21/06/2020 07:07 GMT+7

Tôi chọn nghề báo - nghề năng động

VŨ THỦY - CÔNG TRIỆU
VŨ THỦY - CÔNG TRIỆU

TTO - Nghề báo chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong những ngày đầu mới chập chững bước chân vào nghề với những cô gái làm tin tức, thời sự.

Tôi chọn nghề báo - nghề năng động - Ảnh 1.

Những người làm báo trẻ luôn xem nghề báo là cơ hội để chạm vào những sự kiện nóng bỏng - Ảnh: N.H.

Với nghề báo, mỗi ngày đi làm đều là một trải nghiệm mới liên tục.

Hà Khanh

Ở tuổi 25, Minh Tâm, nữ phóng viên trẻ đang phụ trách video ở một tờ báo, khẳng định nghề báo là chọn lựa của cô sau khi ra trường dù nhiều khó khăn.

Những lần "đầu tiên"

Công việc của một phóng viên vốn đã nhiều thử thách, nhưng ở vị trí của Minh Tâm thì lại càng khó hơn: làm video cho những tin tức thời sự, nóng. 

"Tôi làm video cho tất cả các mảng, cứ có thông tin nóng như vụ đổ cây phượng vừa rồi là tôi theo. Vừa quay, vừa viết nội dung. Lúc đầu mình cũng tự dựng phim vì muốn dựng theo ý mình nhưng sau đó tôi chọn giao file cho các anh kỹ thuật để họ làm nhanh hơn do yêu cầu công việc" - Tâm kể.

Hai năm làm nghề, cô gái trẻ không ít lần trải nghiệm với những chuyện "đầu tiên": đi làm video "Vác đá xuyên đêm ở chợ Bình Điền" tới 3-4 giờ sáng mới về, lần đầu tiên vào nhà xác bệnh viện..., rồi có lần nhận điện thoại lúc gần 7 giờ tối của tòa soạn và một mình lái xe 40km để làm vụ sập tường chết nhiều người ở Đồng Nai.

Đêm đó, cô đã làm việc tới 1-2 giờ sáng. "Vừa mới đi làm về đến nhà tôi nhận được phân công của tòa soạn, chạy xe một lèo đến hiện trường quay phim rồi chạy tiếp vài chục kilômet về bệnh viện và vào nhà xác. Tôi rất sợ nhà xác và đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào đó. Quay xong thì viết, gửi file về cơ quan. Hôm sau lại tiếp tục trở lại hiện trường, rồi lại chạy thêm mấy chục cây số để gặp những người còn sống sót, nghe họ kể" - Tâm nhớ lại. 

Cô bảo lúc mới nghĩ sẽ phải làm thì còn sợ chứ lúc đã "nhập tâm" rồi thì nỗi sợ cũng biến mất.

Nếu như Tâm đã có kinh nghiệm làm nghề tính bằng năm, rồi mới đụng vào nỗi sợ cố hữu của con gái thì Đức Trọng (23 tuổi), đang làm mảng tin tức của một tờ báo khác, lại đi làm tin tai nạn chết người ngay ở lần đầu cô vào nghề báo: một vụ chết đuối ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 

Cấp III là học trò chuyên Anh, lúc là sinh viên cũng làm cho các tổ chức phi lợi nhuận và chưa có ngày nào viết báo nên quãng thời gian thực tập với cô gái trẻ thực sự khá ấn tượng.

"Phải lái xe nhiều và chưa quen đường, luôn dò Google Maps như tài xế công nghệ để đi làm đủ đề tài thời sự như ngập nước, cây xanh ngã đổ, tai nạn cháy nổ..." - Đức Trọng kể.

Mỗi ngày là sự trải nghiệm mới

Ở tuổi 25, 26, các cô gái trẻ đang giữ trong mình lửa làm nghề mạnh mẽ. "Với nghề báo, mỗi ngày đi làm đều là một trải nghiệm mới liên tục" - Hà Khanh (25 tuổi), nữ phóng viên trẻ phụ trách mảng giao thông, đã nói về nghề một cách say mê. 

Khanh đã ước mơ làm nghề báo "từ khi là học trò cấp II". Thế nên học xong cấp III, khi các bạn đều chọn thi các trường ở Hà Nội thì Khanh khăn gói vào Nam học đại học, vì luôn nghĩ trong đầu rằng làng báo miền Nam là sôi động nhất.

"Khi còn nhỏ chỉ nghĩ trong đầu rằng nhà báo là giỏi nhất, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều thứ" - Khanh kể. Đến khi vào nghề, phụ trách mảng giao thông với nhiều kiến thức liên quan đến kinh tế, chính sách vĩ mô, gặp các chuyên gia..., Khanh đã cảm thấy rất áp lực, luôn sợ rằng sẽ không thể bằng họ khi giao tiếp, trao đổi.

"Nhưng đến giờ tôi nhận ra rằng vì họ là chuyên gia, mình không biết nên mới tìm đến họ, đồng thời bản thân phải trau dồi kiến thức để hiểu biết hơn" - Khanh chia sẻ. 

"Ôm" mảng giao thông với rất nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, điện nước, đường sắt, đường bộ, hàng không..., công việc của Khanh buộc cô phải năng động: khi ra đường ghi nhận ngập lụt, kẹt xe; lúc làm việc với các sở, ban, ngành, chuyên gia...

Với các bạn phóng viên trẻ như Khanh, mỗi ngày làm nghề đều được liên tục học hỏi, tích lũy những điều ý nghĩa. 

"Tôi và đồng nghiệp thực hiện phóng sự về một người không có giấy khai sinh. Vì điều đó mà anh không thể đi học và đến khi con anh đến tuổi đi học thì mọi thứ lặp lại. Sau phóng sự đó, cả anh và con đều được làm giấy khai sinh để đứa trẻ đến trường. Đó thực sự là niềm hạnh phúc để những phóng viên trẻ như tôi gắn bó với nghề" - Nguyễn Thị Mỹ Dân (23 tuổi), nữ phóng viên kênh VTV24, nhắc lại một kỷ niệm đẹp trong nghề.

Thế hệ làm báo đa năng

Là người trẻ làm báo thế hệ mới, công việc của Dân cũng khác nhiều so với các anh chị trường báo trước đây: cô phụ trách tin tức cho nền tảng mạng xã hội như YouTube, Instagram và gần đây nhất là TikTok. Dân vừa có thể tác nghiệp quay, phỏng vấn, vừa làm kỹ thuật dựng và tương tác với độc giả trên kênh.

"Cách đây chừng 1-2 năm mọi người cũng đã muốn phát triển kênh tin tức trên nền tảng mới nổi như TikTok nhưng chưa có người thích hợp. Khi tôi vào làm, cũng là người đầu tiên làm các sản phẩm cho TikTok của VTV24" - Dân cho biết.

Câu chuyện này được kể ở thời điểm 20h, lúc Dân cùng đồng nghiệp vẫn ngồi làm việc. "Mỗi ngày team thường ở lại làm tới 20h-21h, rồi tiếp tục chuẩn bị chương trình cho ngày hôm sau. Công việc cứ xoay liên tục như vậy, tuy cực nhưng vì mình mê nên cứ muốn làm thêm thôi" - Dân chia sẻ.

V.THỦY

Dạy gì cho các nhà báo tương lai? Dạy gì cho các nhà báo tương lai?

TTO - Đào tạo báo chí truyền thông đang phải đối mặt với những biến động chưa từng có khi phải giải quyết thách thức kép: kỳ vọng mới của sinh viên về những gì nên và không nên dạy trong nhà trường, cũng như sự kết hợp giữa dạy học thuật và thực tế.

VŨ THỦY - CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên