Sáng 11-8, tại TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt tập san văn học nghệ thuật Quán văn số 106 và giao lưu với nhà văn, nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Cuộc trò chuyện xoay quanh cuốn Quán văn 106 cùng những kỷ niệm về sự nghiệp văn chương của Minh Ngọc.
Viết sao cho không hổ thẹn với độc giả
Quán văn đã làm việc trước đó với nhiều nhà văn nữ nổi tiếng trước năm 1975. Chủ biên Nguyên Minh chia sẻ:
“Tuy vậy, tôi phát hiện ra rằng nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc với những áng văn bay bổng, lại chưa được trong số nào của Quán văn. Đó là lý do vì sao cuốn Quán văn 106 lần này xoay quanh chân dung của Minh Ngọc”.
Nhà văn Minh Ngọc chia sẻ: “Thuở còn nhỏ, tuy được biết đến nhiều hơn vào năm 17 tuổi, nhưng thực ra trước đó tôi đã có nhiều bài viết được đăng báo.
Hồi nhỏ học tiểu học ở Pleiku, năm cuối cấp chuyển về Phan Thiết. Lúc đó, tôi học chung với nhiều đồng bào dân tộc, bị bạn học kỳ thị là “con nhỏ đen thui như trên rừng xuống”.
Nhưng cô giáo lúc nào cũng động viên và thường đọc bài viết của tôi cho lớp nghe, đồng thời gửi đăng báo Tuổi Ngọc, lấy bút danh là Ngọc Minh”.
Theo độc giả Trần Trí, một trong những cây bút trẻ của tờ báo Tuổi Ngọc ngày xưa mà anh thích nhất là Ngọc Minh.
“Thuở đó, tuần nào tôi cũng háo hức chờ đợi báo xuất bản. Mỗi lần đọc, tôi nghe như cô đang thầm thì, khoan thai, nhẹ nhàng kể lại cuộc sống chung quanh dưới nhãn quan và qua cảm xúc của những kẻ vừa lớn như tôi.
Rồi Ngọc Minh trở thành triết gia hồi nào không biết.
Tựa đề truyện của cô ngày càng thâm trầm hơn, suy nghĩ của những nhân vật trong truyện của cô càng lúc càng chín muồi. Cô dần đặt ra nhiều câu hỏi hơn là chỉ thủ thỉ kể chuyện gia đình, bạn bè như trước”.
Khi được độc giả hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất thời thơ ấu, Minh Ngọc kể: “Ngày đó, tôi từng tham gia một cuộc thi viết về mẹ. Có một lần khi tôi đi qua rừng lá, một anh lính gác cầu bất ngờ chặn tôi lại và hỏi: ‘Cô ơi, cô có phải là người viết câu chuyện đó không?’.
Trong giây phút đó, tôi hốt hoảng và chối ngay rằng không phải. Nhưng anh ấy tiếp tục, giọng trầm buồn: ‘Tôi đọc câu chuyện đó mà rơi nước mắt, vì cuộc đời của má tôi cũng đau khổ và oan khuất như má của cô vậy’.
Đôi khi chỉ cần những độc giả như vậy, tôi đã có đủ động lực để cống hiến cho văn chương suốt đời. Chúng ta phải viết sao cho lương tâm không cắn rứt, để bản thân không hổ thẹn với bất cứ đại bộ phận độc giả nào. Bởi độc giả nào cũng đáng được trân trọng”.
Nữ quyền trong truyện ngắn của Minh Ngọc
Theo độc giả Trần Thị Nam Phương, những đóng góp vào diện mạo chung của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, diễn ngôn của các nhà văn nữ đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ, cho thấy sự vận động và chuyển đổi của nền văn học nước nhà.
Nguyễn Thị Minh Ngọc được biết đến như là cây bút nữ có tiếng nói riêng bởi những đặc trưng giới tính đậm nhạt trong các trang văn.
Hệ thống nhân vật nữ trong sáng tác của bà hiện lên phong phú và đa dạng.
Đó là những người phụ nữ rất đỗi bình thường trong vai một người mẹ, người vợ, người chị, người em…
Cũng có thể là người chứa đựng những nét tính cách, diện mạo hay số phận đặc biệt.
Đặc điểm ngôn ngữ của nhân vật nữ trong truyện ngắn của bà được làm rõ trên ba bình diện: hiện thực, đời thường trong ngôn ngữ; ngôn ngữ triết lý trữ tình; ngôn ngữ độc thoại.
Ví dụ trong truyện ngắn Sắc (từ tập truyện Chờ duyên) có đoạn viết: “Tôi thèm hôn ngay lên đôi môi nàng lúc đó. Đó là một đôi môi thách thức người ta chiếm đoạt với khá nhiều bạo lực, một đôi môi biết cách đòi hỏi để được hôn”.
Tất cả đều như muốn lột tả tình yêu vừa chớm nở đã tuôn trào mãnh liệt của hai con người giữa cô gái hát rong lãng du với một chàng trai bản xứ. Câu chuyện trong Sắc tràn ngập sự đê mê của tình ái.
Ngay cả những tên tác phẩm như Cỏ hoa, Điện thoại lúc 0 giờ, Yêu người, Sương nắng lung linh, Trái khổ qua, Tìm con, Cạn duyên… cũng rất gần gũi, ngắn gọn, lột bỏ lớp mỹ từ và đôi khi nhan đề rất giản dị, súc tích, đi đúng trọng tâm hay đề cập thẳng đến trực tiếp đối tượng truyện đang nhắc tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận