13/02/2019 09:57 GMT+7

Tới chùa hãy đốt 'tâm hương'

TẤN KHÔI - LƯU ĐÌNH LONG ghi
TẤN KHÔI - LƯU ĐÌNH LONG ghi

TTO - Tình trạng khói nhang nghi ngút ở các đền chùa đầu năm cho thấy thói quen khó bỏ của nhiều người đi lễ.

Tới chùa hãy đốt tâm hương - Ảnh 1.

Phật tử tới tịnh viện Pháp Hạnh (Củ Chi, TP.HCM) lễ Phật mà không thắp nhang trong chánh điện - Ảnh: Thích Chí Giác Thông

Thể hiện lòng thành kính thế nào cho đúng? Đại đức Thích Chí Giác Thông - phó ban kiêm chánh thư ký Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM - góp thêm ý kiến.

Mỗi người khi tới chùa hãy dẹp bỏ bớt tham, sân, si, để từ đó làm bậc thềm sửa mình trong đời sống, công việc được tốt hơn, chứ không phải đốt nhang cho nhiều rồi cầu xin đủ thứ.

Đại đức Thích Chí Giác Thông

Người phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng coi trọng giềng mối gia đình, không chỉ người còn sống mà còn dành cho ông bà tổ tiên (người đã khuất). Đó là đạo hiếu, là lối sống trọng tình của người Việt, nên việc cúng kính, dâng hương hoa cúng ông bà tổ tiên là thể hiện hiếu đạo, nét truyền thống đáng trân trọng. 

Nhưng dâng hương hoa như thế nào để vừa đủ thể hiện lòng thành mà không thành mê tín, phí phạm là điều cần điều chỉnh. 

Theo tôi, lễ phẩm chỉ cần đơn sơ, một tấm lòng hướng về với sự biết ơn là được rồi, không phải mua nhiều hoa, đốt nhiều hương mới là thành kính.

Tới chùa cũng vậy, đa số tâm lý người đi lễ đều muốn tự mình dâng hương, hoa cho Phật nên ai cũng chuẩn bị lễ phẩm với hương nguyên thẻ, hoa một bó, một số còn mua đèn đốt cúng. Tuy nhiên, ngày nay các loại hương được phật tử, người đi lễ mua đốt thường được làm bằng hóa chất, tạo mùi độc hại, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe rất lớn. 

Tới chùa hãy đốt tâm hương - Ảnh 3.

Đại đức Thích Chí Giác Thông

Hơn nữa, việc mạnh ai nấy thắp nhang lên lư nhang trong chánh điện hoặc các nơi thờ tự rất dễ tạo ra hỏa hoạn. Do vậy, hầu như các chùa đều có lưu ý phật tử bằng nhiều hình thức (dán các bản khuyến cáo ngay bàn nhang, phát loa…) về việc hạn chế đốt nhang, chỉ tới lễ Phật là được với tất cả tâm thành.

Thêm nữa, trong nhà thiền, quan trọng là "hương lòng" hay "tâm hương", như nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ trên Tuổi Trẻ ngày 12-2 là "ngũ phần hương", hay nói khác đi chính là sự thực tập giới - định - tuệ, để có chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh niệm… khi tới chùa cũng như trong cuộc sống hằng ngày mới là "món hương" dâng cúng tốt nhất.

Để việc này đi vào nếp nghĩ, rất cần sự quyết tâm của mỗi chùa, mỗi thầy, mỗi sư cô trụ trì các tự viện, người đứng đầu cơ sở tâm linh. Riêng tôi, mỗi khi chia sẻ với phật tử, người đi chùa đều nhấn mạnh việc hạn chế đốt nhang. 

Tới chùa cần nhất là tâm tĩnh lặng, gạt bỏ những phiền não, tham, sân bên ngoài để trở về với tâm Phật, từ đó tiếp xúc được với năng lượng an lành của Phật, chư Bồ tát, Hiền thánh tăng… 

Đạo Phật với hệ thống triết lý giúp con người tu (sửa) bản thân trên cả phương diện ý nghĩ tới lời nói, việc làm hằng ngày, chứ không phải dạy về sự tôn sùng giáo chủ, càng không dạy cúng nhiều lễ phẩm mới được chứng, đốt nhiều hương mới thiêng.

Tới chùa hãy đốt tâm hương - Ảnh 4.

Người dân viếng chùa Ngọc Hoàng (TP.HCM) chấp hành nghiêm quy định “mỗi người một nén nhang” - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Năm 2019, Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM sẽ biên soạn và ra mắt một bộ quy tắc ứng xử đúng khi tới chùa: từ ăn mặc, đi đứng, nói năng, thắp nhang, lễ Phật, chào thầy trụ trì như thế nào… 

Hi vọng đây sẽ là cẩm nang bỏ túi giúp phật tử và người đi chùa có hiểu biết thêm việc đi chùa, phối hợp với nhà chùa tạo ra đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh.

Dâng cúng đơn giản, nhẹ nhàng

Phật tử TRỊNH HOÀNG XUÂN PHÚC (Bình Dương):

Nhiều người vẫn còn lấy việc hình thức thắp nhang thật nhiều, nghi ngút khói hương làm thước đo cho sự thành tâm. Theo tôi, sự thành tâm đến Phật thánh, ông bà tổ tiên phải được thể hiện không chỉ hình thức mà còn phải xuất phát từ những hành động đối nhân xử thế, những việc làm không trái với lương tâm, vi phạm pháp luật, đó mới chính là lòng thành thực tế đối với Phật thánh và ông bà tổ tông.

Chính những việc làm tốt, những hành động vì cộng đồng, những ý niệm, những lời hay ý đẹp, những tư duy tươi sáng chính là những nén hương thơm dâng lên cho Phật thánh, cho tổ tiên ông bà vậy.

Phật tử NGUYÊN HÂN (Đà Lạt, Lâm Đồng):

Có quan niệm cho rằng phải khói hương nghi ngút mới tỏ hết lòng thành kính, nhưng riêng tôi không nghĩ vậy. Bàn thờ tươm tất, trang nghiêm, bát hương dọn sạch sẽ mỗi ngày, hoa trái chọn loại tươi mới dù là ít nhưng thanh tịnh đó là cách thể hiện lòng thành hướng về Phật, thánh, ông bà tổ tiên.

Đừng coi thường ngọn lửa của bó nhang Đừng coi thường ngọn lửa của bó nhang

TTO - Đức Phật từng nhấn mạnh không nên coi thường một đốm lửa nhỏ, vì nó có thể bùng phát trở thành ngọn lửa lớn thiêu rụi cả khu rừng.

TẤN KHÔI - LƯU ĐÌNH LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên