Không hẹn mà gặp, họ cùng nhau đi trên hành trình tìm lại hình ảnh nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, lịch sử kiêu hùng qua các dự án khôi phục văn hóa - trải dài từ cổ phục, tái hiện hình ảnh các nhân vật lịch sử, đến tranh kỹ thuật số lấy cảm hứng từ phong cách mỹ thuật Đông Dương.
Mỗi dự án đều phảng phất sức sáng tạo mạnh mẽ của người trẻ, khát khao kế thừa và lan tỏa văn hóa Việt cho cộng đồng.
Ngày hội Việt phục
Sau bốn mùa tổ chức, cộng đồng những người yêu cổ phục nói riêng và người trẻ ở TP.HCM nói chung đã không còn xa lạ với ngày hội Tóc xanh vạt áo diễn ra hằng năm tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Đứng sau chương trình gồm các buổi tọa đàm, trình diễn nghệ thuật và triển lãm quy tụ hàng chục gian hàng trưng bày các sản phẩm văn hóa, lịch sử Việt Nam trong ngày hội Tóc xanh vạt áo là Tôn Thất Minh Khôi - chàng trai sinh năm 1997.
Khôi kể cơ duyên sáng lập Tóc xanh vạt áo vào năm 2020, trong một lần ngồi trò chuyện cùng họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam.
"Với niềm yêu thích áo dài và cổ phục Việt, chúng tôi muốn thử mang một số mẫu cơ bản nhất của các trang phục này đến trường học, tạo điều kiện để học sinh mặc thử và chia sẻ cảm nhận", Khôi cho biết.
Mang ý tưởng chia sẻ với Đoàn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Khôi nhận được sự ủng hộ và thậm chí góp ý, hỗ trợ nhiệt tình. Đó là lúc ý tưởng bắt đầu lớn dần lên, dần dà có những hình hài đầu tiên.
"Chúng tôi tự hỏi vì sao không tổ chức một ngày hội Việt phục nhằm tôn vinh các trang phục và cổ phục Việt Nam, nâng cao giá trị thưởng thức và sự hiểu biết cho các bạn sinh viên?", anh nhớ lại.
Mùa đầu tiên của chương trình tổ chức năm 2021, chỉ với 10 đơn vị tham gia như cổ phục Hoa Niên, dự án Đại Nam Hội Quán, Câu lạc bộ Văn hóa của các học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) và gói gọn ở sảnh D của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Tuy nhiên, số lượng người trẻ tham gia năm đó lên đến khoảng 3.000 người, đông kín khu vực diễn ra ngày hội từ sáng đến chiều. Nhiều người trẻ phấn khích, thích thú, đặc biệt là với những ai yêu thích cổ phục Việt với các trang phục như áo nhật bình, áo ngũ thân, áo tấc... Kết quả này cũng vượt xa sự mong đợi của Khôi và các cộng sự.
Nói về cái tên Tóc xanh vạt áo, chàng trai sinh năm 1997 chia sẻ anh muốn chọn một tên gọi đơn giản mà gần gũi nhất. "Chúng tôi không chọn tên Hán Việt và không quá cầu kỳ để nói về những tháng năm tuổi trẻ tươi đẹp, khó phai cùng những trang phục mà các bạn trẻ diện lên mình", Khôi giải thích.
Minh Khôi cho biết chương trình đang dần xây dựng một format chung với triển lãm, trưng bày tại gian hàng; talk show, trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống và kết thúc bằng đêm gala với tọa đàm làm điểm nhấn, cùng tiết mục sân khấu hóa được đầu tư hoành tráng.
Gìn giữ văn hóa dân tộc với Tóc xanh vạt áo
Sự phát triển của Tóc xanh vạt áo cũng tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các hội, nhóm và thương hiệu trong lĩnh vực cổ phục, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Một chặng đường dài, kết tinh của những nỗ lực, khát khao biến tầm nhìn và đam mê thành hiện thực.
Khôi kể phong trào cổ phong tại Việt Nam của những người trẻ manh nha thành lập trong giai đoạn ra mắt quyển sách Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức, đi cùng với việc các hội nhóm trên mạng xã hội ra đời.
Tiêu biểu nhất là nhóm Đại Việt Cổ Phong, góp phần tăng thêm nhận thức của công chúng, thay đổi cách cộng đồng đón nhận cổ phục Việt Nam - cởi mở, tò mò hơn để tìm hiểu và cảm nhận được những nét đẹp của văn hóa quốc gia thể hiện qua trang phục.
Nhận định về chiến lược của nhiều quốc gia nhằm phát huy và lan tỏa văn hóa xưa, Minh Khôi dẫn chứng Hàn Quốc với sự thống nhất và bài bản.
Thậm chí các trang phục được quy định một bảng màu riêng, khi nhìn vào sẽ nhận ra ngay đó là trang phục truyền thống Hàn Quốc.
Từng năm trôi qua, Tóc xanh vạt áo ngày một phát triển, vững chãi hơn.
Trong mùa 4, sự kiện hướng đến kỷ niệm 280 năm ngày võ vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài, thu hút hơn 30 gian hàng và 6.000 bạn trẻ tham dự.
Nếu như ở mùa 1, hầu hết các bạn trẻ tham dự đều không có sẵn cổ phục Việt và phải thuê, mượn thì giờ đây mỗi người đều đã có trang phục cho riêng mình, tạo ra một bức tranh ngày hội đa dạng, nhiều sắc màu.
Những người tổ chức kỳ vọng trong mùa 5 dự kiến diễn ra năm 2025, sự kiện sẽ được chuẩn hóa với các tiêu chuẩn đầu vào cho những gian hàng về số lượng và chất lượng sản phẩm, đồng thời sẽ xây dựng chiến lược để thu hút nhiều người nước ngoài hơn đến tham quan. Chương trình dự kiến đồng thời diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ở đầu cầu Hà Nội.
Khôi nói anh cũng mong sẽ có nhiều cơ hội hơn để được đối thoại và làm việc cùng các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, từ đó xây dựng một kênh trao đổi chung để cùng nhau gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều người cũng biết Khôi là hậu duệ của võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Những câu chuyện mà Khôi được nghe từ khi còn nhỏ qua lời kể và truyền dạy của ông nội vốn rất thâm hiểu văn hóa, lịch sử đã góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê trong anh về văn hóa, lịch sử.
Năm 2015, Khôi từng lập trang blog Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi kể về những câu chuyện phía sau bức rèm nội cung, sau đó đồng sáng lập dự án Phượng Khấu - một bộ phim dã sử cổ trang Việt Nam.
Khôi nhấn mạnh anh luôn tôn trọng và tự hào về truyền thống gia đình, vừa gìn giữ nhưng cũng đồng thời phát huy thế mạnh của bản thân, sống đúng với lứa tuổi của người trẻ trong thế giới hiện đại và chọn con đường phát triển với bản sắc rất riêng.
Ngoài vai trò là người sáng lập Tóc xanh vạt áo, Khôi cũng đang làm quản lý truyền thông cho nhiều nghệ sĩ, KOL.
Chàng trai gen Z chọn cách sống "làm hết sức, chơi hết mình", chọn làm những điều khiến bản thân vui vẻ và nhẹ nhàng bỏ qua những gì không vui. Anh cũng xây dựng các dự án văn hóa theo phong cách của người trẻ - hiện đại, mới mẻ, nhiều năng lượng và đầy sáng tạo.
"Tôi ôm ấp những giá trị đan xen giữa truyền thống và hiện đại một cách nhẹ nhàng, thoải mái và cảm thấy hạnh phúc.
Đôi khi tôi cũng tự hỏi có phải mình đang sống cuộc đời quá mâu thuẫn hay không, nhưng tôi cảm nhận mình yêu cuộc sống hiện giờ và yêu những việc mình làm.
Tôi luôn nhớ về nguồn gốc của gia đình nhưng trong xã hội hiện đại, tôi mong mọi người nhìn mình như một Tôn Thất Minh Khôi độc lập, có cá tính và màu sắc riêng thay vì gắn tôi với bất kỳ hình ảnh, danh xưng nào", Khôi chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận