Nhiều người không biết gọi Nguyễn Thị Minh Ngọc với danh xưng nào bởi bà được mệnh danh là người phụ nữ "đa đoan": nhà văn, đạo diễn, diễn viên, soạn giả sân khấu, biên kịch phim và hầu như ở lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn nhất định.
Phim điện ảnh Song Lang do bà đồng biên kịch vừa đoạt giải Phim TP.HCM xuất sắc trong Liên hoan phim quốc tế TP.HCM.
Bà cũng là người phụ nữ Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu off-off Broadway tại New York, thánh đường của sân khấu nhạc kịch thế giới với cương vị tác giả, đạo diễn, diễn viên.
Trong lần về Việt Nam này, với khoảng thời gian ít ỏi, bà tranh thủ viết và dựng một vở kịch cảm tác từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và tham gia một số hoạt động nghệ thuật khác.
Sau hậu trường sân khấu, bà chia sẻ với Tuổi Trẻ hành trình đi và viết ở tuổi xế chiều, cũng như xúc cảm về những phận người trong từng trang văn.
Tôi và Nguyễn Ngọc Tư cùng yêu người Nam Bộ
* Định cư ở Mỹ nhưng vẫn hay về Việt Nam hoạt động nghệ thuật. Có thể gọi Nguyễn Thị Minh Ngọc là người đang đứng giữa hai bờ thương nhớ?
- Được về Việt Nam làm việc, ngoài những tri ân dành cho những người tạo điều kiện cho tôi thực hiện điều đó, người tôi cảm ơn lớn nhất là ông xã của tôi, đã thông cảm cho một người vợ khá "đa đoan".
* Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn đậm chất Nam Bộ. Trong nhiều kịch bản sân khấu của bà như: Tía ơi! Má dìa!, Duyên thệ cũng thấy rõ điều đó. Bà có nghĩ hai người có sự tương đồng trong phong cách sáng tác?
- Tía ơi! Má dìa! là kịch bản do tôi sáng tác vì cảm xúc trước hoàn cảnh những gia đình thất lạc rất khó khăn mới tìm lại được nhau.
Còn Duyên thệ là kịch bản chuyển thể từ hai tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đó là Bỏ vợ và Bức thư hối hận. Khi chọn chuyển thể tác phẩm của một tác giả nào, đầu tiên, tôi nhận ra hạt nhân cảm xúc của mình và tác giả ấy có nét chung hòa quyện.
Một khán giả của Duyên thệ nói với tôi viết sao mà thấy cả khán phòng sụt sùi. Ngày tôi được xem vở này, tôi cũng ứa nước mắt cùng với mọi người.
* Với vở Trò chơi mất tích cảm tác từ truyện Một trái tim khô của Nguyễn Ngọc Tư vừa công diễn, bà mất khoảng 10 năm để viết kịch bản và cũng phải sửa ba lần mới dựng được. Làm sao để vừa giữ được chất Nguyễn Ngọc Tư nhưng vẫn mang màu sắc của Nguyễn Thị Minh Ngọc?
- Tôi quý Nguyễn Ngọc Tư nên phải nghĩ đến cảm giác của Tư khi đọc bản chuyển thể sân khấu.
Với bản dựng lần này, tôi cố gắng triển khai từ nhiều chi tiết trong truyện của Tư.
Tôi không cần mang màu riêng của mình vào mà cố tìm màu chung của mình với Tư để cùng yêu những con người chất phác, hào sảng trên mảnh đất Nam Bộ.
* Vậy Nguyễn Ngọc Tư là người như thế nào trong mắt bà?
- Trước đây, tôi cũng đã cùng sân khấu Hoàng Thái Thanh thực hiện vở Mơ trăng bóng nước chuyển thể từ truyện Tình lơ của Nguyễn Ngọc Tư.
Rồi cũng có lần tôi "bị" đề nghị chuyển thể một truyện của Tư sang phim nhiều tập. Đi được nửa đường, phần Tư đã cạn, sang phần hư cấu của nhà sản xuất và tôi, dù tốn khá nhiều công sức nhưng chúng tôi quyết định ngưng vì xa tinh thần của Tư quá.
Riêng tôi, tới tuổi này sẽ chọn việc nào để làm không vì tiền hay tiếng mà vì thích làm. Mà làm việc với Tư là một việc khiến tôi thấy phấn kích như được lan tỏa năng lượng tích cực. Đó cũng chính là hình ảnh cô Tư trong mắt tôi.
Buồn nhưng không bi lụy
* Phim Song Lang nhận nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, nay phim đoạt giải trên "sân nhà". Điều này có nung nấu trong bà ý định làm tiếp một kịch bản phim điện ảnh có đề tài cải lương tiếp theo?
- Như tôi đã trao đổi trước đó với bạn, tôi nghĩ đề tài cải lương chỉ là cái vỏ, quan trọng vẫn là hạt nhân xúc cảm. Chỉ cần có được điều đó thôi là đủ.
* Trong các kịch bản sân khấu, tác phẩm văn học tiêu biểu của bà như: Hãy khóc đi em, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ... luôn đề cập đến thân phận buồn của người phụ nữ trong xã hội xưa. Bà có xúc cảm ra sao khi viết về chủ đề này?
- Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những người phụ nữ trong tác phẩm của tôi dù có thân phận buồn nhưng họ không bế tắc hay bi lụy.
Xưa cũng như nay, tôi luôn cảm nhận được hạnh phúc khi còn được sống. Vấn đề là sống như thế nào để vừa tồn tại mà cũng không để thất lạc chính mình. Đó là một nghệ thuật sống.
Những người phụ nữ đó sẽ không bao giờ tự tử, sẽ không nổi loạn, phản kháng để cả hai cùng đi tới diệt vong.
Họ cười, đôi khi phải điên - hay giả điên - một chút, nhưng rồi họ đứng thẳng, không quỳ hay quỵ lụy; rồi nếu có nước mắt thì gạt đi, tiếp tục cười, và bước tới.
Hãy cứ viết gì mình thích
* Tuy đã ở tuổi xế chiều bà vẫn có một năng lượng khó ai theo kịp, vẫn đi, viết và chia sẻ?
- Bởi vì tôi yêu công việc mà mình đang làm.
* Bà có nhắn gửi gì đến thế hệ nhà văn trẻ hiện nay? Làm sao để có thể giữ được chất riêng và nổi loạn trong ngòi bút?
- Các bạn hãy cứ viết bất cứ những gì mình rành và thích, kể cả những thể loại khoa học, viễn tưởng, xuyên không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận