Thắp hương ở lễ hội chùa Hương - Ảnh: NAM TRẦN
Đầu xuân, lại rộ lên hiện tượng chen lấn đi lễ cầu tài xin lộc, thậm chí giẫm đạp lên nhau vì tranh cướp "ấn", nạn thắp nhang xả rác vô tội vạ ở các miếu, đình và một số chùa khiến dư luận quan tâm.
Chuyện không mới, năm nào các chuyên gia, nhà quản lý tôn giáo cũng lên tiếng nhưng tình hình vẫn như cũ, thậm chí có dấu hiệu gia tăng.
Vì sao? Xin lấy một ví dụ, Huế từng là một trong những trung tâm trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20. Kết quả của phong trào chấn hưng này để lại sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sinh hoạt tín ngưỡng.
Vào các chùa ở Huế, chúng ta dễ thấy cấu trúc thờ phượng đặc thù. Việc thắp hương, chưng hoa cũng trang nghiêm. Ngày tết cũng như các lễ lớn, tín đồ đến lễ trong lễ phục trang trọng, không tự ý thắp hương, dâng đặt lễ phẩm lên các bàn thờ. Tiền công đức cũng được bỏ vào thùng "phước sương"...
Nhưng trong những ngày Tết Kỷ Hợi vừa rồi, sự hỗn loạn tại Trung tâm văn hóa tâm linh Quan Âm Phật đài, núi Tứ Tượng (huyện Hương Trà) làm nhiều người bất ngờ. Cảnh thắp và cắm hương tràn lan cảnh báo hành vi xấu trong tín ngưỡng đang trở lại.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (vừa qua đời ngày 8-2-2019), nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN), cho rằng đó là tệ nạn mù quáng tâm linh, hoàn toàn không có tri thức trong đó. Vấn đề là nó đã trở thành "niềm tin" và được lan truyền trong đám đông.
Không chỉ vậy, nó có sức lây lan rất rộng. Việc thay đổi những gì thuộc về niềm tin không phải dễ dàng, nhất thời chỉ qua thông báo, văn bản hành chính.
Chúng ta từng có bài học về nạn linh vật, những làn sóng dư luận tưởng như quét sạch các linh vật xa lạ, nhưng sau đó thì ra sao? Hình tượng sư tử Bắc Kinh vẫn hiện diện khắp nơi và tiếp tục được sản xuất ở nhiều cơ sở sản xuất mỹ nghệ.
Tại sao một vấn đề được cho là tệ nạn, mù quáng tâm linh lại được tiếp diễn từ năm này qua năm khác, lây lan rộng thêm và có dấu hiệu về sự trở lại của các hủ tục đội lốt truyền thống?
Phải chăng ở các cơ sở tín ngưỡng không có người quản lý, để những hành vi tín ngưỡng lệch chuẩn diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm?
Thực trạng xấu này có thể giải quyết hay không? Chắc chắn làm được vì kinh nghiệm lịch sử đã có, nhiều quốc gia tương tự chúng ta đã làm được. Mọi sự thay đổi căn bản phải từ nhận thức, cùng với cách diễn đạt phù hợp (qua các đại biểu tôn giáo có uy tín) và kế hoạch truyền thông tương ứng.
Nói cách khác, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa - tôn giáo với tổ chức tôn giáo và cả báo chí. Báo chí cũng cần có sự quan sát sâu sắc hơn, tránh cách phản ánh như lâu nay thường chỉ làm nhiễu loạn, đôi khi đánh lận nội hàm khái niệm cầu nguyện trong tôn giáo, tín ngưỡng vốn là nhu cầu chính đáng của con người.
Đừng tưởng ngọn lửa của nắm nhang là không đáng quan tâm. Đức Phật từng nhấn mạnh không nên coi thường một đốm lửa nhỏ, vì nó có thể bùng phát trở thành ngọn lửa lớn thiêu rụi cả khu rừng.
Khi hành vi tín ngưỡng lệch chuẩn được dung dưỡng, vì nhận thức, hoặc vụ lợi, trở thành "niềm tin", "truyền thống" trong số đông, sẽ rất khó để thay đổi, dẫn đến hiệu ứng xã hội tiêu cực và hậu quả, tất nhiên, rất khó lường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận