh có thể nộp đến 39.600 tỉ đồng.

Phát biểu của người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị một bộ phận dư luận, đặc biệt một bộ phận trên cộng đồng mạng, cho rằng "không bảo vệ người kinh doanh yếu thế", "đòi tận thu cả người bán nước vỉa hè"…

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online ngày 5-11, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho đó là những "nhận xét, đánh giá ác ý, bởi vấn đề tôi đặt ra trước Quốc hội thậm chí ngược lại với những đánh giá đó, mọi người có thể đọc biên bản gỡ băng ghi âm phát biểu sẽ thấy rõ".

Theo đại biểu Thân, hiện nay cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu đóng thuế môn bài, còn lại 3,3 triệu không nộp thuế cho Nhà nước.

"Thực tế ngoài thị trường người ta vẫn phải đóng nhưng ở chỗ nào đó. Tôi điều tra thấy chỉ cần một quán hàng nước thôi vẫn phải nộp hằng tháng, nhưng tiền lại không vào ngân sách. Tôi đã phát biểu trước Quốc hội như vậy.

Còn những người kinh doanh nhỏ lẻ này đang phải nộp tiền cho ai và nộp ở đâu, tôi nghĩ chúng ta đã nhìn thấy qua các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tư pháp hai ngày nay tại Quốc hội, rằng nạn tham nhũng vặt còn phổ biến" - ông Thân giải thích.

Tôi hỏi một cô bán hàng nước và thuốc lá, cô ấy nói đóng 1,5 triệu/tháng tất cả các khoản. Tính trung bình mỗi hộ đóng 1 triệu nhân với 12 tháng và nhân với 3,3 triệu hộ thì được 39.600 tỉ đồng 1 năm.

Đại biểu NGUYỄN VĂN THÂN

Với tư cách đại diện cho người sản xuất, kinh doanh nhỏ, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng đây là một tồn tại vô lý, khi người kinh doanh vẫn phải nộp tiền mà Nhà nước không thu được. Và trên thực tế họ được "bảo kê" thay vì được pháp luật bảo hộ.

"Do thủ tục của chúng ta rườm rà, cứng nhắc, do định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn chưa thực sự đi vào cuộc sống nên nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ ngại đăng ký, chúng ta chưa khuyến khích được họ gia nhập đội quân doanh nghiệp. Hậu quả, họ vừa bị bắt chẹt lại không nhận được hỗ trợ của Nhà nước" - ông Thân giải thích thêm.

Chính vì nhận thức như vậy nên trước Quốc hội, đại biểu Thân đã nêu các kiến nghị: nghiên cứu có cơ chế để đưa các hộ kinh doanh cá thể này tham gia được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng là thực hiện được Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phấn đấu đến năm 2020 là 1 triệu doanh nghiệp; Chính phủ trên cơ sở Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề nghị càng sớm càng tốt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thuế cản đường khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể lớn? Thuế cản đường khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể lớn?

TTO - Có đơn hàng nhưng thiếu vốn, ngân hàng vẫn không cho vay. Có năng lực, nhưng không thể chen chân vào chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt cạnh tranh không lại khối FDI và nước ngoài. Phải chăng có phần từ thuế?

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0